Cạnh tranh hoàn hảo là gì? Đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo

Quỳnh Anh - 23/06/2018 17:39 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu cạnh tranh hoàn hảo (perfect competition) là gì? Đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

VNF
Cạnh tranh hoàn hảo (perfect competition) là một loại hình cấu trúc thị trường.

Cạnh tranh hoàn hảo là gì?

Cạnh tranh hoàn hảo hay cạnh tranh nguyên tử (perfect competition/atomic competition) là một loại hình cấu trúc thị trường được đặc trưng bởi 4 đặc điểm.

Đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo

Nhiều người mua và nhiều người bán. Trong thị trường này, có một số lượng lớn doanh nghiệp hoạt động độc lập với nhau. Mỗi doanh nghiệp và người mua nhỏ (nguyên tử) đến mức không tác động được tới giá thị trường của hàng hoá hoặc dịch vụ.

Sản phẩm đồng nhất. Đặc trưng này hàm ý sản phẩm mà các doanh nghiệp cạnh tranh chào bán giống hệt nhau, cả về các thuộc tính vật chất và quan niệm của người mua, do đó người mua không ưa thích sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó hơn sản phẩm của các doanh nghiệp khác.

Tự do gia nhập và rời bỏ thị trường. Đặc trưng này có nghĩa là không có bất kỳ hàng rào hay trở ngại nào đối với sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới hoặc sự tự rời bỏ thị trường của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.

Hiểu biết và tính cơ động hoàn hảo. Người mua và người bán hiểu rõ và đầy đủ về thị trường; tất cả người mua đều có thể tiếp cận người bán mà không gặp trở ngại gì.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Nhìn chung, những điều kiện để có cạnh tranh hoàn hảo là những tiêu chí nhằm gọt bỏ mọi nguy cơ hình thành các thế mạnh trên thị trường, đảm bảo không một ai có thể chi phối thị trường (cả người bán lẫn người mua) .

Với mô hình thị trường cạnh tranh hoàn hảo, các nhà kinh tế học xem khả năng của cạnh tranh tác động đến sự vận hành các quan hệ thị trường trong trạng thái tĩnh.  Nói cách khác, cạnh tranh hoàn hảo là hình thức cạnh tranh mang tính lý thuyết dựa trên những điều kiện giả định của các nhà khoa học, mà không tồn tại trên thực tế. Sự vận động của các yếu tố trên thị trường như vốn, nguyên liệu, lao động và thị phần, kết hợp với bản tính hay thay đổi của người tiêu dùng đã làm cho thị trường không thể đồng thời tồn tại đủ các điều kiện nói trên.

Cùng chuyên mục
Tin khác