Vốn FDI giảm mạnh, Trung Quốc nỗ lực ‘lấy lòng’ nhà đầu tư nước ngoài

Hải Đăng - 11/01/2024 23:13 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc đang chật vật thu hút doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thách thức kinh tế gia tăng.

Chật vật giữ chân nhà đầu tư

Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) mới đây đã gặp các giám đốc tài chính toàn cầu và cam kết sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các tổ chức nước ngoài đầu tư vào nước này, theo Tân Hoa Xã.

Các giám đốc điều hành là thành viên của Hội đồng Cố vấn Quốc tế thuộc Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Bản thân ông Hà Lập Phong cũng là giám đốc văn phòng của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương.

Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn thực hiện cách tiếp cận “chờ đợi” đối với Trung Quốc trong bối cảnh không chắc chắn về quỹ đạo kinh tế của nước này và căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Theo Goldman Sachs, chỉ số chứng khoán MSCI Trung Quốc đã giảm 11% vào năm 2023. Nó đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp và cũng là chuỗi giảm điểm đầu tiên trong 20 năm qua.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường cải cách và mở cửa hai chiều thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tài chính xuyên biên giới, đồng thời thu hút thêm nhiều tổ chức tài chính nước ngoài và vốn dài hạn vào Trung Quốc”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hà Lập Phong.

Trung Quốc đã dần dần cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài nắm quyền kiểm soát phần lớn các hoạt động tại địa phương của họ. Năm ngoái, cơ quan quản lý chứng khoán cũng thực hiện các quy định mới để làm rõ quy trình cho các công ty trong nước niêm yết ở nước ngoài.

Các cuộc gặp trực tiếp giữa các quan chức Trung Quốc và các quan chức, giám đốc điều hành và học giả Mỹ đã tích cực diễn ra kể từ khi Trung Quốc chấm dứt hạn chế đi lại vì Covid-19 hơn một năm trước.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự kiến ​​sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào ngày 16/3 mới đây.

Dòng vốn FDI giảm mạnh

Theo Forbes, dòng vốn FDI chảy ra khỏi Trung Quốc đã tăng mạnh trong hơn một năm nay. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các công ty nước ngoài đã rút tổng cộng 160 tỷ USD thu nhập ra khỏi đất nước trong 18 tháng tính đến tháng 9/2023.

Trung Quốc đang chật vật thu hút doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài.

Chỉ riêng trong quý III/2023, lượng tiền rút đã áp đảo dòng vốn đầu tư nước ngoài khiến Bắc Kinh sau một thời gian rất dài đã phải chứng kiến nợ tài chính phát sinh từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (DIL) - thước đo vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc, ở mức âm 11,8 tỷ USD. Cùng kỳ năm ngoái, DIL của Trung Quốc ở mức 14,1 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên thước đo này chuyển sang âm trong 25 năm, kể từ khi Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1998. Dữ liệu này có thể liên quan đến tác động của việc các nước phương Tây “giảm rủi ro” từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang.

Nó cho thấy các công ty nước ngoài có thể đang rút tiền ra khỏi đất nước thay vì tái đầu tư vào hoạt động của họ. Nợ tài chính phát sinh từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm lợi nhuận thuộc về các công ty nước ngoài chưa được chuyển về nước hoặc chưa phân phối cho các cổ đông, cũng như khoản đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tài chính.

Việc kinh tế Trung Quốc tụt dốc đã thực sự ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư. Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, xuất khẩu, vốn vẫn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của Trung Quốc, đã sụt giảm, trong khi hoạt động công nghiệp chậm lại thời gian gần đây cho thấy sự suy giảm mạnh của nước này.

Thất bại của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, như Evergrande và Country Garden, đã làm mờ đi những tác động tích cực của thị trường bất động sản mà trong nhiều năm đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Các nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài cũng tỏ ra chán nản khi các nỗ lực vực dậy kinh tế của Bắc Kinh đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Một vấn đề khiến các doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy rắc rối hơn cả chính là mối quan hệ ngoại giao và thương mại ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Washington đã chặn việc bán một số công nghệ nhất định cho Trung Quốc và cũng cấm người Mỹ đầu tư vào các dự án công nghệ của nước này. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách ngăn chặn việc xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang phương Tây và Nhật Bản.

Những chính sách kém thân thiện này đã gây ra những bất ổn và rủi ro và khiến Trung Quốc trở thành một nơi kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc tăng cường giám sát các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc cũng là điều khiến các chủ doanh nghiệp phải bận tâm.

Tất cả những mối đe dọa tiềm ẩn này đã khiến các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cân nhắc việc rút lui khỏi Trung Quốc dù hoạt động kinh doanh khả quan. Điều này dường như tăng thêm nhiều trở ngại cho nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng của chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo Forbes.

Xem thêm >> Lần đầu tiên sau 17 năm Trung Quốc mất vị trí nước xuất khẩu số 1 sang Mỹ

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác