Xe điện thành ‘tâm điểm trừng phạt’ của phương Tây, Trung Quốc dọa trả đũa
(VNF) - Chưa đầy một tháng sau khi Mỹ công bố kế hoạch tăng gấp 4 lần thuế quan đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12/6 cho biết họ sẽ áp đặt mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu của Trung Quốc từ đầu tháng 7.
EC đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái. Các mức thuế tạm thời của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ được áp dụng trước ngày 4/7, đồng thời cuộc điều tra sẽ tiếp tục cho đến ngày 2/11, khi các mức thuế cuối cùng có thể được áp dụng.
Cụ thể, EC cho biết họ sẽ áp dụng thêm 21% đối với các công ty được coi là đã hợp tác với cuộc điều tra và 38,1% đối với những công ty mà họ cho là không hợp tác. Mức thuế chỉ định cao hơn dự đoán trước đó của các nhà phân tích là từ 10% đến 25%.
Các hãng xe phương Tây như Tesla và BMW xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc sang châu Âu được coi là công ty hợp tác.
Tesla, hiện là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất từ Trung Quốc sang châu Âu, cũng đã yêu cầu có một mức giá riêng dành riêng cho từng công ty.
Theo đó, EU sẽ áp thuế từ 17,4% lên xe của BYD, 20% đối với xe của Geely, và 38,1% cho xe nhập của SAIC ngoài mức thuế 10% hiện tại.
Điều đó tương đương với hàng tỷ euro chi phí bổ sung cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vào thời điểm họ đang phải vật lộn với nhu cầu chậm lại và giá trong nước giảm, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu thương mại năm 2023 của EU.
Hiện các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang bị thách thức bởi làn sóng xe điện giá rẻ từ các đối thủ Trung Quốc. EC ước tính thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường EU đã tăng lên 8% từ mức dưới 1% vào năm 2019 và có thể đạt 15% vào năm 2025. Giá của ô tô Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất.
Ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics, cho biết quyết định của EU đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với chính sách thương mại của khối này bởi vì mặc dù họ thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chống lại Trung Quốc nhưng họ hiếm khi làm như vậy đối với một ngành công nghiệp quan trọng.
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu muốn tránh lặp lại những gì đã xảy ra với tấm pin mặt trời cách đây một thập kỷ khi EU chỉ thực hiện một số hành động để hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc và hàng loạt nhà sản xuất châu Âu sau đó đã không thể đứng vững.
Trung Quốc đe dọa đáp trả
Trước động thái từ EC, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định cuộc điều tra của EU là một "trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ" và thuế quan sẽ gây tổn hại cho hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất ô tô toàn cầu.
Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA) dường như ít quan tâm hơn đến mức thuế quan này. Tổng thư ký CPCA Thôi Đông Thụ cho biết: “Mức thuế tạm thời của EU về cơ bản nằm trong dự đoán của chúng tôi, trung bình khoảng 20%, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phần lớn các công ty Trung Quốc”.
Ông Đông cho hay: “Những công ty xe điện có nhà máy tại Trung Quốc bao gồm Tesla, Geely và BYD vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn ở châu Âu trong tương lai”.
Các nhà sản xuất và cung cấp xe điện Trung Quốc cũng đang bắt đầu đầu tư vào sản xuất ở châu Âu để tránh thuế quan.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen cảnh báo rằng tác động tiêu cực của thuế quan sẽ lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào, đặc biệt đối với ngành công nghiệp ô tô Đức. BMW thì cho biết mức thuế theo kế hoạch là "một hướng đi sai lầm".
Trung Quốc hiện chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức trong quý đầu tiên.
Một số nhà kinh tế cho biết tác động tức thời của các mức thuế bổ sung sẽ rất nhỏ về mặt kinh tế vì EU đã nhập khẩu khoảng 440.000 xe điện từ Trung Quốc trong 12 tháng tính đến tháng 4 vừa qua, trị giá 9 tỷ euro (9,7 tỷ USD) hoặc khoảng 4% chi tiêu hộ gia đình cho phương tiện đi lại.
Cổ phiếu của một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, vốn có doanh thu phần lớn ở Trung Quốc, giảm do lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc. Một số hãng như BMW giờ đây cũng sẽ phải chịu thuế đối với xe điện được sản xuất tại Trung Quốc và bán ở châu Âu.
Xe điện lên ngôi, doanh số Porsche và Ferrari sụt giảm mạnh ở Trung Quốc
- ‘AI có thể biến một cuộc suy thoái thông thường thành khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng’ 10/06/2024 03:31
- Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn Mỹ 12/06/2024 04:42
- Hơn 1/4 vé EURO 2024 được mua bởi người Mỹ 13/06/2024 08:15
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.