Tài chính quốc tế

Ant Financial - Một Fintech 'trên cả thành công'

(VNF) - Câu chuyện thành công của Ant Financial - cánh tay tài chính của tập đoàn Trung Quốc Alibaba - là một trong những mô hình “kinh điển” mà bất kỳ ai quan tâm đến Fintech cũng từng nghe tới.

Ant Financial - Một Fintech 'trên cả thành công'

Cánh tay tài chính của Alibaba

Nhắc tới Ant Financial, không thể không nhắc tới Alibaba - một trong những công ty công nghệ lớn thống trị lĩnh vực thanh toán và thương mại điện tử ở Trung Quốc. Được sáng lập bởi tỷ phú Jack Ma vào năm 1999, với sứ mệnh làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, Alibaba đã tham gia vào lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử, cho vay, bảo hiểm và hầu hết mọi sản phẩm tiêu dùng mà chúng ta có thể nghĩ tới. Nhờ không ngừng đẩy mạnh phát triển các cơ sở phục vụ nền tảng thương mại điện tử, Alibaba đã chủ sở hữu nhiều công ty con khác nhau bao gồm Alipay, Yue Bao, Ali Cloud, Taobao,…

Tại Trung Quốc, hầu hết người tiêu dùng đều biết tới và sử dụng Alipay, ứng dụng thanh toán trực tuyến giúp khách hàng có quyền truy cập vào toàn bộ hệ sinh thái thanh toán bằng mã QR của Alibaba. Đây là một trong những ví điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc cùng với WeChat Pay (ví điện tử của Tencent), và được kỳ vọng sẽ đạt 2 tỷ khách hàng vào năm 2025. Theo một báo cáo về xu hướng trong giao dịch thanh toán di động ở Trung Quốc, tính tới quý I/2018, Alipay nắm giữ 53,7% thị phần trong tổng số giao dịch thanh toán di động của bên thứ ba tại Trung Quốc, con số này vượt xa người theo sau là Tencent Finance với 38,9%. Thống kê mới nhất năm 2022 cho thấy Alipay có gần 1,3 tỷ người dùng trên khắp thế giới, trong đó có tới 900 triệu người dùng ở Trung Quốc và khoảng 300 triệu người ở nước ngoài.

Năm 2014, khi Alibaba bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực thanh toán điện tử, chính phủ Trung Quốc đưa ra các quy định mới về quyền sở hữu, trong đó yêu cầu chỉ những công ty 100% trong nước mới có thể đóng vai trò là bộ xử lý thanh toán. Do đó, Ant Financial ra đời, tiếp quản toàn bộ các sản phẩm tài chính của Alibaba, như Alipay, Yu’e Bao, MYBank và nhiều công ty con khác. Một phần lợi nhuận của Ant Financial vẫn được chuyển qua Alibaba.

Điểm đặc biệt của Ant Financial

Giám đốc điều hành của Ant Financial cho biết công ty được đặt tên theo những chú kiến (“Ant” có nghĩa là kiến trong tiếng Anh), vì họ tạo ra dịch vụ cho những người tiêu dùng thông thường. Quả thực, thời điểm đó không có nhiều dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như người dân tại Trung Quốc. Do đó, tỷ phú Jack Ma đã nói rằng mục tiêu của Ant “là giải quyết vấn đề thiếu tính toàn diện” của nền kinh tế Trung Quốc. Công ty tự gọi mình là TechFin, chứ không phải FinTech. Đó là bởi vì trước hết, họ là một công ty công nghệ. Ant Financial cũng có sứ mệnh của riêng mình: Góp phần tạo ra một xã hội bình đẳng, nền kinh tế toàn diện và môi trường xanh.

Ant Financial tuân theo mô hình 3-1-0: Khách hàng mất 3 phút để đăng ký khoản vay, 1 giây để chuyển tiền và không cần sự hiện diện của con người. Trong khi ở phương Tây, các nền tảng “buy now, pay later” - mua ngay trả tiền sau, dễ khiến những người trẻ tuổi dễ mắc nợ, thì Ant Financial thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác dựa trên điểm tín dụng. Ví dụ, nếu người dùng có điểm tín dụng cao, họ hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ trước, sau đó về nhà mới trả tiền. Đây là lý do các nền tảng thanh toán của Alibaba không giống bất kỳ nền tảng nào từng thấy ở phương Tây.

Với Ant Financial, người dùng sẽ được tiếp xúc với các phương thức thanh toán hoàn toàn mới lạ. Người dùng hoàn toàn có thể đi ra ngoài mà không cần mang điện thoại hay ví, chỉ cần thanh toán bằng khuôn mặt thông qua hệ thống camera tại các địa điểm mua bán, được số hoá và kết nối thông qua internet.

Gắn liền với mục tiêu xã hội bình đẳng, phát triển kinh tế toàn diện và môi trường xanh, năm 2016, Ant Financial cho ra mắt trò chơi “Rừng kiến”, khuyến khích mọi người sử dụng các phương tiện công cộng và thanh toán trực tuyến. Càng sống “xanh”, người dùng càng kiếm được nhiều điểm và trồng nhiều cây mang tên mình. Kể từ khi ra mắt, “Rừng xanh” đã thu hút khoảng 220 triệu người dùng, góp phần giảm phát thải CO2 lên tới 5.000 tấn mỗi ngày.

Ngoài việc phát triển các phương thức thanh toán, Ant Financial cũng đặt mục tiêu là hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng cốt lõi của ví điện tử trên toàn cầu. Công ty đã đầu tư 680 triệu USD vào Paytm của Ấn Độ vào năm 2015 và mua lại MoneyGram ở Mỹ. Ant Financial cũng hợp tác với các công ty Fintech nước ngoài để khách du lịch Trung Quốc có thể thanh toán bằng Alipay. Đây là cách họ tiếp cận ePassi, một ví thanh toán của Bắc Âu.

Tạo ra “hệ sinh thái” của riêng mình

Tại Ant Financial, Alipay không phải là nền tảng dịch vụ tài chính duy nhất. Công ty cũng sở hữu và vận hành một thị trường bảo hiểm mở, gọi là Ant Fortune, với hơn 80 công ty bảo hiểm, tiếp cận hơn 400 triệu người dùng. Ant Fortune đã dân chủ hóa việc quản lý tài sản và lập kế hoạch nghỉ hưu. Tất cả 116 nhà quản lý quỹ tương hỗ của Trung Quốc đều sử dụng nền tảng có 180 triệu người dùng này. Quan trọng nhất, thuật toán của nền tảng đề xuất các quỹ dựa trên mục tiêu và hồ sơ tài chính của từng người dùng, do đó thu hẹp khoảng cách hiểu biết về tài chính mà trước đây có thể đã ngăn cản nhiều người dùng đầu tư. Điều quan trọng cần lưu ý là các nền tảng này bán chéo các dịch vụ trong hệ sinh thái của Ant, do đó đảm bảo rằng mỗi liên doanh mới sẽ có cơ sở người dùng cần thiết để thu hút các tổ chức tài chính bên thứ ba tham gia thị trường. Nói cách khác, Ant có thể hứa hẹn khả năng tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính không thể cưỡng lại việc tham gia vào một mạng lưới lớn như vậy.

Quy mô người tiêu dùng lớn như vậy cũng cho phép Ant tung ra các sản phẩm tài chính mới, như Yue Bao. Yue Bao, tiếng Trung Quốc có nghĩa là “kho báu còn sót lại”, là quỹ thị trường tiền tệ của Ant. Năm 2018, Yue Bao là nền tảng đầu tư vào quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới với quy mô 251 tỷ USD. Một tài khoản có thể được mở chỉ với 1 NDT (tương đương 0,15 USD ở thời điểm bấy giờ). Yue Bao có thể sử dụng dữ liệu của Alipay để xác định những người dùng để lại số dư dương trong ví kỹ thuật số Alipay của họ. Bất kỳ người dùng nào có số dư sẽ được liên hệ, hướng dẫn về lợi ích của quỹ thị trường tiền tệ và được mời mở tài khoản. Tất nhiên, họ cũng có thể chọn đầu tư vào bất kỳ quỹ nào được niêm yết trên Ant Fortune. Trong một thị trường thiếu vắng các sản phẩm tài chính, nền tảng đầu tư của Ant ngay lập tức thành công vang dội.

Việc Ant cung cấp cả nền tảng dịch vụ quản lý tài sản (Ant Fortune) lẫn các sản phẩm tương hỗ (Yue Bao) cho thấy rằng các giao dịch trên nền tảng mang lại lợi nhuận đủ lớn để Ant tiếp tục đầu tư vào đó. Quan trọng nhất, cho dù người dùng chọn nhà tài trợ bên thứ ba trên Ant Fortune hay chọn Yue Bao, thì người dùng đó vẫn ở trong hệ sinh thái tài chính và dữ liệu của Ant. Quy mô của Ant đã khiến nó trở thành một thực thể quan trọng trong ngành tài chính Trung Quốc, dù công ty này không được cấp phép hoạt động như một ngân hàng. Ở một quốc gia mà hầu hết tổ chức tài chính lớn đều do chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát, thành công của Ant là một điều kỳ diệu.

Thành tích “vô tiền khoáng hậu”

Tất cả những yếu tố trên đã thúc đẩy định giá của Ant, khiến công ty này trở thành một trong những kỳ lân có giá trị nhất trên toàn cầu, bỏ xa những đối thủ như Uber và Xiaomi, và được định giá cao gấp nhiều lần so với hầu hết các công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực này. Tháng 6/2018, công ty đã huy động được 14 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm GIC, Carlyle và Temasek, đẩy giá trị vốn hóa lên mức 150 tỷ USD. Điều thú vị là mức định giá này còn cao hơn cả những tên tuổi lớn trên thị trường tài chính như ngân hàng Goldman Sachs hay Morgan Stanley.

Số liệu tài chính của Ant Financial cho thấy lợi nhuận trước thuế đã vọt lên khoảng 9,2 tỷ NDT trong năm 2018, tăng 65% so với năm 2017. Đáng chú ý, năm 2017, công ty cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 86% so với năm 2016. Hơn một nửa doanh thu của công ty đến từ dịch vụ thanh toán Alipay. Bắt đầu từ sau năm 2018, Ant Financial bắt đầu thay đổi chiến lược từ dịch vụ thanh toán và tài chính sang một công ty cung cấp các dịch vụ này nhưng yếu tố đặt lên hàng đầu là “công nghệ”.

Với thành công trên, Ant Financial trở thành một mô hình tài chính nhận được sự chú ý trên toàn cầu và là hình mẫu lý tưởng trong ngành Fintech. Chính Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon từng lưu ý rằng ông “vừa ấn tượng vừa có chút lo lắng” về tiến bộ công nghệ tài chính của Trung Quốc, trong đó có Ant Financial.

Quãng trầm không mong muốn

Chính quyền Trung Quốc từng ủng hộ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Alibaba và coi đó là công nghệ đổi mới mạng lưới phân phối tài chính. Nhưng khi thị trường thanh toán điện tử dần bị thống trị bởi Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent, việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ UnionPay do các ngân hàng phát hành không tăng trưởng nhiều. Công ty khởi nghiệp và người tiêu dùng cũng phụ thuộc vào các đại gia công nghệ, thay vì hệ thống ngân hàng. Quỹ tiền tệ Yue Bao của Alipay cũng bị coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống ngân hàng truyền thống. Năm 2019, Bắc Kinh đã yêu cầu Alipay và WeChat Pay gửi tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giống những nhà băng khác. Tuy nhiên, đến tháng 6/2020, tổng quy mô của các quỹ liên kết với Yue Bao vẫn tăng lên 2.540 tỷ NDT.

Tháng 11/2020, các nhà quản lý Trung Quốc yêu cầu Ant Group (tên mới của Ant Financial) hoãn đợt IPO trị giá 35 tỷ USD. Tiếp đó, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) công bố dự thảo dài 22 trang với chủ trương ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng Internet lớn. Nối tiếp những “đòn giáng” nặng nề, cuối tháng 12/2020, PBOC buộc Ant phải điều chỉnh các mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực Fintech, từ quản lý tài sản, bảo hiểm đến cho vay tiêu dùng. Kể từ khi bị chính quyền nhà nước “chỉ mặt đặt tên” và chấn chỉnh, hoạt động kinh doanh của Ant đã chậm lại đáng kể.

Chuyển đổi mô hình để lớn mạnh hơn

Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh toán toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi từ các phương thức truyền thống như tiền giấy và thẻ tín dụng sang ví điện tử, Ant – với tư cách là người “tiên phong” trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến từ năm 2003 (khi Alipay ra đời dưới trướng Alibaba), đã chuyển đổi hoạt động kinh doanh bảo đảm chuyển khoản xuyên biên giới ban đầu của mình thành gã khổng lồ về giải pháp chuyển khoản xuyên biên giới toàn cầu Alipay+ nổi tiếng hiện nay. Alipay+ hiện đang phục vụ hơn 2,5 triệu thương nhân trên toàn thế giới, kết nối liền mạch các doanh nghiệp với hơn một tỷ người tiêu dùng.

Câu chuyện mở rộng toàn cầu thành công của Ant Group có thể được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, diễn ra từ năm 2003 đến năm 2013, Ant đã thiết lập hệ thống “thanh toán toàn cầu” AliExpress, nơi người tiêu dùng nước ngoài có thể sử dụng Alipay để mua hàng tại Trung Quốc. Giai đoạn thứ hai, kéo dài từ năm 2013 đến năm 2019, là khi Ant Group bắt đầu quảng cáo rầm rộ về Alipay và bắt đầu xem xét đầu tư vào ví điện tử ở nước ngoài. Giai đoạn thứ ba đang diễn ra, bắt đầu vào năm 2020, liên quan đến việc Ant tiếp tục thiết lập quan hệ đối tác giữa Alipay và các ví điện tử nước ngoài để cho phép thanh toán liền mạch, chính là Alipay+.

Kể từ năm 2015, Ant Group đã thiết lập hàng chục mối quan hệ hợp tác như vậy với các hệ thống thanh toán kỹ thuật số trên khắp thế giới, bao gồm GCash ở Philippines, TNG Digital (thuộc công ty mẹ Touch ‘N Go) ở Malaysia, TrueMoney ở Thái Lan, DANA ở Indonesia, Paytm ở Ấn Độ, bKash ở Bangladesh, Easypaisa ở Pakistan, Kakao Pay ở Hàn Quốc và Klarna ở châu Âu. Đến tháng 4/2022, Alipay+ đã được hơn 70.000 cửa hàng ở Đức, Áo, Malaysia và Hàn Quốc chấp nhận. Trong cùng tháng đó, Ant Group đã ký một thỏa thuận để trở thành cổ đông lớn trong nền tảng thanh toán 2C2P của Singapore.

Rõ ràng là chiến lược mở rộng quốc tế của Ant Group liên quan đến sự hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh. Với việc hình thành các liên minh, hệ thống thanh toán của Ant Group ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian.

Từ khoá: Alibaba, Ant Financial, Fintech,
Tin mới lên