Quảng Ninh muốn làm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Bộ Kế hoạch lo không có tiền
Vĩnh Chi -
23/06/2018 10:44 (GMT+7)
(VNF) – Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, ngân sách trung ương đã được cân đối cho khu kinh tế ven biển Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải hỗ trợ vốn cho dự án thành lập đặc khu Vân Đồn, ước tính khoảng 26.6000 tỷ đồng. Do đó, khả năng cân đối nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho khu kinh tế ven biển Quảng Yên là rất khó khăn.
Chưa rõ ràng vị trí
UBND tỉnh Quảng Ninh đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên và xin bổ sung khu kinh tế này vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam.
Theo hồ sơ đề án của tỉnh Quảng Ninh, khu kinh tế ven biển Quảng Yên được hình thành trên cơ sở 4 khu vực, gồm: khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên; khu dịch vụ cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc; khu công nghiệp Đông Mai; khu vực kết nối 2 khu vực trên với tổng diện tích là 14.630 ha (trong đó, 2.690 ha thuộc thành phố Uông Bí và 11.940 ha thuộc thị xã Quảng Yên).
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô của khu kinh tế Quảng Yên hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Bởi theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 65/TB-VPCP thì quy mô khu kinh tế tại thị xã Quảng Yên chỉ bao gồm: khu công nghiệp – dịch vụ Đầm Nhà Mạc và khu đô thị công nghiệp công nghệ cao Sông Khoai.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là theo Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 13/2/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) của tỉnh Quảng Ninh thì UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020 nhưng xem xét đảm bảo không thực hiện triển khai khu công nghiệp trên khu vực đang tranh chấp giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng (tức khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc).
Về điều này, ngày 18/5/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định phần địa giới hành chính của dự án xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng, khu vực Đầm Nhà Mạc, tỉnh Quảng Ninh không nằm trong khu vực diện tích chồng lấn và không thuộc phạm vi quy định của khoản 4, Điều 2, Nghị quyết 15.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng do vấn đề tranh chấp này liên quan đến thành phố Hải Phòng. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng rà soát phạm vi đề xuất quy hoạch khu kinh tế Quảng Yên, có báo cáo chung trình Thủ tướng làm rõ vị trí tranh chấp giữa 2 địa phương để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo tại Nghị quyết 15.
Có cần thiết phải làm khu kinh tế ven biển Quảng Yên?
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 khu kinh tế được thành lập và đang hoạt động gồm: khu kinh tế ven biển Vân Đồn (đang nghiên cứu để thành đặc khu) và 3 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Đồng Văn – Hoành Mô, Bắc Phong Sinh) với tổng diện tích 382.000ha.
Ngoài ra, vị trí quy hoạch khu kinh tế Quảng Yên lại giáp ranh với khu kinh tế Cát Vũ – Cát Hải của Hải Phòng cũng như khu vực Đồng bằng Sông Hồng với các khu kinh tế ven biển Thái Bình (tỉnh Thái Bình – đã thành lập), khu kinh tế Ninh Cơ (tỉnh Nam Định – đã quy hoạch).
“Việc tập trung nhiều khu kinh tế tại cùng một khu vực có thể gây ra sự cạnh tranh lẫn nhau. Do vậy, đề nghị tỉnh Quảng Ninh đánh giá toàn diện hiệu quả phát triển của các khu kinh tế hiện hữu để có cơ sở làm rõ sự cần thiết của việc thành lập khu kinh tế Quảng Yên và lợi thế so sánh của khu kinh tế này đối với các khu kinh tế hiện có và lân cận”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.
Cũng theo Bộ, hiện trạng sử dụng đất của khu kinh tế Quảng Yên đến năm 2015 bao gồm: đất nông nghiệp 7.878 ha (đất trồng cây hàng năm 2.285 ha, đất lâm nghiệp có rừng 3.209,9 ha, đất nuôi trồng thủy sản 1.151 ha), đất phi nông nghiệp 6.593 ha (đất ở 386 ha, đất quốc phòng an ninh 34,4 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 2.004 ha, đất có mục đích công cộng 1.506 ha…), đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 2.434 ha.
Với diện tích đất lớn và đa dạng như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh có các đánh giá cụ thể về những thuận lợi, khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh... nếu phát triển khu kinh tế.
Bộ cũng đòi hỏi tỉnh phải có sự phân tích về tính phù hợp, tính kết nối của khu vực dự kiến quy hoạch khu kinh tế với các quy hoạch có liên quan. Bởi chỉ riêng về quy hoạch đất đai, Biểu 03/CT về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ninh (kèm theo Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020 tỉnh Quảng Ninh đã được Thủ tướng thông qua) thì diện tích tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 là 361.868 ha, được phân bổ cho thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu, huyện Vân Đồn. “Quy hoạch nêu trên chưa bao gồm phần diện tích của khu kinh tế Quảng Yên”, Bộ nhấn mạnh.
Về nhu cầu vốn đầu tư cho khu kinh tế, hồ sơ đề án của tỉnh Quảng Ninh cho biết nhu cầu đầu tư tại khu kinh tế giai đoạn 2016 – 2035 là 161 – 162 nghìn tỷ đồng. Trong đó huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước là 32,2 – 32,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 20% tổng nhu cầu vốn).
“Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, ngân sách trung ương đã được cân đối bố trí cho khu kinh tế ven biển Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Ngoài ra, theo đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, nhu cầu vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 – 2030 để hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ bản tại đặc khu là 26,6 nghìn tỷ đồng.
“Hiện nay khả năng cân đối nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là rất khó khăn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Do đó, Bộ đề nghị tỉnh Quảng Ninh tính toán kỹ tổng vốn đầu tư khu kinh tế, phương thức huy động và phân kỳ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng. Trên cơ sở xác định cơ cấu nguồn vốn, tỉnh phải có đánh giá về khả năng cân đối ngân sách địa phương, đặc biệt là các chỉ tiêu bội chi và nợ.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh bổ sung thêm một loạt nội dung khác như: kết nối giao thông, phương án khai thác sử dụng nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chỉ tiêu sử dụng đất về văn hóa, thể thao, du lịch…
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.