Học thuật

Bẫy thanh khoản là gì? Ví dụ thực tế về bẫy thanh khoản

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu bẫy thanh khoản (liquidity trap) là gì? Ví dụ thực tế về bẫy thanh khoản (liquidity trap).

Bẫy thanh khoản là gì? Ví dụ thực tế về bẫy thanh khoản

Bẫy thanh khoản (liquidity trap) là tình huống trong đó lãi suất giảm xuống mức quá thấp, làm cho mọi người thích giữ tiền hoặc tài sản dễ thanh toán (tài sản không sinh lợi) hơn giữ trái phiếu hay các tài sản sinh lợi khác.

Bẫy thanh khoản là gì?

Bẫy thanh khoản (liquidity trap) là tình huống trong đó lãi suất giảm xuống mức quá thấp, làm cho mọi người thích giữ tiền hoặc tài sản dễ thanh toán (tài sản không sinh lợi) hơn giữ trái phiếu hay các tài sản sinh lợi khác.

Tại một mức lãi suất thấp nào đó, đường cầu về tiền trở nên co giãn vô hạn (gần như nằm ngang). Trong trường hợp như vậy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng để cắt giảm lãi suất đều trở nên vô hiệu và chỉ dẫn tới hậu quả là mọi người nắm giữ tiền nhiều hơn. Vì lãi suất không giảm, nhu cầu đầu tư, sản lượng, việc làm không tăng, nên chính sách tiền tệ trong trường hợp này bị coi là bất lực hoặc không có hiệu quả.

Keynes lập luận rằng khi nền kinh tế suy thoái rơi vào bẫy thanh khoản, thì cách duy nhất để khuyến khích đầu tư là tăng chi tiêu chính phủ hoặc giảm thuế để tăng tổng cầu và cải thiện niềm tin của giới kinh doanh về triển vọng tốt đẹp của nền kinh tế trong tương lai, qua đó khuyến khích các công ty đầu tư nhiều hơn.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Ví dụ thực tế về bẫy thanh khoản

Một số học giả kinh tế mà đại diện là Paul Krugman cho rằng kinh tế Nhật Bản sở dĩ trải qua thập kỷ mất mát là vì mắc vào bẫy thanh khoản.

Để cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do bong bóng bất động sản vỡ đầu thập niên 1990, Ngân hàng Nhật Bản đã nhiều lần hạ lãi suất và chần chừ nâng lãi suất, để rồi đi tới thực hiện chính sách vẫn được gọi là "chính sách lãi suất zero". Đầu tư tư nhân của Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ suốt nhiều năm, và kinh tế Nhật Bản cũng trì trệ kéo dài cả thập kỷ.

Sau đó, nhờ xuất khẩu hồi phục, nhờ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng về mặt lượng (tăng trực tiếp lượng tiền cơ sở), nhờ thực hiện chính sách tài chính (nhiều lần thực hiện các gói biện pháp tổng hợp để kích cầu), kinh tế Nhật Bản cuối cùng cũng cơ bản thoát khỏi suy thoái từ năm 2002.

Tin mới lên