126 dự án 'đứng hình' vì đất công xen kẹt, Chủ tịch TP. HCM 'xin' Thủ tướng có văn bản hướng dẫn

Bích Thảo - 21/08/2020 17:02 (GMT+7)

(VNF) - Báo cáo Chính phủ hôm 21/8, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất 6 giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ trong những tháng cuối năm 2020.

VNF
126 dự án 'đứng hình' vì đất công xen kẹt, Chủ tịch TP. HCM 'xin' Thủ tướng có văn bản hướng dẫn

Với 6 giải pháp này, ông Phong khẳng định thành phố sẽ nỗ lực cao nhất, phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95% vốn đầu tư công.

Một là thực hiện nghiêm Kết luận số 7 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Dự kiến đầu tháng 9, TP. HCM sẽ ban hành chương trình hành động thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Hai là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân. Trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì thành phố không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.

Thành phố cũng sẽ duy trì thường xuyên họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công 2 tuần/lần đồng thời tăng cường rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án và điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao.

Ba là hưởng ứng đợt 3 phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, TP. HCM đã giao các các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay. 

Bốn là đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án. Theo đó, thành phố phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu…; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân. Từ đó, thành phố lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận nguyên nhân và tìm giải pháp, giải quyết.

Năm là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất.

Thành phố sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. HCM.

Đến nay, TP. HCM đã xây dựng xong hệ số điều chỉnh giá đất của 187 dự án tại 24 quận/huyện để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân. Dự kiến đầu tháng 9, thành phố sẽ ban hành để triển khai thực hiện kịp thời.

Sáu là tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư và công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

Ngoài 6 biện pháp trên, ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo 2 nội dung:

Thứ nhất, giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với 12 dự án đầu tư trên địa bàn TP. HCM. Ở kiến nghị này, TP. HCM mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành thông báo kết luận để TP. HCM triển khai thực hiện.

Thứ hai, hiện TP. HCM có 126 dự án chậm thực hiện do vướng quy định về xử lý phần đất do nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong các dự án. Vì vậy, thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên giúp TP. HCM và các địa phương trong cả nước có cơ sở thực hiện.

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, tính đến ngày 15/8, TP. HCM đã giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn. Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước là 2.533 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,8% kế hoạch vốn đã giao.

Như vậy, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị TP. HCM đang nỗ lực đối phó với dịch Covid-19, giá trị tuyệt đối vốn đầu tư công đã giải ngân lớn hơn gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân tăng hơn gấp 1,8 lần cùng kỳ.

Hiện nay, TP. HCM đang triển khai 1.643 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 42.139 tỷ đồng. Việc giải ngân hết số vốn này được xem là có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP. HCM, đồng thời còn là một nhân tố quan trọng để giải quyết việc làm vì thiệt hại do dịch Covid-19.

Cùng chuyên mục
Tin khác