Cao tốc Bắc-Nam: Điểm 'năng lực tài chính' sẽ cản đường nhà đầu tư nội

PV (tổng hợp) - 05/05/2019 08:53 (GMT+7)

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các Ban QLDA: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP.

VNF
Cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông là dự án lớn với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng.

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban QLDA khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển và các tài liệu liên quan, ban QLDA chịu trách nhiệm về tính chính xác, thống nhất nội dung giữa hồ sơ tiếng Việt và hồ sơ tiếng Anh.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, toàn bộ 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đầu tư theo hình thức PPP là dự án nhóm A.

Đại diện Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết trong hồ sơ mời tuyển, Bộ Giao thông vận tải xây dựng mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng 60 điểm), năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai của nhà đầu tư chiếm 10% tổng số điểm (10 điểm).

Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh sẽ là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.

Trên thực tế, theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu đáp ứng tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư, đã triển khai các dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét... thì rất ít doanh nghiệp trong ngành giao thông đủ khả năng sơ tuyển.

Cần phải nói thêm rằng, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đang khá “đói việc”, bởi dự án ít, tiền vốn huy động không còn dễ dàng như trước kia. Nhưng với điều kiện về năng lực tài chính khá ngặt nghèo như Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng thì phần lớn nhà đầu tư nội đều… lắc đầu.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần khẳng định, dự án cao tốc Bắc –Nam nhánh phía Đông sẽ đấu thầu quốc tế theo quy định của luật, bất kỳ nhà đầu nội hay ngoại tham gia đều phải đáp ứng yêu cầu mà không có ngoại lệ.

Theo TS Ngô Trí Long, việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về vốn, kinh nghiệm sẽ giúp dự án cao tốc Bắc - Nam tránh được “vết xe đổ” của dự án mở rộng QL1 trước đây.

Nhưng vì thế, “cửa” cho doanh nghiệp trong nước hẹp lại, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về vốn, bởi vậy, không loại trừ việc một số doanh nghiệp ngoại sẽ triển khai dự án này.

Tuy vậy, chuyên gia Ngô Trí Long cũng đồng tình việc Bộ Giao thông vận tải đấu thầu quốc tế rộng rãi để thu hút các doanh nghiệp đủ năng lực về tài chính, và cũng không thể “ưu ái” doanh nghiệp nội mà hạ thấp tiêu chuẩn, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của dự án.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nếu doanh nghiệp trong nước muốn tham gia cuộc chơi trong khi năng lực tài chính yếu thì có thể tính đến việc liên doanh liên kết.

Được biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017 có chiều dài 654km.

Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Cùng chuyên mục
Tin khác