10 vụ triệu hồi nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2020

Bảo Minh - 21/12/2020 20:06 (GMT+7)

(VNF) - Trong năm 2020, hầu hết các thương hiệu xe từ phổng thông tới hạng sang bán tại Việt Nam đều gặp nhiều lỗi nghiêm trọng khác nhau. Trong đó, Honda Việt Nam, Mercedes-Benz, Toyota hay Ford là các hãng có số lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất.

VNF
10 vụ triệu hồi nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2020

Triệu hồi bán tải Mitsubishi Triton

Mở màn cho đợt triệu hồi xe lỗi tại thị trường Việt Nam trong năm 2020 là bán tải Mitsubishi triton do lỗi lỗi ốp che bệ bước chân có thể bị gãy.

Số lượng xe bán tải Triton nằm trong đợt triệu hồi là 612 xe, model KL3T JNHFPL có thời gian sản xuất từ 13/2/2015 - 13/9/2016 và model KL3T JYHFPL, có thời gian sản xuất từ 22/1/2015 - 1/9/2016. Chương trình triệu hồi bắt đầu từ ngày 6/1/2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 5/1/2022.

Nhà sản xuất cho biết đinh tán dùng để cố định ốp che bệ bước chân có thể bị ăn mòn dẫn đến gãy. Trong trường hợp tất cả các đinh tán bị gãy, ốp che của bệ bước chân có thể rơi khỏi xe gây nguy cơ tai nạn.

Nguyên nhân được xác định là do trong điều kiện môi trường tiếp xúc với nước chứa muối hoặc chất chống đông, các đinh tán bị ăn mòn dẫn đến gãy.

Triệu hồi xe hạng sang Toyota Alphard, Lexus RX350 

Đợt triệu hồi xe lỗi đầu tiên của thương hiệu xe Toyota Việt Nam trong năm 2020 là mẫu xe hạng sang Alphard với số lượng 24 chiếc, liên quan tới lỗi dây đai an toàn.

Số lượng xe Toyota Alphard bị triệu hồi được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 19/8/2019 đến ngày 6/9/2019 và được Toyota Việt Nam nhập khẩu, phân phối nguyên chiếc về nước.

Nhà phân phối cho biết, số lượng xe bị triệu hồi kể trên có dây đai an toàn với trang bị hai hệ thống khóa đai có thể không được lắp đặt chính xác và đúng cách trong qua trình sản xuất.

Trong một số trường hợp, khi xảy ra tai nạn, dây đai an toàn của hàng ghế thứ 2 trên Toyota Alphard có thể không giữ cơ thể người đúng cách, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương cho người sử dụng.

Cũng trong tháng 2/2020, Toyota Việt Nam cũng thông báo triệu hồi đối với mẫu xe hạng sang Lexus RX350 để cập nhật phần mềm ECM và thay thế hộp số (nếu có hư hỏng).

Số lượng Lexus RX350 bị triệu hồi là 282 chiếc, được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 19/10/2017 đến 26/12/2018.

Theo Tập đoàn Toyota Nhật Bản (TMC), trên các xe Lexus RX350 bị ảnh hưởng, áp suất dầu của hộp số có khả năng đột ngột thay đổi đến giá trị không đúng khiến xe bị giật khi vào số D, nổi đèn check động cơ hoặc khiến ly hợp trong hộp số bị hư hại.

Nguyên nhân được xác định là do bộ phận điều khiển hộp số tích hợp bên trong ECM được lập trình chưa tối ưu, dẫn đến hiện tượng nêu trên.

Triệu hồi gần 1.800 xe Ford Explorer

Thương hiệu xe Mỹ Ford tại Việt Nam cũng từng thông báo về chương trình triệu hồi đối với 1.796 chiếc SUV cỡ lớn Explorer do lỗi phần khung ghế. Các mẫu xe bị triệu hồi có thời gian sản xuất từ 13/2/2016 đến 25/10/2017.

Nguyên nhân được đưa ra là phần khung ghế chỉnh điện phía trong có phần hoàn thiện không đúng, để lại cạnh nhọn sắc bén. Chi tiết này có thể khiến người sử dụng bị thương hoặc đứt tay nếu chạm vào giữa ghế và cụm điều khiển trung tâm.

Thời gian khắc phục khoảng 3 giờ/xe. Các xe bị ảnh hưởng sẽ được lắp thêm phần bảo vệ cạnh khung chân ghế hoàn toàn miễn phí (bao gồm phụ tùng và công lắp đặt).

Toyota Việt Nam phải 10 lần triệu hồi xe

Trong 8 tháng đầu năm 2020, liên doanh Nhật Bản phải mở 10 chiến dịch triệu hồi xe, tần suất nhiều chưa từng có trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam.

Tháng 5/2020, Toyota Việt Nam triệu hồi 3.763 chiếc Lexus, Land Cruiser 200, Alphard và Fortuner để tiến hành thay thế bơm nhiên liệu lỗi, là nguyên nhân khiến xe bị ngừng hoạt động đột ngột trong quá trình vận hành.

Cũng trong tháng này, gần 30.000 chiếc Toyota Camry, Corolla Altis và Innova sản xuất, lắp ráp trong nước, cùng bị đưa vào danh sách triệu hồi để khắc phục lỗi bộ phận bơm nhiên liệu.

Tháng 8/2020, Toyota Việt Nam cùng lúc phát đi 2 thông báo triệu hồi để khắc phục lỗi nguy hiểm trên các mẫu xe ăn khách của hãng gồm Innova, Fortuner, Vios và Corolla Altis. 

Cụ thể, đợt triệu hồi đầu liên quan tới 721 xe Toyota Innova và Fortuner liên quan tới lỗi bu lông không được siết chặt. Các mẫu xe này được lắp ráp trong nước có thời gian sản xuất từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2020.

Số lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất trong tháng 8/2020 là gần 2.700 xe gồm Toyota Vios và Corolla Altis liên quan tới túi khí an toàn trên ghế hành khách trước. 

Trước khi kết thúc tháng 8/2020, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã phê chuẩn cho liên doanh ô tô Việt Nam thực hiện 3 chương trình triệu hồi xe để khắc phục lỗi kỹ thuật từ khâu sản xuất. Một trong số đó là chương trình triệu hồi 190 chiếc Fortuner để thay thế ống chân không bầu trợ lực phanh.

Bên cạnh đó, 749 xe Lexus GS, LX, NX và RX cũng bị đưa vào danh sách triệu hồi để thay thế bơm nhiên liệu. Ngoài ra, còn có 36 chiếc Alphard và 490 xe Land Cruiser 200 và 2.488 xe Fortuner là những cái tên mới nhất mà Toyota Việt Nam vừa được cấp phép cho triệu hồi để sửa chữa hệ thống phanh của sản phẩm. 

Audi Việt Nam triệu hồi 4 lần trong năm 2020

Là thương hiệu xe sang có tiếng tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên hãng xe "4 vòng tròn" Audi trong năm 2020 đã có tới 4 lần thông báo triệu hồi xe với nhiều lỗi khác nhau trên các mẫu xe ăn khách như Audi Q5, Q7 và A3. 

Mở màn cho chuỗi chương trình triệu hồi đối là mẫu xe Audi Q5 diễn ra vào tháng 2/2020.  Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe Audi Q5 bị triệu hồi là 638 chiếc, được sản xuất từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2019, liên quan tới lỗi ốp chắn bùn có thể rơi ra khỏi xe.

Đến tháng 4/2020, mẫu SUV 7 chỗ ăn khách của Audi Việt Nam là Q7 chính thức bị triệu hồi để kiểm tra, khắc phục lỗi ở bộ phận lái của xe. Chương trình triệu hồi được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt.

Tổng số 3 chiếc nằm trong đợt triệu hồi liên quan tới lỗi này có thời gian sản xuất từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2018.  

Tháng 8/2020, Audi Việt Nam lại tiếp tục ra thông báo triệu hồi đối với mẫu xe khác của hãng là Audi A3. Đợt triệu hồi lần thứ 3 trong năm 2020 ảnh hưởng tới 63 chiếc, có thời sản xuất từ 11/2013 đến 10/2014.

Đợt triệu hồi lần thứ 4 trong năm 2020 liên quan tới mẫu sedan Audi A8L là 33 chiếc do liên quan tới lỗi gioăng cao su được hãng thông báo vào tháng 11/2020. 

Các xe Audi A8L bán tại thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng được sản xuất từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2016.

Thaco Trường Hải triệu hồi Mazda3 

Tháng 3/2020, Thaco Trường Hải ra thống báo triệu hồi đối với 300 xe Mazda3 đời 2019-2020 bán tại Việt Nam để cập nhật phần mềm hệ thống phanh chủ động của xe. Số lượng xe bị triệu hồi có thời gian sản xuất từ ngày 14/10/2019 đến ngày 20/2/2020.

Theo thông báo từ Tập đoàn Mazda, trên các xe thuộc diện ảnh hưởng, do phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh (SBS) lập trình chưa phù hợp nên trong một số điều kiện nhất định, phương tiện nhận biết chưa đúng chướng ngại vật phía trước khi đang di chuyển trên đường và tự động kích hoạt hệ thống hỗ trợ phanh (SBS). Điều này có thể gây nguy cơ va chạm với các phương tiện xung quanh.

Thời gian bắt đầu triệu hồi diễn ra từ ngày 21/2/2020 đến ngày 21/7/2020. Mỗi xe sẽ mất khoảng 10 phút để kiểm tra và cập nhật lại phần mềm.

Triệu hồi "vua bán tải" Ford Ranger với số lượng lớn

Một trong những đợt triệu hồi với số lượng xe lớn tại Việt Nam trong năm 2020 là đợt triệu hồi 11.746 chiếc Ranger, Everest và Ranger Raptor (sử dụng động cơ 2.0L Bi-Turbo) của Ford Việt Nam do bơm dầu hộp số bị hỏng.

Theo báo cáo của Ford Việt Nam, các xe bị lỗi trên có thể gặp phải tình huống các bánh răng bơm dầu hộp số hỏng khi vận hành có thể gây ra mất áp suất dầu hộp số, dẫn đến báo lỗi hộp số và mất truyền lực, tăng nguy cơ va chạm. Tuy nhiên, theo hãng xe Mỹ Ford, bộ phận như trợ lực lái, trợ lực phanh, các hệ thống điện và hệ thống túi khí vẫn hoạt động bình thường trong trường hợp xe bị mất áp suất dầu hộp số khi đang lái.

Những mẫu xe bị ảnh hưởng trong đợt này gồm: Ford Ranger 2.0L Bi-Turbo được sản xuất trong khoảng từ 29/11/2017 đến 12/10/2019; Ford Everest 2.0L Bi-Turbo từ 15/12/2017 đến 12/10/2019 và Ford Ranger Raptor từ 01/02/2018 đến 07/10/2019 tại nhà máy Ford ở Rayong, Thái Lan.

Volvo triệu hồi xe tại Việt Nam do lỗi hệ thống phanh khẩn cấp

Thương hiệu xe an toàn nhất thế giới là Volvo trong năm 2020 cũng không thoát khỏi danh sách các hãng xe có xe bị triệu hồi. Cụ thể, Volvo thông báo thị trường Việt Nam có 438 xe lỗi hệ thống phanh khẩn cấp. 

Các xe thuộc diện bị ảnh hưởng bao gồm Volvo S60, S90, V60, V60 Cross Country, V90, V90 Cross Country, XC40, XC60 và XC90.

Trên các xe Volvo thuộc diện triệu hồi, vấn đề xuất phát từ phần mềm đã ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của hệ thống phanh khẩn cấp AEB. Việc phần mềm bị lỗi khiến cho hệ thống phanh khẩn cấp có thể hoạt động không đúng trong một số tình huống nhất định như không phát hiện hết vật thể hay người đi bộ cắt ngang.

Lỗi bơm nhiên liệu, Honda Việt Nam triệu hồi hàng loạt xe bán chạy 

Trong năm 2020, Honda Việt Nam là thương hiệu xe có nhiều mẫu xe bị triệu hồi nhất nhì tại Việt Nam với số lượng lên tới gần 20.000 chiếc.

Cụ thể, Honda Việt Nam cho biết hãng sẽ phải triệu hồi tổng số 19.219 xe, bao gồm mẫu City sản xuất lắp ráp trong nước; các mẫu xe nhập khẩu gồm Honda Jazz, HR-V, Civic, CR-V và Accord để thay thế bơm nhiên liệu. Các mẫu xe bị triệu hồi thuộc đời 2018 - 2019.

Cụ thể, có 5.966 chiếc City đời 2018; 1.770 chiếc Jazz đời 2019; 1.710 chiếc HR-V đời 2018; 1.620 chiếc Civic đời 2018; 7.973 chiếc CR-V đời 2018-2019 và 180 chiếc Accord đời 2018.

Phía Honda Việt Nam cho biết nguyên nhân triệu hồi là bơm nhiên liệu lắp trên xe có thể chứa cánh bơm bị lỗi, trong một số trường hợp có thể khiến cho bơm nhiên liệu bị kẹt, không cung cấp được nhiên liệu, dẫn đến tình trạng động cơ không khởi động được hoặc chết máy trong khi lái xe. Trong một số trường hợp, hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao cho lái xe, hành khách và các phương tiện khác.

Xe sang bán chạy Mercedes-Benz C-Class bị triệu hồi 

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phê duyệt chương trình triệu hồi của Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam đối với hai mẫu xe C-Class và GLK.

Theo đó, sẽ có tổng cộng 3.286 chiếc bao gồm: Mercedes-Benz C200, C250, C300 và GLK 250 4Matic, GLK 220 CDI 4Matic, GLK 300 4Matic do Mercedes-Benz Việt Nam sản xuất, lắp ráp trong giai đoạn từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2015.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, bơm khí là một phần cấu tạo nên cụm túi khí. Nó chứa nhiên liệu dạng rắn bị đốt cháy khi túi khí bị kích hoạt. Quá trình này giải phóng khí trơ để làm bơm phồng túi khí.

Trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng, bộ bơm khí (được cung cấp bởi công ty Takata) có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian và trong điều kiện khí hậu nhất định. Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng bộ bơm khí bị nứt vỡ.

Trong trường hợp này, túi khí có thể không phát huy tác dụng hạn chế va đập và những người ngồi trong xe có thể có nguy cơ bị chấn thương do các mảnh vỡ của bộ bơm khí văng ra bên trong xe.

Thời gian bắt đầu thực hiện chương trình triệu hồi sẽ bắt đầu từ ngày 16/11/2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 31/12/2028. Thời gian kiểm tra, sữa chữa mỗi xe là 1,6 giờ.

Xem thêm: Điểm mặt những mẫu ô tô mới ra mắt tại thị trường Việt Nam trong năm 2020

Cùng chuyên mục
Tin khác