TP. HCM: 1 năm cháy hơn 1.000 vụ, làm chết 26 người

Vĩnh Chi - 21/09/2018 16:05 (GMT+7)

(VNF) – Báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết trong năm 2017, trên địa bàn TP. HCM đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

VNF
Vụ cháy chung cư Carina Plaza làm chết 13 người diễn ra hồi tháng 3/2018 tại TP. HCM

Theo HoREA, tình trạng cháy nổ trên địa bàn TP. HCM thời gian qua đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Nếu như từ năm 2012 cho đến tháng 9/2016, toàn thành phố chỉ xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng thì riêng năm 2017 đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Đặc biệt ngày 23/3/2018 đã xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại tầng hầm Chung cư Carina Plaza, phường 16, quận 8. Vụ cháy này đã làm chết 13 người và 51 người bị thương, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây tác động tâm lý bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng.

Báo cáo của HoREA cũng cho hay hầu hết trong số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy; nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.

Điều đáng nói, nhiều chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong đường nhỏ hoặc trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố. Có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...

Một thực tế khác là nhiều chung cư nhà ở tái định cư, chung cư nhà ở xã hội, và một số chung cư nhà ở thương mại có công trình phòng cháy, chữa cháy chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy.

Cụ thể, có chung cư, hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục "báo cháy giả"; có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị "làm phiền"; cửa ngăn khói các tầng bị chèn, bị mở thông để tiện đi lại; lối thoát hiểm một số chung cư bị chiếm dụng, không còn tác dụng thoát hiểm khi xảy cháy; hệ thống phòng cháy chữa cháy và thiết bị bị xuống cấp, lão hóa, hư hỏng không được bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì theo quy định.

Thậm chí một số chủ đầu tư chưa thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở như Chung cư Bảy Hiền Tower (số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình) năm 2016 đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở trong tình trạng đang thi công dở dang, thi công sai giấy phép xây dựng, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Theo HoREA, tình trạng báo động về mất an toàn cháy nổ như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy (thi công, lắp đặt thiết bị, vật tư không đúng thiết kế, sử dụng hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả); Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy;

Lực lượng trực bảo vệ, trực phòng cháy chữa cháy tại chỗ không kịp thời phát hiện cháy và kỹ năng xử lý nguồn gây cháy không kịp thời, không hiệu quả; cư dân sống trong chung cư chưa tích cực tham gia các buổi hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng về công tác phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ;

Bên cạnh đó, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp chưa được tổ chức phù hợp, thiếu trang thiết bị hiện đại, nhất là phương tiện chữa cháy chung cư cao tầng, nhà cao tầng và thiếu trang bị bảo hộ lao động đặc biệt.

Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong việc đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy còn nhiều bất cập. Công tác xử lý hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong chung cư, nhà cao tầng chưa phù hợp với thực tế tình hình hiện nay.

Để hạn chế tối đa tình trạng mất an toàn cháy nổ, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng: quy định chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế lòng đường và đạt tải trọng cho xe chữa cháy; phải công khai danh sách các chung cư không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc để công luận giám sát;…

Bên cạnh đó HoREA cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh Bất động sản để quy định chủ đầu tư sau khi nghiệm thu công trình theo quy định của Luật Xây dựng thì phải thông báo cho Sở Xây dựng để kiểm tra; nếu đạt chuẩn thì Sở Xây dựng ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng mới được phép bàn giao nhà cho dân vào ở.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng" (mới) và sửa đổi, bổ sung "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD)" theo hướng nghiêm ngặt hơn…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.