Bà cô 'làm một ít blockchain' khiến lãnh đạo tập đoàn công nghệ giật mình

Hà Lê - 05/12/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT đã chia sẻ câu chuyện gây bất ngờ đến giật mình về những bà cô đầu tư blockchain và đặt niềm tin phát triển bền vững trong kỷ nguyên AI.

Bà cô ở tỉnh 'làm một ít blockchain'

Tại một sự kiện về công nghệ mới đây, “khi bước vào sảnh chính, tôi giật mình không biết liệu mình có đi nhầm chỗ hay không vì gặp rất nhiều cô chú mà tôi có lòng tin rằng, đây không phải là những người làm nghiên cứu công nghệ”, ông Tiến kể.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, công nghệ đã dân chủ hoá và bình dân hoá những điều tưởng rằng chỉ có dân công nghệ, sinh viên các trường công nghệ nói chuyện với nhau

Theo đó, những người đầu tiên mà lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam gặp là một “bà cô” đến từ một huyện của Quảng Ninh “đang làm một ít về blockchain”. Ngạc nhiên khi nghe giới thiệu, ông hỏi lại thì được người này cho biết bản thân rất “quan tâm đến blockchain và đang đầu tư”.

Cuộc trò chuyện với người phụ nữ khiến ông Hoàng Nam Tiến không khỏi phấn khích: “Công nghệ ngày hôm nay đã dân chủ hoá và bình dân hoá những điều tưởng rằng chỉ có dân công nghệ, sinh viên các trường công nghệ nói chuyện với nhau. Ngày hôm nay, một cô ở một huyện của Quảng Ninh đã đến và hết sức quan tâm đến các chủ đề về AI, blockchain. Đây là một điều tuyệt vời. Rất cảm ơn công nghệ đã giúp chúng ta có được điều đó”.

Ông Hoàng Nam Tiến khẳng định, công nghệ AI đang phát triển ngày càng nhanh chóng và từng bước thay đổi thế giới. Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, Chat GPT - dù chỉ là một phần rất nhỏ của AI - đã “dân chủ hoá, bình dân hoá”, làm cho tất cả mọi người biết đến công nghệ này.

“Chúng tôi, những người từng cười cợt về sự “thông minh” của Chat GPT đời đầu, không thể cười được nó nữa vì nó xuất sắc hơn mỗi ngày và học quá nhanh”, ông Tiến nói.

Nói về sự thay đổi mà AI tạo ra, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra rằng, rất nhiều học sinh, sinh viên đang sử dụng các công cụ như Chat GPT, Copilot, Gemini... để làm bài tập, luận văn.

“Những người thầy không thể lờ đi thực tế này và buộc phải thay đổi cách dạy sao cho tất cả học sinh, sinh viên dù sử dụng công cụ AI nhưng vẫn phải “vất vả” mới làm được bài. Điều này làm thay đổi cách dạy, cách học hàng ngàn năm nay”, ông Tiến nói.

Cuộc đua kỳ lạ trong kỷ nguyên AI

Hay như tại Tập đoàn FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đã yêu cầu mỗi một nhân viên, học sinh, sinh viên, thậm chí là mang tới cho tất cả các khách hàng, có một trợ lý AI để hỗ trợ công việc. Trong khi đó, các “dark factory” (nhà máy không ánh đèn) cũng đã xuất hiện. Tại các nhà máy của VinFast, khoảng 2.000 người máy hoạt động nhưng chỉ có 100 công nhân đi dọc dây chuyền lắp ráp ô tô. Viễn cảnh robot nhiều hơn con người mà Elon Musk từng đề cập, theo ông Hoàng Nam Tiến, đang dần trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, kỷ nguyên AI cũng đặt ra không ít thách thức, đe doạ quyền làm chủ (homo mastery) của con người.

“Trên con đường ngồi trên “ô tô” AI, chúng ta không hề biết đích đến, thậm chí là kông biết đường.  Đây là cuộc đua kỳ lạ. Tất cả các chuyên gia AI đều không dự báo trước được chúng ta sẽ đi con đường như thế nào và đích đến ra sao. Có lẽ đã lâu lắm rồi kể từ sau cuộc thám hiểm của Christopher Columbus, loại người mới đối diện với tình huống này”, ông Tiến đặt vấn đề.

Lãnh đạo Tập đoàn FPT cũng đề cập tới một thực trạng rằng, robot đang dần thay thế con người tại một số ngành nghề và khiến người lao động mất việc. Thậm chí, một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã đặt ra câu hỏi liệu việc điều hành doanh nghiệp có bị thay thế bởi AI hay không. Nếu như trước đây, “useless class” (tầng lớp vô dụng) được xác định là các lao động phổ thông, lao động chân tay, dễ mất việc thì nay, AI “đe dọa” đến cả tầng lớp lao động tri thức, có học và đã có thâm niên làm việc.

Trước những lo lắng về việc liệu con người có cần thiết trong cuộc sống này hay không, khi AI và robot có thể làm được mọi thứ, ông Hoàng Nam Tiến khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ cướp đi công việc của các bạn, mà đó là những người biết sử dụng trí tuệ nhân tạo”.

Theo đó, để phát triển bền vững trong kỷ nguyên AI, cạnh tranh với những công cụ thay thế, ông Tiến cho rằng, mỗi người chỉ cần giữ cho mình ba điều, đó là sự tò mò, sự sáng tạo và trí tuệ cảm xúc.

“Hãy luôn tò mò về thế giới này. Chat GPT hay Gemini có thể tìm kiếm thông tin rất giỏi nhưng nó không biết tò mò về những thông tin đó, về thế giới này. Hãy luôn sáng tạo. AI chỉ có thể “bắt chước” mà không thể tự sáng tạo. Và cuối cùng, hãy luôn cho mình trí tuệ cảm xúc. Khi đó, AI sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của chúng ta”, ông Tiến nói.

Mặt khác, mỗi người cũng phải sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng học tập. Thay vì học tập một chiều như trước đây, mỗi người cần có thêm một “AI mentor” (ông thầy trí tuệ nhân tạo). Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi giáo dục. Còn đối với các lãnh đạo – những người mà theo ông Tiến, là “cốc nước đầy không thể đổ thêm” - cần phải “unlearn để relearn”, tức là quên đi những gì từng trải nghiệm, từng thành công để học thêm những điều mới.

Trong câu chuyện của FPT, ông Tiến cho hay, Tập đoàn đã “đánh cược” cả tương lai vào trí tuệ nhân tạo. Bản thân Chủ tịch Trương Gia Bình đã “xuống tay” 5.000 tỷ đồng cho nhà máy AI tại Việt Nam và mới đây là 200 triệu USD cho nhà máy AI tại Nhật Bản, với mục tiêu thay đổi vị thế của người Việt cũng như Tập đoàn FPT.

Trước đó, ông Phong Nguyễn - Giám đốc AI tại FPT Software cho biết, với AI, FPT có thể tự động hoá nhiều quy trình làm việc dẫn tới nhiều thay đổi lớn. Do đó, tập đoàn đã phải “tái đào tạo” rất nhiều nhân sự để làm quen với tương lai mới. Để tránh bị AI thay thế, các nhân viên trong mỗi doanh nghiệp cần trang bị cho mình những kiến thức về kinh doanh.

'Cơ hội chưa từng có' của Việt Nam trong mắt ông Nguyễn Duy Hưng và Trương Gia Bình

'Cơ hội chưa từng có' của Việt Nam trong mắt ông Nguyễn Duy Hưng và Trương Gia Bình

Nhân vật
(VNF) - Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài sản số trong khu vực; còn Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Việt Nam tự tin Việt Nam sở hữu lực lượng nhân lực công nghệ mà nhiều nước ước mơ.
Cùng chuyên mục
Tin khác