Mobile Money: Cú hích cho thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam?

Nguyễn Việt Huy - 04/12/2021 18:59 (GMT+7)

(VNF) - Mobile Money không chỉ dễ dàng giúp thay thế tiền mặt trong các giao dịch nhỏ lẻ hàng ngày, mà còn là phương tiện phù hợp để Chính phủ giải ngân trực tiếp các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân.

VNF
Mobile Money: Cú hích cho thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam?

Vì sao phải triển khai Mobile Money?

Năm 2020, khi dịch Covid-19 có những dấu hiệu lan rộng, việc triển khai Mobile Money đã được xem là một nhu cầu cấp thiết cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh, Chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách nhằm hạn chế việc tiếp xúc và sử dùng tiền mặt.

Tại Việt Nam, Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 đã đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mobile Money là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.

Nhờ khả năng vận hành chỉ cần tới mạng viễn thông mà không phụ thuộc vào internet hay tài khoản ngân hàng, Mobile Money không chỉ dễ dàng giúp thay thế tiền mặt trong các giao dịch nhỏ lẻ hàng ngày, mà còn là phương tiện phù hợp để Chính phủ giải ngân trực tiếp các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân thuộc nhóm yếu thế, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng tài khoản ngân hàng chưa thực sự cao, nhưng mật độ thuê bao di động thì rất cao. Như vậy nếu được chính thức triển khai, Mobile Money sẽ là cú hích quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng của thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Từ tháng 3/2021, Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực cho phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Trong bối cảnh hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng thì Mobile Money được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi.

Cuối tháng 4/2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt thí điểm Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Do đây là dịch vụ mới tại Việt Nam nên để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều đơn vị chuyên môn nghiệp vụ của cả 3 cơ quan nói trên trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nộp hồ sơ lần 1, ba doanh nghiệp viễn thông là VNPT, Viettel và Mobifone đã được phản hồi, yêu cầu hoàn thiện thêm một số nội dung để trình Ngân hàng Nhà nước thẩm định lại.

Ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định chấp thuận cho VNPT triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trên phạm vi cả nước. Việc cấp phép triển khai Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, cả 3 nhà mạng VNPT, Viettel và Mobifone đều đã được cấp phép thí điểm Mobile Money.

Hiện Việt Nam có khoảng 100 triệu thuê bao di động và khoảng 70% dân số sử dụng internet cũng là yếu tố thuận lợi để triển khai Mobile Money. Khi được triển khai Mobile Money, số lượng giao dịch này sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng chưa có tài khoản NH, ví điện tử... Nếu triển khai được sẽ tăng khả năng thanh toán lên cao hơn, bớt chênh lệch trong thanh toán không dùng tiền mặt giữa thành thị và nông thôn.

Sử dụng Mobile Money như thế nào?

Bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Tức là, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money (ở đây, theo Quyết định cho phép thí điểm Thủ tướng vừa ban hành, là nhà mạng) không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông.

Tiền trong tài khoản Mobile Money gắn với SIM nhưng phải tách biệt với tài khoản viễn thông, bởi tài khoản viễn thông thực tế còn có thêm khoản khuyến mại, nếu cho phép sử dụng để thanh toán sẽ không đảm bảo nguyên tắc chuyển đổi tỷ lệ 1:1.

Hình thức này tương tự thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương.

Nói cách khác, người dùng không thể quy đổi số dư trong tài khoản viễn thông sang tài khoản thanh toán này. Khách hàng sẽ không được trả lãi với số dư để trong tài khoản thanh toán Mobile Money.

Ngoài ra, toàn bộ tiền trong tài khoản Mobile Money của nhà mạng phải được mang bảo đảm tại ngân hàng và không được sử dụng cho mục đích khác ngoài thanh toán.

Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác như: Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp - rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone (điện thoại thông minh), không cần kết nối internet.

Để nạp tiền vào tài khoản Mobile Money, khách hàng có thể đến điểm giao dịch của nhà mạng; nạp từ ví điện tử; chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang. Mỗi tài khoản Mobile Money không được dùng quá 10 triệu đồng/tháng. Người dùng có thể thanh toán các dịch vụ viễn thông, điện, nước, học phí, y tế, dịch vụ hành chính công và thanh toán mã QR.

Khác với ví điện tử, Mobile Money không cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, do vậy, việc xác thực thông tin thuê bao, định danh khách hàng là yêu cầu bắt buộc.

Cùng chuyên mục
Tin khác