'Sẽ đánh giá lại vị trí đặt trạm thu phí BOT Nam Bình Định'

Anh Hùng - 11/01/2018 21:06 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi kiểm tra thực tế tại tuyến Quốc lộ 1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc lắng nghe ý kiến của chính quyền thị xã An Nhơn và chủ đầu tư BOT Nam Bình Định.

VNF
Đoàn Đại biểu Quốc hội bắt đầu giám sát BOT Bình Định.

Từ ngày 11/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bắt đầu giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Sau khi kiểm tra, xem xét đánh giá, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định sẽ có những kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan chức năng để điều chỉnh, thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết thực hiện kiến nghị của cử tri, Đoàn sẽ tiến hành giám sát việc nâng cao chất lượng công trình, mặt đường; đánh giá lại vị trí đặt trạm thu phí BOT đã phù hợp với quy định hay chưa. 

Bên cạnh đó, Đoàn cũng sẽ xem xét việc giá vé qua trạm để đảm bảo hài hoà lợi ích của chủ đầu tư cũng như các chủ doanh nghiệp vận tải.

Trong thời gian qua, tại dự án BOT Nam Bình Định đã xảy ra sự phản đối quyết liệt của chủ các phương tiện giao thông là bởi công trình chưa bảo đảm chất lượng, mặt đường thường xuyên bị hư hỏng, giá vé thu phí vẫn còn quá cao. Chính quyền địa phương cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét miễn giảm giá vé cho phù hợp.

Ông Tiết Đinh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết qua kiểm tra các dự án BOT tại Bình Định, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu khẩn trương thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông người và phương tiện.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư BOT Bình Định là Chủ đầu tư BOT Nam Bình Định cho rằng mặt đường Quốc lộ 1 bị hư hỏng khá nặng với diện tích 13.500m2 là do thời gian qua bị ảnh hưởng những đợt mưa bão cuối năm 2017. 

Chủ đầu tư này cũng cho biết hiện nay mặt đường dự án BOT Nam Bình Định bị hư hỏng cũng đã được khắc phục và giao thông đã đảm bảo an toàn.

Mặc dù việc khắc phục mặt đường hư hỏng ở BOT Nam Bình Định đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên Bộ Giao thông vận tải vẫn yêu cầu chủ đầu tư tăng cường rà soát, kịp thời khắc phục sửa chữa những vị trí bị hư hỏng phát sinh.

Được biết, mới đây Bộ Giao thông vận tải cũng đã thực hiện giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí BOT Nam Bình Định. Tuy nhiên, thay vì giảm 10.000 đồng cho tất cả các phương tiện loại 1 khi lưu thông qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định như thỏa thuận trước đó thì Bộ chỉ giảm 5.000 đồng.

Lý giải việc giảm phí không theo phương án cũ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau khi cập nhật mức giá nêu trên, thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến là 30 năm 11 tháng (vượt 8 năm 6 tháng so với thời gian hoàn vốn tại hợp đồng dự án), tính khả thi của dự án không được đảm bảo.

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có 2 văn bản trong tháng 10 và tháng 11/2017 báo cáo Bộ Giao thông vận tải chấp nhận phương án giảm giá chung với các mức giá như sau: loại 1: 30.000 đồng, loại 2: 45.000 đồng, loại 3: 70.000 đồng, loại 4: 115.000 đồng, loại 5: 175.000 đồng.

"Với mức giá này, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 5 tháng, đảm bảo được tính khả thi của dự án. Phương án này được Bộ Giao thông vận tải thống nhất", Tổng cục Đường bộ cho hay.

Trạm thu phí Quốc lộ 1 Bình Định do nhà đầu tư dự án Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định tổ chức vận hành chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9/5/2016 và có mức giá cụ thể như sau:

Đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng: 35.000 đồng/lượt; xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 - 4 tấn: 50.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 - dưới 10 tấn: 75.000 đồng/lượt;

Xe tải có tải trọng từ 10 - dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet: 140.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet: 200.000 đồng/lượt.


Cùng chuyên mục
Tin khác