Vinaconex khiếu nại quyết định của tòa, 'đòi' bồi thường thiệt hại vật chất cho toàn bộ cổ đông

Thanh Long - 28/03/2019 20:03 (GMT+7)

(VNF) - Vinaconex đề nghị Tòa án nhân dân quận Đống Đa hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời yêu cầu các bên có liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất là kết quả phát sinh trong thời gian HĐQT và BKS của Vinaconex bị đình chỉ hoạt động, bao gồm cả việc giá cổ phiếu giảm sau khi biện pháp khẩn cấp tạm thời được công bố.

VNF
Giá trị vốn hóa của Vinaconex đã giảm 1.236 tỷ đồng chỉ riêng trong ngày 28/3/2019

Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) vừa có văn bản khiếu nại về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Theo đó, phía Vinaconex mà đại diện là Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông bày tỏ "vô cùng bất ngờ" khi nhận được quyết định tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019, trong đó có nội dung thông qua HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) mới.

"Vinaconex còn kinh ngạc hơn khi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCT ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa được ban hành chỉ 2 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý Kinh doanh dương mại số 29/2019/KDTMST và thậm chí, Tòa án nhân dân quận Đống Đa còn ban hành quyết định này ngay cả trước khi Tòa án gửi Thông báo thụ lý cho Vinaconex", phía Vinaconex cho biết.

Vinaconex khiếu nại quyết định của tòa khiến toàn bộ hoạt động của HĐQT lẫn BKS của Vinaconex bị đình chỉ, làm đình trệ ngay lập tức toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinaconex, gây thiệt hại trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Vinaconex.

Phía Vinaconex nhấn mạnh quyết định này gây thiệt hại nghiêm trọng ngay lập tức về kinh tế và vật chất (giảm giá trị cổ phiếu khoảng 1.236 tỷ đồng chỉ riêng cho ngày 28/3/2019, đã được lập vi bằng) cho toàn bộ các cổ đông của Vinaconex khi thông tin này được công bố ra thị trường.

Vinaconex cho hay, ông Nguyễn Quang Trung, ông Thân Thế Hà và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (3 trong số 4 pháp nhân yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) đều đã thống nhất với toàn bộ nội dung biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019. Trong khi đó, thời điểm chốt quyền tham dự đại hội đồng cổ đông bất thường, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ chưa phải là cổ đông của Vinaconex nên không có quyền tham dự và biểu quyết tại cuộc họp.

Phía Vinaconex cho rằng thẩm phán đã "vội vã ra quyết định" tạm dừng ngay việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019 theo yêu cầu của 2 cổ đông thiểu số mà không hề cho doanh nghiệp cũng như các bên có liên quan (bao gồm cả SCIC và Công ty TNHH An Quý Hưng) có cơ hội được giải trình và đối thoại.

Điều này, theo phía Vinconex, đã "gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư trúng giá, làm giảm lòng tin và sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực tới việc thực hiện chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước".

"Trong trường hợp yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ không có cơ sở pháp luật thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các thiệt hại trực tiếp về vật chất của Vinaconex nói riêng và toàn bộ cổ đông Vinaconex nói chung?", lãnh đạo Vinaconex đặt câu hỏi.

Vinaconex thậm chí còn cho rằng thẩm phán vội vã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "khi chưa xem xét thấu đáo vụ việc đã thể hiện sự không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Từ những trình bày và lập luận trên, Vinaconex đề nghị Tòa án nhân dân quận Đống Đa hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời yêu cầu các bên có liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất là kết quả phát sinh trong thời gian HĐQT và BKS của Vinaconex bị đình chỉ hoạt động, bao gồm cả việc giá cổ phiếu giảm sau khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được công bố.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.