Vinalines sẽ thoái vốn ở 'anh cả đỏ' vận tải biển Vosco

Nam Khánh - 20/01/2019 13:50 (GMT+7)

Việc thoái vốn tại các công ty vận tải biển của Vinalines nhằm giảm lỗ, tập trung vốn cho lĩnh vực kinh doanh khác.

VNF
Việc thoái vốn tại các công ty vận tải biển của Vinalines nhằm giảm lỗ, tập trung vốn cho lĩnh vực kinh doanh khác

Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), năm 2018, khối vận tải biển của Vinalines dù chưa cắt lỗ nhưng đã giảm lỗ mạnh đến 80% (còn 209 tỷ), doanh thu tăng 15,5%, sản lượng tăng 24,5% so với kế hoạch, đạt 24,3 triệu tấn, vượt tất cả các chỉ tiêu trong năm đặt ra.

Thông tin với báo giới, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, thời gian tới đây, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần, tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện thoái vốn tại một số đơn vị vận tải biển thành viên như: Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco); CTCP Vận tải biển Vinaship. Đây là những doanh nghiệp mà Vinalines đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 51% cổ phần.

“Việc thoái vốn được thực hiện nhằm tinh gọn, cắt giảm các khoản nợ của Vinalines, giúp tổng công ty có thể tập trung được nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực tiềm năng như: cảng biển, dịch vụ hàng hải. Tỷ lệ thoái vốn tại Vosco hoặc Vinalines sẽ giảm từ 51% xuống 49% hoặc nhiều hơn nữa”, ông Tĩnh cho hay.

Trước đó, Vinalines cũng bán đấu giá, giảm tỉ lệ nắm giữ tại Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) - một trong những đơn vị vận tải có khoản thua lỗ lớn mà Vinalines đầu tư với tỉ lệ giảm từ hơn 58% xuống 36%.

Tính đến tháng 12/2018, tổng số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải biển thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam là 11, gồm 82 tàu với tổng trọng tải hơn 1,7 triệu DWT, tuổi tàu trung bình 15,7 tuổi, chiếm 21,7% tổng trọng tải đội tàu quốc gia và chiếm hơn 18% thị phần trong nước.

Xem thêm >> Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi tiết lộ về người kế vị 'đế chế' Huawei

Theo Giao thông
Cùng chuyên mục
Tin khác