Tài chính quốc tế

Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: Chính quyền Anh ‘lục đục’, ông Putin không chờ đợi lời xin lỗi

(VNF) – Nghị sĩ Diane Abbott thuộc Công đảng Anh chỉ trích Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã "đánh lừa dư luận" khi đưa ra những bằng chứng cáo buộc Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định điều mà Moscow chờ đợi không phải lời xin lỗi từ Anh mà là "sự chiến thắng của lương tri" và vụ việc nhanh chóng khép lại.

Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: Chính quyền Anh ‘lục đục’, ông Putin không chờ đợi lời xin lỗi

Anh không ngừng cáo buộc Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal.

Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) ngày 3/4 cho biết cơ quan này đến nay vẫn không thể xác định nguồn gốc chất độc thần kinh Novichok trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal.

"Chúng tôi đã cung cấp các thông tin khoa học cho Chính phủ Anh, những người sau đó sử dụng một số nguồn tin khác để ghép nối với nhau thành những kết luận như bạn đã thấy", ông phát biểu trong một cuộc họp báo.

Ngay sau đó, ngày 4/4, Nghị sĩ Diane Abbott thuộc Công đảng Anh chỉ trích Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã "đánh lừa dư luận" khi đưa ra những bằng chứng cáo buộc Nga. Người lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn thì cho rằng ngoại trưởng Anh có thể đã "phóng đại" trong vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông này bị đầu độc.

>> Manh mối '1 con mèo, 2 con chuột'

Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn.

Công đảng cũng đưa ra dẫn chứng nữa là Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong một cuộc trả lời phỏng vấn một đài truyền hinh Đức đã khẳng định "không nghi ngờ gì" Nga chính là nguồn gốc của chất độc thần kinh Novichok tìm thấy ở vụ việc nêu trên.

Đại sứ quán Nga tại Anh ngày 4/4 cũng đã đưa ra bằng chứng Bộ Ngoại giao Anh hiện đã xóa câu trước đó đăng trên Twitter của mình, trong đó nói rằng phòng thí nghiệm của Anh tại Porton Down đã "khẳng định rõ" chất độc thần kinh này được "sản xuất tại Nga".

Giải thích cho việc xóa bỏ câu cáo buộc chất độc thần kinh Novichok tìm thấy ở Salisbury là sản xuất tại Nga, Bộ Ngoại giao Anh cho biết đó chỉ là một phần trong phát biểu của đại sứ Anh tại Nga và được xóa đi bởi vì "nó không phản ánh đúng lời phát biểu của đại sứ chúng tôi". Và Anh vẫn khẳng định không thay đổi đánh giá của mình, cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc này.

Nga mong sớm kết thúc vụ việc

Trong cuộc họp báo chung ngày 4/4 giữa Tổng thống Nga Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Ankara, một phóng viên đã đặt câu hỏi rằng liệu Nga có mong chờ lời xin lỗi từ Anh vì những cáo buộc liên quan đến cựu điệp viên Skripal hay không.

Ông Putin nói: "Chúng tôi không chờ đợi điều gì cả. Điều mà chúng tôi mong đợi là chiến thắng của lương tri và các mối quan hệ quốc tế không còn bị ảnh hưởng như thời gian gần đây. Chuyện này không chỉ liên quan đến vụ án Skripal mà còn đến những khía cạnh khác của quan hệ quốc tế".

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải).

Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ mong muốn rằng các bên cuối cùng sẽ đưa ra đánh giá đúng đắn và sẽ không có thiệt hại trong những mối quan hệ quốc tế.

Nhà lãnh đạo nước Nga cũng nhấn mạnh rằng ông hy vọng phiên họp khẩn sắp tới của Tổ chức cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) sẽ chấm dứt những tranh cãi căng thẳng về vụ Skripal.

Mặc dù trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Tôi tin rằng những cáo buộc của Anh nhằm vào Nga sẽ không bao giờ có thể chứng minh được. Họ (Anh) sẽ phải xin lỗi Nga".

Ông Putin muốn sớm chấm dứt những tranh cãi căng thẳng về vụ Skripal.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga Sergei Naryshkin cũng cho rằng: "Các cơ quan an ninh Anh và Mỹ đã khiêu khích lố bịch khi dựng lên vụ Skripal".

"Có dấu hiệu cho thấy đây là hành động khiêu khích được thực hiện tại thời điểm cụ thể để làm trầm trọng thêm những căng thẳng giữa Nga và phương Tây, cũng như làm suy yếu triển vọng bình thường hóa quan hệ và ngăn chặn hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.

6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ông cùng con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng nguy kịch ở thành phố Salisbury, Anh, hôm 4/3, do bị tấn công bằng chất độc.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bác bỏ cáo buộc, Nga cũng đáp trả tương xứng với quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây đồng thời cảnh báo các động thái của phương Tây có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Trung tướng Yevgeny Buzhinsky, nguyên Giám đốc phụ trách các Hiệp ước quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, nói với báo chí Anh rằng vụ việc này có thể "tệ hại hơn Chiến tranh Lạnh" và gây ra một "cuộc chiến thực sự".

> Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự với Nga, tuyên bố 'lịch sự đáp trả' Mỹ

Tin mới lên