Vietcombank trình phương án tăng vốn thêm 27.600 tỷ đồng, tham vọng dẫn đầu ngành

Hải Đường - 30/01/2023 11:39 (GMT+7)

(VNF) - ĐHCĐ bất thường sắp tới của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) sẽ bàn về nội dung tăng vốn của ngân hàng với phương án phát hành hơn 2,7 tỷ cổ phiếu.

VNF
Vietcombank trình phương án tăng vốn thêm hơn 27.600 tỷ đồng, tham vọng dẫn đầu ngành về vốn

Tại ĐHCĐ bất thường sắp tới của Vietcombank, ngân hàng này dự kiến trình cổ đông 2 nội dung là bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 và tăng vốn điều lệ năm 2023.

Theo đó, về việc bổ sung thành viên HĐQT, ứng viên được Vietcombank công bố là ông Nguyễn Thanh Tùng, hiện là phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành của ngân hàng này.

Về việc tăng vốn điều lệ, Vietcombank dự kiến trình phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.

Ngân hàng hiện đang lưu hành hơn 4,7 tỷ cổ phiếu theo số liệu tại ngày 31/12/2022, chưa tính đến số cổ phiếu phát hành sau khi hoàn thành phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 (tỷ lệ tăng vốn 18,1%).

Mức vốn điều lệ trước khi phát hành của Vietcombank là hơn 47.325 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn năm 2023, Vietcombank sẽ phát hành thêm tối đa hơn 2,7 triệu cổ phiếu, tương đương mức vốn tăng thêm tối đa là hơn 27.685 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện là trong năm 2023 và 2024.

Như vậy, xét theo các phương án tăng vốn điều lệ của Vietcombank, ngân hàng sẽ lần lượt thực hiện phương án năm 2022 và 2023, đưa mức vốn tăng lần lượt từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 55.891 tỷ đồng sau khi thực hiện phương án tăng vốn năm 2022.

Tiếp đó, Vietcombank sẽ đưa vốn điều lệ lên mức hơn 83.500 tỷ đồng.

Được biết, trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) hiện là nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hơn 67.434 tỷ đồng. Theo lộ trình tăng vốn của Vietcombank, ngân hàng này có thể soán ngôi VPBank sau khi hoàn tất phương án tăng vốn năm 2023.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm 2022). NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.

Trong đó, năm 2022, tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.

Huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021 (tương đương khoảng 428.000 tỷ đồng). Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021.

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng được kiểm soát. Dư nợ nhóm 2 là 3.289 tỷ đồng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, giảm 0,08 điểm % so với 2021 (0,36%). Tổng số dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỷ đồng; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (khoảng 465%).

Trong năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt 9% so với năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến 12,8%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023. Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.

Cùng chuyên mục
Tin khác