Theo các chuyên gia, thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương nhằm sớm tăng nguồn cung, để thị trường phát triển bền vững.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Nhận định về xu hướng bất động sản khu vực phía Nam, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới đang cho thấy những tín hiệu lạc quan, chủ yếu do một số yếu tố tích cực từ cả nền kinh tế đến các chính sách và xu hướng người tiêu dùng.
Ông Thành đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế, là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản năm 2024 bởi khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu về nhà ở và các dự án đầu tư bất động sản thường gia tăng. Thứ hai, Chính phủ đang tập trung mạnh mẽ vào việc đầu tư hạ tầng, tạo ra các khu vực mới phát triển. Điều này sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và người mua nhà, đồng thời tạo ra cơ hội lớn cho thị trường bất động sản. Thứ ba, dân số trẻ, nhu cầu nhà ở tăng. Điều này thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà ở thương mại, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Thứ tư, sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, 3 bộ luật mới được Quốc hội thông qua (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai) có tác động lớn với với thị trường địa ốc. Trong đó, có một số nội dung liên quan đến khu vực đầu tư và kinh doanh bất động sản nhà ở xã hội với nhiều tín hiệu tích cực hơn với người dân.
Với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ông Đính nhận định, khó có thể phục hồi trong ngắn hạn nhưng bù lại, có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt các sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch thuộc các địa bàn truyền thống, trọng điểm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, trong bối cảnh hiện nay, việc khơi thông nguồn cung sản phẩm cho năm 2024 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều trở ngại đang làm chậm nguồn cung như: chậm trễ trong xét duyệt và hoàn thiện pháp lý, dẫn đến những khó khăn đối với việc các nhà đầu tư tham gia thị trường, gây ra tình trạng khan hiếm về tín dụng, khi các ngân hàng gặp khó khăn trong việc có được tài sản thế chấp cần thiết để cho vay cho các dự án bất động sản.
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ: “Khó khăn là điều có thể nhìn thấy rõ nhất khi trong một năm qua, thị trường phải chứng kiến sự rời đi của hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản về lĩnh vực môi giới, phát triển dự án. Trong đó, hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng phải lao đao khi thiếu dòng tiền, đối mặt với tình trạng khách hàng mất niềm tin. Mặc dù chúng ta chỉ ra nhiều điểm tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn chỉ ra những gì còn ách tắc, chưa làm được để đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng nguồn cung hơn nữa”.
Làm gì để khơi thông nguồn cung?
Theo TS Trần Đình Thiên, chủ trương hạ lãi suất vẫn hơi ít, hơi muộn và đã có những doanh nghiệp không thể chờ được nguồn vốn đó mà rời khỏi thị trường. Trong kỳ vừa qua, ngoài hạ lãi suất, ra sức giải ngân đầu tư công, chính sách về thị trường trái phiếu đã phần nào được tháo gỡ, song thực tế thì tiện nay thị trường cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn nhiều tồn tại, do đó cần nỗ lực cấu trúc lại. Đồng thời cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp và cần cách tiếp cận khác cho nhà ở xã hội. Xác định rõ vai trò của nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp - người dân.
Ông Thiên cho rằng, cần 3 kim chỉ nam cho các giải pháp này là: “Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền) - Thông thoáng (cơ chế chính sách) - Thông minh (bộ máy thực thi).
Ông Lê Hoàng Châu cho hay, hơn 70% các dự án bất động sản hiện nay đều bị ách tắc pháp lý. Do đó, muốn khơi thông nguồn cung bất động sản, nhất ở ở khu vực phía Nam - nơi có nhiều dự án đang đình trệ, cần phải gỡ "nút thắt" pháp lý cho lĩnh vực này. Cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đã chính thức được Quốc hội thông qua, thời gian tới các cơ quan quản lý vẫn cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất... Đồng thời, tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp.
Ông Võ Tân Thành cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, phía doanh nghiệp sẽ phải tăng cường, chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền. Đồng thời doanh nghiệp cần tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện và điều kiện thực tế của thị trường. Chủ động rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai và hoàn thành dứt điểm từng dự án, tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp; điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động và thực hiện dự án.
Ông Trương Anh Tú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Danh Khôi chia sẻ, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ đẩy nhanh và quyết liệt hơn, sớm thực thi các Luật mới và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo sự đồng bộ, để các đơn vị hành chính công triển khai đúng. Đặc biệt là quy định và quy trách nhiệm cụ thể cho người có trách nhiệm thực thi dịch vụ công.
"Doanh nghiệp cũng mong muốn rằng Luật Kinh doanh bất động sản mới sẽ hỗ trợ tốt cho câu chuyện cơ chế, chính sách của nhà ở xã hội hay nhà giá rẻ được minh bạch hơn, thông thoáng hơn theo hướng tạo điều kiện cho người dân và cán bộ, công chức có cơ hội sở hữu nhà ở. Cơ quan quản lý và các cấp chính quyền địa phương cần phải rút ngắn thời gian, quy trình, thủ tục hành chính cho các dự án bất động sản, nhất là dự án xây dựng nhà ở xã hội để doanh nghiệp có cơ hội phát triển, sớm tăng nguồn cung sản phẩm địa ốc cho thị trường”, ông Tú nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone