M&A

Vụ 'siêu sáp nhập' trong ngành quản lý nước và chất thải của Pháp

Hai công ty Pháp Veolia và Suez ngày đã ký một thỏa thuận về dự thảo hợp nhất giữa hai bên, với mục tiêu tạo ra một “nhà vô địch toàn cầu” trong lĩnh vực quản lý nước và chất thải.

Vụ 'siêu sáp nhập' trong ngành quản lý nước và chất thải của Pháp

Biểu tượng của hai tập đoàn Veolia và Suez. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai công ty Pháp Veolia và Suez ngày 14/5 cho biết họ đã ký một thỏa thuận về dự thảo hợp nhất giữa hai bên, với mục tiêu tạo ra một “nhà vô địch toàn cầu” trong lĩnh vực quản lý nước và chất thải trên thế giới.

Hai công ty đã xác nhận thông tin được đưa ra hồi đầu tuần này rằng Veolia đề nghị mua lại một phần lớn cổ phần của Suez với giá 20,50 euro (24,90 USD) cho mỗi cổ phiếu.

Thông báo cho biết thỏa thuận sẽ hỗ trợ thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng của Veolia, trong khi giúp Suez thu hẹp quy mô theo hướng chặt chẽ và bền vững hơn.

Giám đốc Veolia, ông Antoine Frerot đánh giá thỏa thuận là cùng có lợi cho hai công ty. Theo ông, thỏa thuận sẽ giúp Veolia theo đuổi tham vọng trở thành "nhà vô địch thế giới” trong lĩnh vực chuyển đổi sinh thái, dự kiến có doanh thu hàng năm là 37 tỷ euro và tuyển dụng 230.000 nhân viên trên toàn cầu.

Veolia đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu trong hỗ trợ các doanh nghiệp và thành phố giảm thiểu tác động đến môi trường, bao gồm tái chế chất thải đã qua xử lý và giảm sử dụng tài nguyên.

Theo giới quan sát, mức đề nghị 20,50 euro mỗi cổ phiếu của Veolia là bước đột phá sau nhiều tháng tranh luận gay gắt giữa hai công ty trên các phương tiện truyền thông và trước tòa án. Con số này cũng cao hơn khá nhiều so với mức 18 euro/cổ phiếu được đưa ra trước đó.

Những tranh cãi giữa hai công ty chủ yếu về số phận của Suez. Theo các điều khoản cuối cùng, các hoạt động của Suez sau thỏa thuận sẽ chủ yếu bao gồm xử lý rác thải và nước ở Pháp, bên cạnh mảng xử lý nước ở Italy, Senegal, Trung Quốc và Ấn Độ. Những hoạt động này ước mang lại khoản doanh thu hàng năm khoảng 7 tỷ euro cho Suez.

Tin mới lên