Số lượng doanh nghiệp cố tình nợ thuế với mục đích chiếm dụng tiền ngân sách đang diễn ra phổ biến.
Doanh nghiệp liên tục nợ gối đầu
Hà Nội, TP. HCM và nhiều địa phương khác đã lần lượt công bố danh sách hàng nghìn doanh nghiệp đang còn nợ tiền thuế, phí các loại. Theo đó, đến giữa tháng 7/2018, Hà Nội có hơn 300 doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất và thuế, phí các loại.
Trong số này có những tên tuổi lớn, nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, như: Công ty Cổ phần Lilama (111 tỷ đồng đến 31/5), Tập đoàn Công nghiệp điện tử Việt Nam (80 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Viglacera (hơn 60 tỷ đồng)… Tổng số thuế các doanh nghiệp đang nợ lên tới gần 550 tỷ đồng và nếu cộng cả các khoản nợ phí và tiền sử dụng đất, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang nợ ngân sách khoảng gần 2.500 tỷ đồng.
Cùng thời gian trên TP. HCM tình hình cũng không khác biệt là mấy khi các doanh nghiệp trên địa bàn đang nợ khoảng hơn 1.500 tỷ đồng tiền thuế các loại. Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản như: Công ty Cổ phần Lâm Viên, Công ty Diệp Bạch Dương, Tập đoàn Khang Thông, Công ty Cổ phần Thanh Niên, Công ty xây dựng Đức Hạnh… đều có số nợ thuế từ 10 - 60 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, thương mại, như: May Minh Hoàng, Lô Hội… số nợ thuế cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Giải thích về việc số lượng doanh nghiệp nợ thuế tăng cao, đại diện Cục Thuế TP. HCM cho rằng, hiện nay mức phạt chậm nộp thuế dưới 90 ngày (được quy định tại Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính - PV) là 0,03%/ngày.
Nếu tính theo tháng thì số tiền phạt chậm nộp mỗi tháng chỉ ở mức 0,9% giá trị số thuế chậm nộp. Như vậy, so với lãi suất vay vốn của các NHTM thì các doanh nghiệp sẽ chọn cách giữ lại tiền thuế đến khi hết hạn 3 tháng, Cục Thuế gửi công văn cưỡng chế thu thuế thì họ mới nộp ngân sách.
Theo đại diện Cục Thuế TP. HCM, thực tế từ khi mức phạt chậm nộp thuế được giảm xuống 0,03%/ngày như hiện nay thì số lượng các doanh nghiệp cố tình nợ thuế dưới 90 ngày tăng lên đáng kể. Nhiều doanh nghiệp khi bị cưỡng chế nộp thuế đã “nói thẳng” là họ cố tình để lại tiền thuế thay vì phải đi vay vốn và chu kỳ này sẽ được họ lặp đi lặp lại do pháp luật cho phép.
Ghi nhận của phóng viên TBNH cho thấy trong suốt năm 2017 mặc dù quyết liệt thu hồi nợ đọng nhưng ngành thuế các địa phương chỉ thu được gần 90% số thuế bị doanh nghiệp chậm nộp chuyển qua từ năm 2016.
Đến hết tháng 6/2018 số thuế chậm nộp thu được trên cả nước chỉ đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này cũng là số nợ tồn đọng được dồn qua từ năm 2017. Điều này cho thấy số thuế chậm nộp các tháng đầu năm 2018 vẫn đang tăng lên từng ngày và ngành thuế bắt buộc phải gối đầu tiếp tục cưỡng chế thu.
Kẽ hở và yêu cầu đóng trọn vai
Nhìn từ góc độ thị trường, có quan điểm cho rằng việc các doanh nghiệp cố tình nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất với mục đích chiếm dụng vốn trong một thời gian nhất định là hoàn toàn dễ hiểu.
Bởi trong bối cảnh liên tục “đói vốn”, việc có sẵn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để chi dùng trong vòng 2-3 tháng mà không phải thế chấp, không phải đảm bảo các thủ tục vay tiền là một lợi thế mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn duy trì.
Chưa kể, ngay cả khi hết kỳ hạn 90 ngày chậm nộp, theo những quy định hiện nay thì các doanh nghiệp vẫn có thể được giải tỏa cưỡng chế khi chấp nhận nộp dần nợ thuế trong vòng 12 tháng tính từ lúc bắt đầu bị cưỡng chế nộp thuế.
Trường hợp của Công ty TNHH SX-XD-TM Thiên Phú (TP. HCM) mới đây được Tổng cục Hải quan hướng dẫn, cho phép tạm dừng cưỡng chế nộp thuế 3 tỷ đồng theo cách này là một ví dụ cho thấy việc nới lỏng biện pháp thu hồi nợ thuế mặc dù đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng đang khiến việc chiếm dụng vốn ngân sách diễn ra phổ biến.
Ở góc độ ngành thuế, ông Trần Ngọc Tâm - Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM cho rằng, mặc dù hiện nay cơ quan thuế vẫn đang tiếp tục phân loại các khoản nợ thuế để thu hồi.
Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi số lượng các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phá sản, rời bỏ khỏi trụ sở đăng ký rất lớn.
Chia sẻ với “gian nan” của ngành thuế trong việc thu hồi nợ quá hạn, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cho rằng thực ra ngành thuế chưa thực sự quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng.
Theo ông Ngọc, việc nợ thuế gối đầu đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng đến giữa tháng 3/2015, Tổng cục Thuế mới có văn bản hướng dẫn về biện pháp cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nợ quá 90 ngày.
Điều này cho thấy “trọng tâm” thu hồi nợ đọng đến gần đây mới được ngành thuế quan tâm chứ trong suốt một giai đoạn dài trước đây hầu như “mạnh ai nấy làm” không được quy định, hướng dẫn một cách đầy đủ và thống nhất thành luật.
Từ góc độ trách nhiệm, ông Ngọc cho rằng, việc ngành thuế đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan như người kinh doanh thua lỗ, ngừng kinh doanh hoặc giải thể… rồi tự “giải cứu” bằng cách đề xuất xóa nợ thuế là không hợp lý. Bởi trách nhiệm “đòi nợ” cho ngân khố quốc gia là trách nhiệm của ngành thuế.
Chừng nào chưa áp dụng tất cả các biện pháp, bao gồm cả việc chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng truy tố tội trốn thuế, ngành thuế không thể tự kết luận rằng khoản nợ thuế này “không có khả năng thu hồi” để đề xuất xóa nợ.
Ngoài ra, trách nhiệm của cán bộ thuế cũng cần phải được xem xét đúng mực. Bởi theo ông Ngọc, đối với các doanh nghiệp khó khăn, nợ đọng sau đó phá sản, đóng cửa thì trước hết vẫn cần phải truy trách nhiệm của cán bộ thuế vì đã không đôn đốc thu nộp đúng hạn.
Ở đây cũng không loại trừ động cơ tư lợi của cán bộ thuế dẫn tới nợ đọng phát sinh. Chính vì vậy, trước khi đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan, ngành thuế cần “làm tròn vai” của mình, bởi nếu vẫn tiếp tục cách làm chậm trễ, nửa vời thì nợ đọng thuế vẫn là vấn đề kinh niên, ngày càng khó giải quyết.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.