Bất động sản

Vì sao Chính phủ bác 4 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP?

(VNF) - Theo Chính phủ, trường hợp triển khai không thành công dự án PPP, thời gian thực hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ kéo dài 9 - 22 tháng.

Vì sao Chính phủ bác 4 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP?

Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ mới đây đã có tờ trình Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Đáng chú ý, trong tờ trình, Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công 12 dự án thành phần với tổng chiều dài là 729km, thay vì 8 dự án đầu tư công, 4 dự án PPP như tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải trước đó.

Theo Chính phủ, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư lớn (bình quân trên 10.000 tỷ đồng/dự án), thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn thu chủ yếu để hoàn vốn là từ thu phí trên đầu phương tiện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh thu của dự án có thể bị sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội không đạt so với dự báo, việc triển khai các quy hoạch có liên quan không đúng lộ trình, phát sinh đầu tư các tuyến đường song hành của địa phương…

Chính vì vậy, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá các dự án đầu tư đường bộ cao tốc theo phương thức PPP vẫn là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, các dự án đường bộ cao tốc theo phương thức PPP chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính. Trong tổng số gần 60 dự án PPP do Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện trong giai đoạn vừa qua, các nhà đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng, năng lực thi công tốt, đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo quy định, nhưng tiềm lực về tài chính không phải là thế mạnh.

Chính vì vậy, việc huy động vốn vay của các doanh nghiệp này phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng của các ngân hàng, trường hợp dự án phát sinh rủi ro về doanh thu thường không chủ động được nguồn lực tài chính để xử lý, nên các tổ chức tín dụng rất thận trọng khi xem xét cho vay.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

Thực tế, quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy nhóm các nhà đầu tư thực sự quan tâm đến các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư đã huy động vốn tín dụng để thực hiện các dự án BOT giai đoạn trước đây, nên khả năng tiếp tục huy động tín dụng để đầu tư các dự án mới sẽ khó khăn hơn.

"Các dự án PPP đường bộ cao tốc mặc dù bảo đảm hiệu quả tài chính theo quy định, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ triển khai thành công do phụ thuộc vào thị trường, khả năng thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng huy động tài chính từ các tổ chức tín dụng", tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ cho rằng trong bối cảnh hiện nay nếu triển khai toàn bộ các dự án theo phương thức PPP, khả năng thành công sẽ không cao; nếu không thành công phải chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ chậm tiến độ, không đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025 của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội.

Theo Chính phủ, kết quả nghiên cứu cho thấy 4 dự án thành phần có thể triển khai theo phương thức PPP với các điều kiện hấp dẫn hơn các dự án đã triển khai như thời gian thu hồi vốn khoảng 15 năm, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia khoảng 54 - 65% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, theo phương án này, trường hợp triển khai thành công cũng chỉ thu hút được khoảng 17.275 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách (chiếm khoảng 11,7% tổng mức đầu tư dự án), trong khi đó phải xây dựng cơ chế đặc thù khác so với quy định của Luật PPP (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng mức đầu tư).

Bên cạnh đó, mặc dù các dự án này có tính khả thi cao, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ triển khai thành công do còn phụ thuộc vào thị trường; trường hợp triển khai không thành công, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài hơn 9 - 22 tháng.

Cụ thể, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, thời gian thực hiện sẽ kéo dài thêm tối thiểu khoảng 9 tháng (do phải thực hiện các thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang hình thức đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư; thẩm định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự toán; lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu…).

Trường hợp đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư, nhưng quá trình triển khai nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, thời gian thực hiện sẽ kéo dài thêm tối thiểu khoảng 22 tháng, so với trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, kéo dài thêm 13 tháng (gồm thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng và thời gian để nhà đầu tư huy động tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Luật PPP).

Trong khi đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ xây dựng xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ cao tốc. Đồng thời, Bộ Chính trị đã kết luận dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành.

"Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng", Chính phủ nhấn mạnh.

Xem thêm >>> Chính phủ đề xuất đầu tư công 146.990 tỷ làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

Tin mới lên