Tài chính quốc tế

Các nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới kiếm gần 100 tỷ USD trong quý I

(VNF) - Tình hình địa chính trị bất ổn và suy thoái khí hậu đã mang tới nguồn lợi lớn cho các công ty dầu khí hàng đầu thế giới, với hồ sơ tài chính cho thấy 28 trong số các nhà sản xuất dầu khí lớn nhất đã kiếm được gần 100 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong ba tháng đầu năm 2022.

Các nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới kiếm gần 100 tỷ USD trong quý I

Giá dầu tăng cao giúp các nhà sản xuất dầu mỏ thu lợi lớn trong quý I/2022.

Cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu thế giới tăng cao, giúp các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu hóa thạch lớn hưởng lợi trong quý đầu tiên của năm, kiếm được 93,3 tỷ USD tổng lợi nhuận.

Cụ thẻ, Shell đã kiếm được 9,1 tỷ USD lợi nhuận trong quý I, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Exxon thu về 8,8 tỷ USD, cũng là mức tăng gần gấp ba lần so với năm 2021.

Chevron tăng lợi nhuận lên 6,5 tỷ USD và BP thì lần đầu tiên chứng kiến lợi nhuận trong quý cao nhất trong vòng một thập kỷ, kiếm được 6,2 tỷ USD.

Trong số 28 nhà sản xuất dầu khí lớn, Coterra Energy, một công ty có trụ sở tại Texas, có lợi nhuận tăng 449% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 818 triệu USD.

So với năm 2021, khi lợi nhuận cả năm của 28 công ty là 183,9 tỷ USD, có thể thấy tổng lợi nhuận trong quý I/2022 đã chiếm hơn nửa, và rất có khả năng sẽ tăng cao hơn nhiều lần cho tới cuối năm nay nếu tình trạng giá xăng dầu neo cao tiếp diễn.

Lợi nhuận tăng vọt vào thời điểm lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia đã khiến một số công ty trả lại hàng tỷ USD cho các cổ đông thông qua mua lại cổ phiếu và cổ tức.

Ben Van Beurden, giám đốc điều hành của Shell, nói rằng tình huống này có nghĩa là "chúng tôi có một công ty tốt hơn, chúng tôi có hiệu suất tốt hơn, và thực sự các cổ đông của chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi từ điều đó".

Tuy nhiên, trái với sự vui mừng của các công ty xăng dầu, các nhà hoạt động vì môi trường và khí hậu đều cho rằng việc lợi nhuận các tập đoàn dầu khí tăng cao là dấu hiệu cho thấy các chính phủ trên thế giới vẫn chưa đủ quyết tâm loại bỏ nhiên liệu hoá thạch, đối phó với biến đổi khí hậu.

Lori Lodes, giám đốc điều hành của Climate Power, một nhóm vận động về khí hậu cho biết: “Lòng tham của những công ty này thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã nghe các giám đốc điều hành của họ khoe khoang về mức độ khủng khiếp của lạm phát và thảm kịch chiến tranh ở Ukraine đã cho phép họ tăng giá. Những khoản lợi nhuận này đang đi ngay vào túi của họ”.

Hầu hết các công ty dầu mỏ lớn hiện nay đều có những mục tiêu khí hậu riêng, chẳng hạn như Exxon đã cam kết vào tháng 1 sẽ cắt giảm lượng khí thải của chính mình xuống mức 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, những lời hứa này chủ yếu tập trung vào lượng khí thải đến từ hoạt động khoan và vận chuyển dầu khí, chứ không phải là việc sử dụng thực tế của người tiêu dùng, điều tạo nên tỷ lệ ô nhiễm lớn.

Xem thêm >> Giá khí đốt châu Âu dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong mùa đông tới

Tin mới lên