Nhân vật

Cấm cho vay sân sau đại gia và tránh 'vết xe đổ' hậu sửa Luật Đất đai

(VNF) - Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn; cảnh báo để tránh đi vào 'vết xe đổ' hậu sửa Luật Đất đai... là những phát ngôn đáng chú ý tuần qua

Cấm cho vay sân sau đại gia và tránh 'vết xe đổ' hậu sửa Luật Đất đai

'Giá điện khí LNG phải theo cơ chế thị trường'

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp cho rằng, "không có chuyện áp mức giá thấp cho điện khí LNG để bảo đảm khung giá điện thấp đi".

Theo ông Phụng, hiện cơ chế đàm phán giá điện với EVN đang thực hiện theo quy định của Bộ Công thương. dù dựa trên các yếu tố trong cơ cấu hình thành giá điện như chi phí đầu tư nhà máy điện, giá khí cho sản xuất điện, lợi nhuận cho phép, nhưng vẫn phải tuân thủ khung giá quy định, trong khi giá khí LNG trên thị trường có biên độ thay đổi rất lớn.

“Việc phát triển điện khí LNG ở Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức, như là chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối điện của dự án,…thế nhưng, những thách thức đó sẽ giải quyết được nếu như chúng ta có nhận thức đầy đủ, toàn diện, có sự thay đổi tư duy về giá điện”, ông Phụng nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Phụng: “Cần phải loại bỏ tư duy lâu nay các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như là than, là nắng, là gió, là khí, là dầu, là thủy điện,… thuộc quyền sở hữu toàn dân, cho nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân. Thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay”.

Khẳng định giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn điện khác, ông Phụng góp ý, khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở), hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG.

>>>Xem thêm: 'Giá điện khí LNG phải theo cơ chế thị trường'

'Chấm dứt cho vay tập trung vào doanh nghiệp, dự án sân sau của tập đoàn'

Ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Tiếp tục kiểm soát tốt ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm trong tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao hơn.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng.

Bộ Tài chính có trách nhiệm đẩy mạnh các giải pháp để thực sự ổn định, phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, lành mạnh an toàn hiệu quả, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Có giải pháp quyết liệt xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện (môi trường) củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

>>>Xem thêm: 'Chấm dứt cho vay tập trung vào doanh nghiệp, dự án sân sau của tập đoàn'

Tránh đi vào 'vết xe đổ' hậu sửa Luật Đất đai

Việc sửa Luật Đất đai trong quá khứ đã mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy thị trường bất động sản nhưng cũng thường gặp phải một số vấn đề như: Chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn, thiếu nhất quán trong xác định giá đất theo giá thị trường, thiếu sự đồng bộ giữa các luật liên quan rõ ràng để phát triển thị trường bền vững.

Để hoá giải các mâu thuẫn, đưa đất đai thành động lực hàng đầu cho sự phát triển, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho rằng thứ nhất, Luật Đất đai cần sửa đổi để đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thống nhất các loại bản đồ liên quan đến quản lý và sử dụng đất; cải tiến thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ hai, cần sửa đổi để thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền sử dụng đất; công bố thông tin về quyền sử dụng đất; bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất.

Ngoài ra, cần hoàn thiện các chế độ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; xác lập cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất; bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất.

>>>Xem thêm: Tránh đi vào 'vết xe đổ' hậu sửa Luật Đất đai

Hút đầu tư xanh: Không kén chọn ngành nghề mà phải 'lọc' công nghệ

Trước xu hướng tăng trưởng xanh, việc thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường khiến nhiều địa phương trong thu hút đầu tư nghiêng về "lọc ngành" thay vì xem xét các tiêu chí giảm phát thải. 

Theo ông Hứa Quốc Hưng, đối với việc thu hút đầu tư xanh, vấn đề không phải “lọc ngành" mà là “lọc công nghệ", giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư để phù hợp với xu thế hiện nay. 

“Tất cả các ngành nghề đều sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội như giày dép, quần áo, hay những ngành gây ô nhiễm sản xuất ra các sản phẩm như vật liệu xây dựng, hóa chất... Những ngành đó, sản phẩm đó sẽ đặt nhà máy, trụ sở ở đâu khi “lọc ngành”? Khu công nghiệp, khu chế xuất là địa bàn để đặt các dự án công nghiệp từ nặng đến nhẹ. Nếu một ngành nghề không cho phép đặt trong khu vực dân cư, khu công nghiệp không tiếp nhận những ngành đó thì họ sẽ đi về đâu?”. ông Hưng cho hay. 

Theo Nghị định 35 quy định về khu công nghiệp chuyên ngành, 65% đất sẽ dành cho ngành nghề chuyên ngành đó, còn lại sẽ thu hút ngành nghề khác.

Đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM cho hay, thành phố khi bắt đầu quy hoạch sẽ dành 1 quỹ đất dù diện tích không lớn cho các ngành nghề không khuyến khích đặt trong khu vực dân cư. Trong thời gian tới, đề án chuyển đổi khu công nghiệp, khu chế xuất của TP. HCM sẽ đặt những ngành không còn phù hợp vào 1 quỹ đất khác. Nhà đầu tư phải thay đổi công nghệ, dây chuyền máy móc để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Ông Hứa Quốc Hưng cho rằng, không nên đặt vấn đề chọn ngành gì, ngành thâm dụng lao động hay ô nhiễm môi trường, vì công nghệ và thị trường sẽ điều tiết và điều chỉnh từng lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn. 

>>>Xem thêm: Hút đầu tư xanh: Không kén chọn ngành nghề mà phải 'lọc' công nghệ

'Đầu tàu TP.HCM, Hà Nội chậm dần, các đầu tàu mới còn ít và chưa mạnh'

Các chuyên gia của CIEM dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt 5,19%. Mức tăng trưởng này tuy thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022, nhưng cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.   

Dự báo cho năm 2024, TS. Nguyễn Hữu Thọ đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2024, trong đó ở kịch bản cơ sở (dễ xảy ra), GDP tăng 6%; kịch bản cao là 6,5%; và kịch bản thấp là 5,5%.

Ước tính này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế (WB: 5,5%; IMF: dự báo 5,8%; ADB: 6%). 

Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như TP.HCM, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng chậm dần; xuất hiện một số đầu tàu mới (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa) nhưng còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.

Để đạt được mức tăng trưởng GDP cao trong năm 2024, nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hoá dịch vụ.

>>>Xem thêm: 'Đầu tàu TP.HCM, Hà Nội chậm dần, các đầu tàu mới còn ít và chưa mạnh'

Tin mới lên