Bất động sản

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Trả nợ đúng hạn cho China EximBank dù dự án chậm tiến độ

(VNF) - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và BIDV thông báo về việc trả nợ kỳ hạn ngày 21/1/2018 và phí cam kết cho khoản vay tín dụng người mua ưu đãi 250 triệu USD của China EximBank cho dự án đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Trả nợ đúng hạn cho China EximBank dù dự án chậm tiến độ

Đầu tháng 9/2018 sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thanh toán đúng hạn cho China Eximbank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc) gốc đến hạn, lãi và phí cam kết đến hạn phải trả ngày 21/1/2018 đối với khoản tín dụng ưu đãi giá trị 250 triệu USD cho dự án.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết phần cho vay lại chi tiết như sau: dư nợ là 38,56 triệu USD, cộng cả gốc và lãi phải trả là hơn 2,99 triệu USD (tương đương 67,8 tỷ đồng), trong đó lãi vay là hơn 580 nghìn USD (13,16 tỷ đồng), gốc là 2,4 triệu USD (tương đương 54,4 tỷ đồng).

Còn phí cam kết tạm tính đối với phần vốn cho vay lại đã thực hiện rút trong kỳ là 229,5 nghìn USD ( tương đương 5,2 tỷ đồng).

"Dự án đã hoàn thành rút vốn từ hiệp định trong tháng 12/2017. Tổng số vốn vay đã rút theo cơ chế cho vay lại theo đề nghị rút vốn chi tiết từng lần của Bộ Giao thông vận tải (Ban quản lý dự án đường sắt) là hơn 43,3 triệu USD. Phí cam kết đối với phần vốn vay lại của Hiệp định là 657,7 nghìn USD", văn bản Bộ Tài chính nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đối chiếu lại số tiền phải trả (gốc, lãi vay, phí cam kết) của phần cho vay lại, thu từ Ban quản lý dự án đường sắt và chuyển trả vào tài khoản của quỹ tích luỹ trả nợ.

Trước đó, ông Vũ Hồng Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt, cho biết đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%, nhưng trong năm 2017 do chậm nguồn vốn bổ sung trên nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Đến nay nguồn vốn bổ sung đã được khơi thông nên Ban đã yêu cầu tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, trong tháng 1/2018, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo tình hình triển khai dự án với Chính phủ để chốt tiến độ.

Theo tiến độ của tổng thầu Trung Quốc, đầu tháng 9/2018 sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ 3 đến 6 tháng, dự án sẽ khai thác thương mại.

Được biết, toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km trên cao. Điểm đầu tuyến tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Quốc lộ 6), bao gồm 12 nhà ga trên cao và khu Depot rộng 19,6ha tại quận Hà Đông, đường ray đôi khổ 1.435mm.

Có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian giãn cách khai thác từ 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35km/giờ.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án từ 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỷ đồng) đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng), sau 2 năm chậm tiến độ dự án đã bị đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng, gần 40%).

Tin mới lên