Tài chính

3 yếu tố có thể kìm hãm đà tiến của 'xe lu' Hòa Phát

(VNF) - Doanh thu của Hòa Phát đang tăng mạnh nhờ chiến thuật "xe lu" và hưởng lợi từ làn sóng thúc đẩy đầu tư công tại Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với 3 rủi ro lớn có thể kìm hãm đà tăng trưởng hiện tại.

3 yếu tố có thể kìm hãm đà tiến của 'xe lu' Hòa Phát

Thị phần nội địa của Hòa Phát đang tăng mạnh nhờ chiến thuật "xe lu"

Doanh thu tăng mạnh nhờ chiến thuật "xe lu" và hưởng lợi từ đầu tư công

Chiến thuật "xe lu" - đè bẹp đối thủ bằng sản lượng và giá - của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đang phát huy tác dụng rõ rệt khi lũy kế 8 tháng năm 2020, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát đã đạt 2,13 triệu tấn, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần lên mức 32%, tăng 6% so với mức 26,3% của năm 2019.

"Kết quả này rất tích cực khi thị trường tiêu thụ thép xây dựng nội địa đang tăng trưởng âm 8,5%, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19", chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhấn mạnh trong báo cáo cập nhật về Hòa Phát công bố mới đây.

Đáng chú ý, thị phần của Hòa Phát tăng chủ yếu đến từ việc gia tăng sản lượng tại thị trường miền Nam. Trong 8 tháng năm 2020, sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát tại thị trường phía Nam đạt hơn 508 nghìn tấn, tăng gấp đôi so với mức 252 nghìn tấn của 8 tháng năm 2019. Thị phần của Hòa Phát tại thị trường phía Nam cũng tăng mạnh lên mức 24%, so với mức 14% của năm 2019.

KBSV nhận định với lợi thế tuyệt đối về chi phí sản xuất và thúc đẩy công tác bán hàng, Hòa Phát đang nhanh chóng giành được thị phần của các nhà sản xuất thép phía Nam.

Bên cạnh thành quả ở thị trường nội địa, Hòa Phát cũng đạt được kết quả tích cực ở thị trường nước ngoài, chủ yếu nhờ hưởng lợi từ làn sóng thúc đẩy đầu tư công tại Trung Quốc.

Hiện các lò cao số 1 và số 2 của giai đoạn 1 Khu liên hợp thép Dung Quất đã hoạt động ổn định và đang chạy hết công suất, giúp nâng sản lượng của thép thô của Hòa Phát lên thêm hơn 2,5 triệu tấn/năm. Theo nhìn nhận của KBSV, với sản lượng khổng lồ như vậy, thị trường nội địa Việt Nam khó lòng có thể hấp thụ được ngay lập tức, vì thế Hòa Phát đang xuất khẩu phôi thép, đặc biệt là tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc.

Thuận lợi cho Hòa Phát là hiện tại, giá thép xây dựng tại Trung Quốc đang cao hơn giá thép tại thị trường Việt Nam khoảng 20% do chính sách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ nước này, trong khi thị trường Việt Nam đang đang tình trạng dư cung ngắn hạn. Mặc dù biên lợi nhuận của mảng bán phôi thép là không cao, tuy nhiên, hoạt động này mang vẫn đang mang lại dòng tiền và giải quyết tình trạng dư thừa công suất tạm thời của dự án Dung Quất.

Hiện tại, chính sách thúc đẩy đầu tư công thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ Trung Quốc đang khiến nhu cầu tiêu thụ thép tăng trưởng đột biến tại thị trường nước này. Lũy kế 7 tháng, sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc tăng trưởng 3,3%, riêng tháng 7/2020, sản lượng cũng đã đạt 93,4 triệu tấn thép thô, tăng trưởng 9%. Dự báo, nhu cầu thép lớn sẽ tiếp tục được duy trì cho đến hết năm 2020.

Không chỉ tại thị trường Trung Quốc, Hòa Phát cũng đang và sẽ được hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ Việt Nam.

Cụ thể, nhằm kích thích kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính Phủ Việt Nam đang tăng cường đầu tư công thông qua đầu tư vào các cơ sở vật chất, hạ tầng. Các tháng 7-8/2020, giá trị đầu tư công đã đạt trên 45.000 tỷ đồng mỗi tháng, tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

KBSV cho rằng xu hướng này vẫn sẽ được tiếp tục đến hết năm 2021 và những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như Hòa Phát sẽ được hưởng lợi.

Hiện Hòa Phát vẫn đang tiếp tục gia tăng công suất sản xuất thép. Năm 2021, sẽ là năm bước ngoặt của doanh nghiệp này khi công suất tối đa sẽ đạt 7,7 triệu tấn so với mức 5 triệu tấn của năm 2020.

3 rủi ro đáng chú ý

Theo KBSV, Hòa Phát hiện đang phải đối mặt với 3 rủi ro lớn. Thứ nhất là diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào không thuận lợi.

Công ty chứng khoán này cho hay kết quả kinh doanh của Hòa Phát phụ thuộc rất nhiều vào giá nguyên vật liệu đầu vào và giá bán các sản phẩm đầu ra, các yếu tố mà Hòa Phát hoàn toàn phải phụ thuộc vào thị trường.

Trong quý III, giá quặng sắt đã đang tăng rất mạnh do nhu cầu sản xuất thép tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc, cùng với đó, nguồn cung thiếu hụt tạm thời do nhiều mỏ sắt tại Brazil tạm thời đóng cửa do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đến thời điểm cuối tháng 8/2020, giá quặng sắt 62% có giá khoảng 123-125 USD/tấn, tăng 34% so với thời điểm đầu năm và tăng 55% so với đáy vào thời điểm cuối tháng 3/2020. Trong khi đó, giá than mỡ luyện cốc vẫn được duy trì ở mức thấp, do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia, quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cảnh báo các nhà sản xuất thép nội địa Trung Quốc tăng cường sử dụng than nội địa thay vì nhập khẩu từ Australia.

Bên cạnh yếu tố giá nguyên vật liệu, việc công suất sản xuất quá lớn cũng tiềm ẩn rủi ro cho Hòa Phát. Ở thị trường nội địa, đó là rủi ro dư cung trong ngắn hạn.

Thị trường thép xây dựng nội địa Việt Nam tiêu thụ khoảng 9-10 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2021, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát có thể cung ứng ra thị trường lên đến hơn 5,1 triệu tấn/năm, tăng 2,7 triệu so với năm 2019.

"Với một lượng thép lớn như thế cung ra thị trường trong khoảng thời gian chỉ hơn 2 năm thì thị trường thép xây dựng nội địa khó có thể hấp thụ ngay lập tức và hiện tượng thừa cung sẽ diễn ra. Và thực tế hiện tại cũng đang cho thấy, Hòa Phát đang phải bán phôi phép thô thừa sang thị trường Trung Quốc, sản lượng dự kiến cả năm 2020 lên đến 1,8 triệu tấn và giá bán thép thành phẩm liên tục ở mức thấp", chuyên gia của KBSV cho biết.

Đó là chưa kể đến rủi ro ở thị trường nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh công suất sản xuất của Hòa Phát tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021.

Một yếu tố nữa có thể khiến triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát trở nên bớt sáng so với nửa đầu năm 2020 là việc không còn lợi nhuận đột biến từ mảng nông nghiệp.

Trong nửa đầu năm 2020, lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát đã đạt hơn 800 tỷ, gấp 8 lần so với cùng kỳ. Giá thịt lợn tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn. Dịch bệnh tả lợn châu Phi làm người nông dân không dám tiếp tục tái đàn, dịch bệnh Covid-19 cũng làm giảm khả năng nhập khẩu lợn từ nước ngoài.

Tuy nhiên, sang quý III/2020, giá thịt lợn đã giảm mạnh về mức 73.000 đồng/kg lợn hơi, giảm khoảng 25% so với mức đỉnh 100.000 đồng/kg hồi tháng 5/2020, nhưng vẫn ở mức cao so với 50.000 đồng/kg trong nhiều năm trở lại đây. Chính phủ đang áp dụng rất nhiều biện pháp để giảm giá thịt lợn như tăng cường nhập khẩu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, ép các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá…

Mục tiêu của Chính phủ muốn giá lợn về mức khoảng 60.000 đồng/kg.

Theo KBSV, giá thịt lợn nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát sẽ chỉ còn đạt khoảng 400-500 tỷ trong nửa cuối năm 2020.

KBSV ước tính lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận và doanh thu của Hòa Phát sẽ đạt 9.571 tỷ đồng và 85.850 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 26% và 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận và doanh thu năm 2021 ước đạt lần lượt 11.886 tỷ đồng và 106.800 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 24%.
Tin mới lên