Diễn đàn VNF

Định hướng hoàn thiện Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

(VNF) - Dự án Luật điều chỉnh nhiều vấn đề mới, khác biệt, vượt trội so với các luật hiện hành nhưng không trái với Hiến pháp. Đó là các vấn đề về thành lập, quy hoạch ĐVHCKTĐB, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển KT - XH, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước ở ĐVHCKTĐB, mối quan hệ với các cơ quan nhà nước cấp trên.

Định hướng hoàn thiện Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Bắc Vân Phong được chọn là một trong ba nơi xây dựng đặc khu kinh tế của Việt Nam.

VietnamFinance xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên PCN Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khoá XII, XIII về vấn đề này:

"Cụ thể hoá Hiến pháp 2013, triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về thành lập, "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị", Dự án Luật ĐVHCKTĐB (Dự án Luật) đã được Chính phủ trình Quốc hội khoá XIV xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 11/2017) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 6/2018).

Dự án Luật điều chỉnh nhiều vấn đề mới, khác biệt, vượt trội so với các luật hiện hành nhưng không trái với Hiến pháp. Đó là các vấn đề về thành lập, quy hoạch ĐVHCKTĐB, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển KT - XH, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước ở ĐVHCKTĐB, mối quan hệ với các cơ quan nhà nước cấp trên. Dự án Luật xác định 3 địa điểm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) thuộc 3 vùng kinh tế của nước ta sẽ được thành lập ĐVHCKTĐB. Kinh nghiệm thành công và thất bại của các đặc khu kinh tế và mô hình tương tự trên thế giới cũng đã được nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc.

Ý kiến của đa số các vị đại biểu tham gia thảo luận tại 2 kỳ họp Quốc hội về cơ bản tán thành nội dung của Dự án Luật. Tuy nhiên, vẫn còn có các ý kiến khác của các vị đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và các tổ chức về một số vấn đề quan trọng, nhạy cảm.

Chính phủ đã cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một cách cẩn trọng, toàn diện với tinh thần cầu thị các loại ý kiến đa chiều, từ đó đã đề nghị và được Quốc hội chấp nhận cho lùi thông qua Dự án Luật vào kỳ họp sau để có thời gian nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật với chất lượng tốt nhất trên cơ sở tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm và xây dựng. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các cấp, các ngành được yêu cầu làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Vậy những vấn đề gì cần được tiếp tục bàn luận, tham vấn ý kiến, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện Dự án Luật? Có thể nêu khái quát một số vấn đề chính như sau:

Một là, tiếp tục phân tích, giải trình về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở khoa học, thực tiễn của việc thành lập một số ĐVHCKTĐB ở nước ta trong giai đoạn hiện nay khi mà nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang tiếp tục hoàn thiện, mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN, của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đã và đang ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do(FTA)thế hệ mới, gần đây nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CP TPP). Yếu tố địa kinh tế - chính trị, yếu tố quốc phòng, an ninh đã được tính toán như thế nào?

Như một số đặc khu kinh tế và mô hình tương tự trên thế giới, ĐVHCKTĐB ở nước ta có trở thành các cực tăng trưởng mới và động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ tụt hậu do các động lực tăng trưởng của hơn 30 đổi mới đã tới hạn? Có phải là một trong các sự lựa chọn chính sách ưu tiên và đúng đắn hay không?

ĐVHCKTĐB có phải là địa bàn phù hợp thử nghiệm thể chế, cơ chế, chính sách khác biệt, vượt trội, tạo lập môi trường kinh doanh quốc tế đặc biệt thông thoáng, thuận lợi để sau đó mới có thể áp dụng trên diện rộng vì tiến trình cải cách toàn diện trong cả nước vẫn còn rất chậm và hạn chế, khó khăn? Gần 20 khu kinh tế hiện nay có thay thế được các ĐVHCKTĐB?

Có phải các đặc khu kinh tế và mô hình tương tự trên thế giới hiện nay đã "lỗi thời"? WTO và các FTA có cấm hoặc loại bỏ sự cần thiết thành lập, tồn tại và phát triển các đặc khu kinh tế và mô hình tương tự ở các nước và vùng lãnh thổ thành viên? Tại sao các mô hình này được thành lập từ năm 1937 đến nay vẫn tồn tại và phát triển ở Mỹ, các nước Mỹ Latin, châu Âu, châu Á, châu Phi, gồm các nước phát triển và các nước đang phát triển, lên tới con số khoảng 4.500? Tại sao trong những năm 2000, trên thế giới, các đặc khu kinh tế và mô hình tương tự tiếp tục được thành lập mới hoặc được phát trển ở đẳng cấp cao hơn? Như Nhật Bản từ 2014 - 2017 đã thành lập 10 đặc khu chiến lược quốc gia để thực hiện chiến lược phục hồi nền kinh tế của nước này. Hoặc Trung Quốc năm 2013 đã thành lập đặc khu trong đặc khu như Đặc khu kinh tế Tiền Hải trong Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Khu thương mại tự do Thượng Hải (thí điểm) trong Đặc khu kinh tế Phố Đông, Thượng Hải.

ĐVHCKTĐB ở nước ta có những điểm gì giống và khác với các đặc khu kinh tế và mô hình tương tự trên thế giới? Những yếu tố quyết định thành công nào cần áp dụng, những yếu tố dẫn đến thất bại nào cần phải tránh? Lợi thế của "người đi sau", đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có được tận dụng khi thiết kế ĐVHCKTĐB?

Hai là, sự cần thiết ban hành Luật chung áp dụng cho các ĐVHCKTĐB thay vì ban hành Luật riêng áp dụng cho 3 ĐVHCKTĐB đã đươc xác định như Dự án Luật đã trình Quốc hội. Căn cứ vào Luật chung này, tuỳ theo bối cảnh, tình hình và yêu cầu phát triển của đất nước mà Chính phủ cân nhắc, lựa chọn khu vực phù hợp, xây dựng Đề án để trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập ĐVHCKTĐB.

Ba là, có thể thành lập ĐVHCKTĐB thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ĐVHCKTĐB trực thuộc Trung ương, khác với Dự án Luật đã trình Quốc hội chỉ quy định ĐVHCKTĐB thuộc tỉnh. Tuy nhiên, dù thuộc cấp nào thì quy mô về diện tích của ĐVHCKTĐB cần hợp lý để tổ chức đơn vị hành chính đơn nhất, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới, chỉ tổ chức các khu hành chính và các khu chức năng trực thuộc.

Bốn là, các điều kiện (tiêu chí) trong đó có địa điểm thành lập ĐVHCKTĐB cần được quy định cụ thể, minh bạch trong Luật, phải được thiết kế có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính đến các điều kiện (tiêu chí) phổ biến về thành lập các đặc khu kinh tế và mô hình tương tự trên thế giới. Các điều kiện (tiêu chí) này sẽ là căn cứ để lựa chọn đúng và trúng, có trọng tâm, trọng điểm các ĐVHCKTĐB mà điều quan trọng nhất những nơi đó sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

Năm là, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển KT - XH trong đó có ngành nghề ưu tiên phát triển, các ưu đãi đầu tư... cần được thiết kế lại để áp dụng chung cho các ĐVHCKTĐB, trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ quyết định các cơ chế, chính sách đặc biệt cụ thể áp dụng cho từng ĐVHCKTĐB trong Nghị quyết thành lập ĐVHCKTĐB đó. Các cơ chế, chính sách đặc biệt này cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh theo hướng chú trọng hơn các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh quốc tế đặc biệt thông thoáng, thuận lợi nhưng vẫn được quản lý chặt chẽ khi cần thiết, đồng thời vẫn bảo đảm các ưu đãi đầu tư: mức, điều kiện miễn, giảm thuế, tiền thuê đất... có thể vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành và có tính cạnh tranh quốc tế như các đặc khu kinh tế và mô hình tương tự trên thế giới vẫn đang áp dụng.

Sáu là, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước trong đó có Tòa án nhân dân cần được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu phát triển ĐVHCKTĐB. Như đã nêu trên, ĐVHCKTĐB nên có quy mô diện tích hợp lý, là đơn vị hành chính đơn nhất, do đó, chỉ tổ chức một chính quyền tinh gọn (không tổ chức chính quyền cấp dưới), được phân quyền, phân cấp mạnh, đặc biệt là cho người đứng đầu cơ quan hành chính, được bố trí nhân lực và các nguồn lực khác tương xứng để có đủ quyền hạn, năng lực, điều kiện và phải có trách nhiệm giải quyết tại chỗ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các vấn đề của nhà đầu tư, của tổ chức và cá nhân hoạt động tại ĐVHCKTĐB.

Đồng thời, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, giải quyết khiếu kiện, tranh chấp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với chính quyền địa phương, cũng như thông qua cơ chế công khai, minh bạch, báo cáo giải trình của chính quyền trước nhân dân ĐVHCKTĐB và công luận.

Hiến pháp đã có quy định, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương nhất quán và đúng đắn về việc thành lập một số ĐVHCKTĐB và ban hành Luật ĐVHCKTĐB. Các vị đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và các tổ chức liên quan rất quan tâm đến Dự án Luật, có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm và xây dựng. Việc Ban soạn thảo, Cơ quan thẩm tra cùng với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến đóng góp sẽ làm cho Dự án Luật được hoàn thiện với chất lượng tốt nhất.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét cẩn trọng, toàn diện để khi chín muồi sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp tới đây".

Tin mới lên