Tài chính quốc tế

Việt Nam khai mở 'mỏ vàng' lớn thứ hai thế giới, thách thức vị trí của Trung Quốc

(VNF) - Theo AsiaFundManagers, nền tảng thông tin đầu tư châu Á dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ngành công nghiệp khai thác đất hiếm tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa và có thể đe dọa vị trí của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu.

Việt Nam khai mở 'mỏ vàng' lớn thứ hai thế giới, thách thức vị trí của Trung Quốc

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về ngành công nghiệp khai thác đất hiếm.

Đất hiếm đã và đang là một “mỏ vàng” của Việt Nam, nền tảng thông tin đầu tư châu Á AsiaFundManagers nhận định.

Theo đó, Việt Nam đang có kế hoạch nâng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn/năm vào năm 2023. Đồng thời, nước ta cũng sẽ phát triển 3 đến 4 mỏ mới sau năm 2030 với mục tiệu tăng sản lượng đất hiếm thô lên mức 2,11 triệu tấn vào năm 2050.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Việt Nam đang có trữ lượng đất hiếm ước tính khoảng 22 triệu tấn, nhiều thứ hai thế giới và chỉ đứng sau Trung Quốc. Sản lượng đất hiếm của nước ta đã tăng từ 400 tấn trong năm 2021 lên 4.300 tấn vào năm 2022.

Khai thác đất hiếm chủ yếu tập trung ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Ngoài ra, một số loại đất hiếm khác cũng được tìm thấy ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và dọc theo bờ biển từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu.

Bên cạnh khai thác, Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư vào các cơ sở tinh chế đất hiếm với mục tiêu sản xuất 20.000 – 60.000 tấn oxit đất hiếm/năm từ năm 2030. Sản lượng oxit đất hiếm hàng năm sẽ tăng lên 40.000 – 80.000 tấn vào năm 2050.

Đất hiếm là một trong những nguyên liệu thô quan trọng trong pin xe điện, điện tử, công nghệ thực phẩm, ứng dụng y tế và thiết bị quân sự. Với tầm quan trọng của đất hiếm, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội vô cùng lớn.

Nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác đất hiếm.

Bên cạnh nguồn cung đất hiếm dồi dào, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi, từ đó, thu hút các công ty nước ngoài. Vào năm 2022, Công ty Cổ phần đất hiếm Việt Nam (VTRE) đã ký hợp động xuất khẩu hàng năm 1.000 – 2.000 tấn đất hiếm trị giá 50 triệu USD sang Hàn Quốc.

Ngoài ra, việc đang dần trở thành một cơ sở sản xuất lớn ở Đông Nam Á trong lĩnh vực linh kiện và thiết bị điện tử đang giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Úc và Canada, đang liên kết với Chính phủ và các công ty Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng tích hợp đối với đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác.

Blackstone Minerals đã ký một biên bản ghi nhớ với VTRE và nhà sản xuất kim loại Australian Strategic Materials (ASM) (ASM) để phát triển chuỗi giá trị khai thác đất hiếm tích hợp từ đầu đến cuối tại nước ta.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang ưu tiên phát triển lĩnh vực khai thác đất hiếm bằng việc đơn giản hóa các thủ tục xin giấy phép khai thác, ban hành nhiều ưu đãi về thuế cũng như thành lập các khu công nghiệp chuyên về khai thác.

Tuy nhiên, theo AsiaFundManagers, bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực khai thác đất hiếm ở Việt Nam vẫn gặp phải một số thách thức nhất định. Các công ty thăm dò và chế biến của Việt Nam còn thiếu công nghệ chế biến sâu, khiến cho việc thâm nhập thị trường nội địa và thiết lập xuất khẩu trở thành thách thức lớn với các doanh nghiệp.

Tin mới lên