Bất động sản

TP. HCM: Hội đồng nhân dân bức xúc vì Ủy ban nhân dân ‘báo cáo đẹp’ về dự án treo

(VNF) – Trong buổi giám sát của HĐND TP. HCM, UBND thành phố báo cáo "cơ bản không còn dự án treo", nhiều đại biểu vô cùng bức xúc cho rằng UBND không sát thực tế, nhiều nơi dân vẫn rất khổ sở với dự án treo.

TP. HCM: Hội đồng nhân dân bức xúc vì Ủy ban nhân dân ‘báo cáo đẹp’ về dự án treo

Báo cáo không có, thực tế nhan nhản

"Chúng tôi đi nhiều nơi, tới đâu cũng nghe dân tình ca thán về dự án treo", đại biểu Trương Lâm Danh nói. Tại quận 9, dự án của Hải Nhân 14 năm rồi không triển khai được. Ngay cả huyện Củ Chi và Bình Chánh cũng còn nhiều dự án treo...

Còn theo đại biểu Cao Thanh Bình, dự án "treo" tồn tại nhan nhản từ trung tâm đến ngoại ô. Nhiều dự án chậm triển khai chưa có quyết định thu hồi, nhất là việc chấm dứt dự án chậm triển khai của nhà đầu tư nước ngoài khó khăn vì dễ gây khiếu kiện quốc tế.

Nhiều dự án hết hạn, chậm triển khai nhưng chủ đầu tư không trả lại dự án mà còn khiếu nại, khiếu kiện như Dự án 130 Hàm Nghi (Quận 1), Đại học quốc tế ở Củ Chi, Chung cư Khánh Hội (Quận 4) hay Khu đô thị Sing Việt.

Một số đại biểu cho rằng UBND thành phố đã chậm cập nhật thực tế, dẫn đến những báo cáo không xác thực. "Phải rà soát chặt chẽ từng dự án và công bố cho dân lộ trình thực hiện như thế nào. Dự án chưa tìm được nguồn lực để triển khai thì phải phân bổ và tìm kiếm nguồn lực như thế nào để tránh tình trạng treo. Những dự án chậm triển khai phải báo cáo UBND thành phổ để làm sao xử lý chấm dứt tình trạng này", đại biểu Phạm Đức Hải bức xúc.

Ông Hải đề nghị UBND TP. HCM phải rà soát thường xuyên các đồ án quy hoạch 1/2000. Hiện nay thành phố có 600 đồ án quy hoạch 1/2000 nhưng trong đó 290 đồ án làm trước 2011, nghĩa là đến giờ đã 6 năm nên chất lượng giảm sút. 

Mặt khác, 600 đồ án này có nhiều nhà tư vấn, nên chất lượng cũng không đồng đều. Đơn cử Như khu đại học Hưng Long ở khu Nam Sài Gòn, đường đi vào không có, dự án không triển khai trong khi dân không được làm được gì trên đó.

Nhà tái định cư bỏ hoang ở huyện Bình Chánh, TP. HCM

Dân chưa an cư với chính sách tái định cư

Cũng trong buổi giám sát này, các đại biểu còn "băn khoăn" về chương trình tái định cư của thành phố. Nhiều chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân bị thu hồi đất nhưng dân không nắm và được hưởng rất ít. "Thực trạng hiện nay là đa phần những người được tái định cư là bán đi và không biết đi về đâu, trong đó đa phần họ dạt ra vùng ven", một đại biểu ngậm ngùi.

Đại biểu Tuyết Nhung thì thẳng thắn cho rằng, chất lượng nhà tái định cư hiện nay quá tệ. Điển hình như khu tái định cư Vĩnh Lộc B chất lượng xuống cấp nhanh khi mà khu chung cư này bỏ lâu không sử dụng.

Các đại biểu cho rằng, thành phố cần xây dựng một khu tái định cư lớn tập trung, như một khu đô thị để người dân bị giải toả có thể về đó sinh sống được hưởng các tiện ích tốt, chất lượng nhà và hạ tầng đảm bảo. Đặc biệt là họ có thể tự tạo được việc làm, kiếm được tiền từ nơi ở mới. Có như vậy người dân mới chị nhường đất cho các dự án, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng.

"Tại sao dân nhận nhà tái định cư là bán? Thành phố phải đánh giá nghiêm túc về đời sống dân tái định cư. Hiện nay thành phố đang thực hiện một chính sách cào bằng cho tất cả các đối tượng bị thu hồi đất là không công bằng. Chính vì vậy tình trạng người dân khiếu kiện đông người kéo dài là tăng chứ không giảm", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. HCM nhìn nhận.

Theo bà Tâm, thành phố có bao nhiêu cuộc khiếu kiện đông ngườ kéo dài phải xem lại. Nếu sai thì phải dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi và phải tiếp tục rà soát các chính sách để có giải pháp mạnh mẽ hơn. Bởi nếu làm không khéo sẽ để lại trong lòng người dân sự bức xúc dai dẳng. "Trong khi thành phố phát triển nhanh thì cuộc sống của họ khó khăn hơn, bức xúc là hiển nhiên. Lãnh đạo nên đặt mình vào vị trí người dân để suy nghĩ", bà Tâm nói. 

Trả lời các vấn đề của đại biểu HĐND TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận việc giải phóng mặt bằng, tái định cư là sự hy sinh của người dân. Nhưng thực tế sau khi tái định cư cuộc sống người dân không thể bằng lúc trước được mặc dù đã vận dụng hết pháp luật và cái tâm của người lãnh đạo. Nhất là các dự án công làm hạ tầng hay công viên, "xin" thêm chính sách cho người dân rất khó, không nhưng các dự án của doanh nghiệp.

Về quy hoạch treo, ông Tuyến lý giải rằng công tác tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch là điều rất khó. Nhất là đặt trong bối cảnh quỹ đất đối với thành phố là tài nguyên, là nguồn vốn. Nếu không quản lý tốt sẽ lãng phí. Mặc dù đã biết được những tồn tại trên, nhưng bài toán triển khai thế nào để không còn dự án treo, đồ án quy hoạch treo là vô cùng khó vì thành phố phát triển trên nền thành phố cũ, hạ tầng ở dưới trước đây đã quy hoạch rồi. Hiện tại, do nhu cầu bức thiết nên phá vỡ quy hoạch.

"Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa sát thực tế, chưa phù hợp. Như quỹ đất dành cho giao thông chưa đủ, thành phố nằm trong top cuối cả nước, chỉ mới đáp ứng khoảng 20%. Nhưng có quy hoạch rồi mà không có tiền làm, nên đụng đến quyền lợi người dân rất lớn. Trường học, công viên cũng vậy, làm không được nhưng bỏ không dám", ông Tuyến nói.

Hiện nay có nhiều đồ án quy hoạch có rồi nhưng chưa có phương án kêu gọi chủ đầu tư vào làm, nhất là ở những khu đất xấu. Một phần nữa là chủ đầu tư không có tiền làm, trong nội bộ doanh nghiệp có các tranh chấp, dự án dính pháp lý nên thanh tra vào phải dừng lại hết dù dự án đã được giao đất. Hiện UBND TP HCM đang xin chủ trương của Thành uỷ cho rà lại vì theo quy định của Chính phủ sau 5 năm phải tính toán lại, những dự án quá hạn sẽ thu hồi, sử dụng cho hiệu quả, nhất là có quỹ đất làm BT.

"Bây giờ nhà nước không quy hoạch thì không được, quy hoạch mà không làm thì chết dân. Nhưng bỏ quy hoạch thì không bỏ được. Nên thành phố đang lên phương án, quy hoạch nào làm được thì công khai quyết tâm làm và ngược lại không làm được thì xả bỏ cho dân", ông Tuyến khẳng định.



Tin mới lên