Ngân hàng

Vietcombank phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 4.000 tỷ đồng

Dự kiến trong quý IV, Vietcombank sẽ phát hành trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn tối thiểu 7 năm và tối đa 10 năm, với lãi suất cố định hoặc thả nổi.

Vietcombank phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 4.000 tỷ đồng

Giao dịch tại Vietcombank

HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 với khối lượng tối đa 4.000 tỷ đồng.

Trái phiếu có kỳ hạn tối thiểu 7 năm và tối đa 10 năm, với lãi suất cố định hoặc thả nổi. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý IV/2021.

Hội đồng quản trị quyết định giao cho Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành chỉ đạo triển khai và quyết định lãi suất phát hành phù hợp với điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành và số lượng đợt phát hành, khối lượng và thời điểm phát hành trái phiếu cụ thể của từng đợt.

Trước đó, Vietcombank đã thông báo mua lại trước hạn gần 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2016. Đây là các loại trái phiếu kỳ hạn 10 năm được phát hành nhằm mục đích mở rộng nguồn vốn cho vay trung dài hạn và đa dạng hóa kênh huy động vốn của ngân hàng. Thời gian thực hiện quyền mua lại trái phiếu là trong tháng 10, 11 và 12/2021.

Số trái phiếu này được Vietcombank phát hành quý IV/2016, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần ở mức 7,2%-7,6%/năm và lãi suất tại các ngân hàng lớn chỉ từ 6,5%-6,8%/năm.

Ngày 23/10, Hội đồng quản trị Vietcombank cũng đã phê duyệt tăng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng thông qua 2 cấu phần. Cụ thể, cấu phần thứ nhất là tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2019 để chi trả cổ tức tỷ lệ 8%, nâng tổng vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng. Cấu phần thứ 2 là phát hành riêng lẻ quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ để tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 50.400 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng theo nội dung Tờ trình ngày 9/8 của Ngân hàng Nhà nước để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank.

Vốn bổ sung từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Hiện tại, Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn Vietcombank.

Trong quý 3 năm nay, lợi nhuận của ngân hàng đạt gần 5.738 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 9 tháng, Vietcombank lãi trước thuế và sau thuế của ngân hàng lần lượt là 19.311 tỷ đồng và 15.471 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ 2020.

Theo báo cáo tài chính, 96,4% lợi nhuận của ngân hàng vẫn đến từ hoạt động ngân hàng, còn lại tài chính phi ngân hàng và chứng khoán chỉ lần lượt chiếm 0,5% và xấp xỉ 2,6% trong tổng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận Vietcombank chủ yếu đến từ tín dụng. Sau 9 tháng, ngân hàng thu gần 10.428 tỷ đồng từ tín dụng, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2020.

Tin mới lên