[VNF cuối tuần] Kinh tế thị trường và rổ trứng Ba Huân

Thụy Khanh - 12/08/2018 09:09 (GMT+7)

(VNF) -  Dù có lịch sử hơn 20 năm phát triển và là doanh nghiệp lớn về cung ứng sản phẩm gia cầm, Công ty Cổ phần Ba Huân vẫn như một đứa trẻ khi lăn lộn trong nền kinh tế thị trường.

VNF
Bà Phạm Thị Huân tại dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Ba Huân

Ngày 6/8, lá đơn kêu cứu lên Thủ tướng của Ba Huân được công bố trên truyền thông. Chỉ một ngày sau đó, VinaCapital tuyên bố dừng đầu tư vào Ba Huân. Một ngày sau nữa, hai bên chính thức ký thỏa thuận chấm dứt đầu tư. Tất cả nhanh như một cơn gió. Thật giống như tình cảnh hôn nhân đời thường “ba hôm trước ấm như lửa, ba hôm nữa lạnh như băng”.

Chuyện VinaCapital và Ba Huân đã gây ra vô số tranh cãi trong giới đầu tư cũng như dư luận xã hội. Người trách VinaCapital cũng có, kẻ chê Ba Huân cũng nhiều. Nhưng trách hay chê một bên hoặc cả hai bên, đều phải thừa nhận rằng doanh nghiệp Việt vẫn còn quá trẻ con với nền kinh tế thị trường.

Ba Huân – một trong những doanh nghiệp cung cấp trứng và thịt gia cầm hàng đầu Việt Nam, không thể nói rằng VinaCapital “đánh lừa” mình bằng việc cài cắm điều khoản bất lợi trong hợp đồng. Ba Huân cũng không thể nại lý do kêu cứu là do hợp đồng được viết bằng tiếng Anh. Hợp tác làm ăn hàng chục triệu USD, hai bên thương lượng tới 6 tháng mới ký kết mà nói do đọc không kỹ hợp đồng thì đến trẻ con cũng khó nghe.

Quan hệ kinh tế thì phải do thị trường điều chỉnh, ấy vậy mà Ba Huân lại gửi đơn xin Thủ tướng cứu xét. Miệng nói kinh tế thị trường, tay đâm đơn khiếu nại thì ai còn dám hợp tác?

Bà Phạm Thị Huân là một doanh nhân lăn lộn nhiều năm trên thương trường, gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhưng có lẽ, bà chưa hiểu nhiều về quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư thường chỉ muốn tái cơ cấu tài chính, tìm/thay thế/ép buộc nhà quản lý điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh để hướng tới mục tiêu doanh thu, từ đó đẩy giá trị công ty lên gấp nhiều lần. Sau đó, quỹ đầu tư sẽ thoái vốn để chốt lời.

VinaCapital là một quỹ đầu tư lớn và chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp của quỹ đầu tư này thể hiện rất rõ ở việc họ luôn nắm cửa thắng trong cuộc làm ăn. Không chỉ đưa ra tỷ suất hoàn vốn rất cao (22%, cao gấp 3 lần lãi suất vay vốn ngân hàng), VinaCapital còn yêu cầu Ba Huân phải chịu phạt hoàn vốn cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau ba năm từ khi nhận vốn đầu tư.

Có lẽ Ba Huân đã quá “ngờ nghệch” khi đặt bút ký vào hợp đồng bởi doanh số phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố: sức sản xuất, cầu tiêu thụ, sức khỏe của nền kinh tế quốc dân… - trong số đó, rất nhiều yếu tố mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Nếu so ra, việc đi vay ngân hàng để lấy vốn sản xuất còn rẻ hơn so với cổ tức phải trả cho quỹ đầu tư, chưa nói đến độ an toàn còn cao hơn gấp bội.

Tuy nhiên, cho dù Ba Huân thoát được “cửa tử”, giới đầu tư cũng không thể chấp nhận cung cách làm ăn không được thì xin nhà nước “bảo hộ”. Bởi đó là cung cách quá phản cảm đối với nền kinh tế thị trường.

Thị trường là lời ăn lỗ chịu, là chiến trường, là sinh tử. Chữ ký đã hạ xuống hợp đồng cũng như mũi tên bắn đi, làm sao có thể lấy lại. Lý thuyết “bàn tay vô hình” đến hôm nay vẫn được thế giới công nhận rộng rãi. Bàn tay hữu hình của nhà nước có thể can thiệp vào thị trường, nhưng chỉ là hạn hữu để khắc phục những thất bại của kinh tế thị trường.

Việc can thiệp của Chính phủ vào từng doanh nghiệp lại càng phải hạn chế và đôi khi chỉ là bất đắc dĩ. Chẳng hạn như hồi năm 2008, Chính phủ Mỹ buộc phải bơm 85 tỷ USD vào AIG, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới, nhằm tránh cho thị trường tài chính nước này có một kết cục tồi tệ hơn, sau một loạt sự ra đi của Lehman Brothers, Washington Mutual, Merill Lynch.

Ý chí chính trị, dù tốt đến thế nào, cũng không thể giá đỡ cho quan hệ kinh tế. Kinh tế cần phải và tất yếu tự vạch đường đi cho mình.

Lịch sử M&A Việt Nam không thiếu những cuộc hôn nhân hạnh phúc như cái cách Mekong Capital đưa Thế Giới Di Động lên đỉnh vinh quang. Nhưng lịch sử cũng ghi nhận nhiều trường hợp ông chủ bị đẩy khỏi công ty do mình sáng lập sau khi nhận vốn từ quỹ đầu tư.

Vấn đề rõ ràng chỉ là cách thức bắt tay giữa hai đơn vị. Doanh nghiệp khôn ngoan sẽ dùng vốn như hoàng đế sai khiến tướng sĩ. Ngược lại, doanh nghiệp kém khôn ngoan sẽ chịu cảnh gậy đập lưng mình, như cách nói của Karl Marx, giống như “một phù thủy đã mất đi quyền năng kiểm soát ma giới và không thể triệu hồi sức mạnh từ chúng thông qua các câu thần chú được nữa”.

Cùng chuyên mục
Tin khác