Tài chính

Liệu Vinamilk có đang ngủ quên trên chiến thắng?

(VNF) – Đây là câu hỏi được cổ đông đặt ra với ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 khi nhận thấy tốc độ tăng trưởng của công ty chậm hơn so với một số doanh nghiệp đầu ngành khác.

Liệu Vinamilk có đang ngủ quên trên chiến thắng?

Ảnh minh họa

Trả lời cho câu hỏi này, lãnh đạo VNM cho biết nội bộ công ty cũng đang đặt vấn đề này, tuy nhiên tăng trưởng là vấn đề phải dựa trên cung cầu.

Hiện tốc độ tăng trưởng ngành sữa chỉ khoảng 5-7%. Doanh nghiệp nào muốn lấy thị phần thì phải có mức tăng trưởng trên 7% và VNM đang đặt mục tiêu này để lấy thị phần.

Lãnh đạo VNM nhận định tăng trưởng của VNM có khi nhanh hơn Hòa Phát (là doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép), nhưng hiện tại do bất động sản đang tăng trưởng nên Hòa Phát có mức tăng trưởng cao hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNM cũng nói thêm rằng sự phát triển nhanh hay chậm của mỗi doanh nghiệp là kế hoạch dài hạn và cũng không thể so sánh giữa tiêu dùng và bất động sản. Ngành sữa vẫn còn cơ hội cho 5 và 10 năm tới.

5 năm sẽ chiếm hơn 60% thị phần

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch tăng thị phần trong 5 năm tới, lãnh đạo VNM cho biết thị phần hiện tại của VNM là 58%. Kế hoạch 5 năm tới là mỗi năm sẽ tăng 1% thị phần, riêng trong năm 2017 tăng 2% nghĩa là đã vượt gấp đôi. Như vậy mục tiêu 5 năm sẽ tăng trên 60% thị phần.

Các sản phẩm trong mục tiêu tăng trưởng của VNM gồm nhóm hàng sữa bột dinh dưỡng trẻ em, sữa tươi, sữa chua… đều đã tăng trưởng như dự kiến. Còn các sản phẩm phi truyền thống như sữa đậu nành hạt óc chó, nước giải khát… công ty đang tiến hành theo kế hoạch 5 năm tới.

Ban lãnh đạo VNM cũng thông tin thêm dòng sản phẩm Organic hiện tại nguyên liệu không đủ hàng để bán. Vì vậy chiến lược của VNM trong năm 2018 là sẽ phát triển nguyên liệu cho dòng sản phẩm này tại các trang trại như: trang trại 2.000 con tại Thanh Hóa; trang trại tại Di Linh – Đà Lạt (tăng đàn và nhập từ Úc). Tại Cần Thơ, VNM sẽ kết hợp Nông trường Sông Hậu phục vụ cho miền Tây; miền Trung sẽ tìm đất trong hoặc ngoài nước sát Việt Nam để phát triển.

"Hiện tại có đối tác Nhật xây dựng trang trại tại Lào (sát Nghệ An), theo đó tháng 4 này VNM sẽ mua nguyên liệu từ đơn vị này nhập về Nghệ An để sản xuất. Và mục tiêu trong 1-2 năm tới lượng sữa sẽ đáp ứng được cho sản phẩm Organic", lãnh đạo công ty cho biết thêm.

VNM không lo ngại chiến tranh thương mại

Nói về nguy cơ chiến tranh thương mại, lãnh đạo VNM tự tin công ty có khách hàng xuất khẩu truyền thống và khách hàng mới để phát triển. Còn nếu có chiến tranh thương mại thì VNM vẫn cạnh tranh và đứng vững được trong thị trường nội địa.

Trả lời về thêm về kế hoạch phát hành ESOP và kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2018, VNM cho hay hiện Chính phủ đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng liên quan và "hy vọng sẽ sớm có câu trả lời cho vấn đề này".

Còn đối với việc thoái vốn Nhà nước, SCIC đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Chính phủ.

Tin mới lên