Chưa được nâng hạng đã lo rớt hạng vì thiếu cổ phiếu chất lượng
(VNF) - Việc đa dạng hóa và gia tăng số lượng hàng hóa trên sàn chứng khoán được xem là cần thiết trước thềm nâng hạng. Tuy nhiên để trụ hạng sau khi nâng hạng, chuyên gia cho rằng cần chú trọng cả vấn đề chất lượng hàng hoá.
Tăng hàng hoá để nâng hạng
Trước thềm nâng hạng thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có làn sóng niêm yết mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch, chuẩn bị cho dòng tiền lớn dự kiến sẽ đổ vào trong thời gian tới. Trước sự kỳ vọng của nhà đầu tư, hoạt động chuyển sàn và niêm yết mới đã diễn ra khá sôi động từ đầu năm 2024, khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) liên tục đón nhận các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mức độ niêm yết này chỉ nhộn nhịp hơn so với tình trạng trầm lắng của các năm trước chứ chưa tạo nên sự bùng nổ như kỳ vọng.
Một trong những trở ngại chính đối với các doanh nghiệp muốn huy động vốn qua thị trường chứng khoán là quá trình nộp và phê duyệt hồ sơ niêm yết tại các sở giao dịch. Theo tiết lộ từ một chuyên gia tư vấn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết, thời gian hoàn thiện hồ sơ niêm yết có thể kéo dài từ 6 tháng đến cả năm. Điều này xuất phát từ việc nhân viên tại các sở giao dịch đôi khi e ngại tiếp nhận hồ sơ hoặc xét duyệt quá kỹ lưỡng.
Sự cẩn trọng trong quy trình duyệt hồ sơ hiện nay chủ yếu là do lo ngại sau hàng loạt vụ thao túng chứng khoán đã gây xôn xao thị trường thời gian qua. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chia sẻ với Đầu tư Tài chính rằng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang thanh lọc thị trường sau những vụ tăng vốn ảo không tạo ra dòng tiền thực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. “Hiện tại, UBCKNN rất thận trọng sau những sự kiện tăng vốn ảo và sai mục đích sử dụng vốn của các doanh nghiệp niêm yết, khiến cho quy trình phê duyệt niêm yết trở nên khó khăn hơn rất nhiều,” ông Minh cho biết.
Hiện các thủ tục niêm yết mới được thực hiện theo Luật Chứng khoán năm 2019, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản như: báo cáo tài chính kiểm toán, vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế và hoạt động kinh doanh có lãi trong hai năm liên tiếp,... Những điều kiện này được cho là vẫn tồn tại nhiều rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình niêm yết. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Chứng khoán để hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Ông Nguyễn Thế Minh nhận định rằng, sau khi luật mới được thông qua và có hiệu lực, việc cổ phần hóa cũng như niêm yết và tăng vốn của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Một trong những sửa đổi được đề xuất nhằm thúc đẩy quá trình niêm yết là rút ngắn thời gian từ khi IPO đến khi niêm yết. Hiện nay, IPO và niêm yết là hai quy trình riêng biệt, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại, sau khi mua cổ phần trong đợt IPO phải chờ ít nhất 3 tháng để cổ phiếu được giao dịch, tạo ra sự thiếu thanh khoản. Việc tích hợp hai quy trình này thành một được đánh giá cao và có thể trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nhiều hơn.
Thiếu “ông lớn” lên sàn
Việc đa dạng hóa và gia tăng số lượng hàng hóa trên sàn chứng khoán được xem là cần thiết, đặc biệt trước thềm nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, với gần 1.700 mã cổ phiếu trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ chiếm khoảng 70 - 80% GDP năm 2023, thấp hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, dù các nước này có số lượng mã cổ phiếu ít hơn đáng kể (đạt khoảng 600 mã cổ phiếu). Theo ông Nguyễn Thế Minh, vấn đề nằm không phải ở số lượng mã cổ phiếu, mà nằm ở chất lượng cổ phiếu.
Vốn hóa thị trường là một trong những tiêu chí kỹ thuật quan trọng mà các tổ chức như FTSE và MSCI sử dụng để đánh giá khả năng nâng hạng của thị trường. Mặc dù Việt Nam đã đáp ứng tiêu chí về vốn hóa, ông Minh cho rằng nếu vốn hóa không gia tăng trong tương lai, Việt Nam sẽ khó tiếp cận các tổ chức đánh giá khác như MSCI với tiêu chuẩn cao hơn hoặc những nhóm thị trường mới nổi khác. Với FTSE, Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging), chứ chưa đạt mức mới nổi tiên tiến (advanced emerging).
“Khi Việt Nam được FTSE nâng hạng, họ sẽ so sánh quy mô vốn hóa của chúng ta với các thị trường khác trong cùng nhóm. Nếu vốn hóa không tăng trưởng, rủi ro bị loại khỏi nhóm thị trường mới nổi là rất cao vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá mong manh, trong khi các thị trường khác lại có quy mô rất lớn. Việc nâng hạng lần đầu sẽ dễ dàng hơn so với việc quay trở lại nhóm thị trường mới nổi sau khi bị xuống hạng,” ông Minh nhận định.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn, có 4 vấn đề chính được Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam đưa ra. Thứ nhất, các doanh nghiệp đang niêm yết cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Việt Nam sắp tới sẽ sáp nhập ba sàn chứng khoán thành một, khả năng cao sẽ lấy tiêu chuẩn của HoSE làm chuẩn, điều này sẽ giúp sàng lọc những cổ phiếu chất lượng cao về một sàn duy nhất, từ đó nâng cao chất lượng niêm yết.
Thứ hai, cần gia tăng sự hiện diện của các ngành lớn đang thiếu vắng trên sàn chứng khoán. Hiện nay, hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng và bất động sản, trong khi các lĩnh vực như năng lượng, viễn thông và công nghệ lại thiếu vắng những gương mặt tiêu biểu. Các lĩnh vực này chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, thị trường đã khá trầm lắng kể từ khi đón cơn sóng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong giai đoạn năm 2017-2018. Do đó, vấn đề thứ ba là cần tháo gỡ các rào cản về cơ chế và chính sách, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến niêm yết và lên sàn.
Thứ tư, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường cần được thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hoá hơn. Hiện tại, tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm khoảng 15 - 17%, thấp hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào nhà đầu tư cá nhân và tạo ra tính đầu cơ cao trên thị trường, gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng việc tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức sẽ giúp giảm thiểu biến động trên thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc huy động vốn.
“Việc cân bằng tỷ trọng giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sẽ giải quyết được bài toán huy động vốn cho doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, từ đó thu hút doanh nghiệp niêm yết mới. Thị trường chứng khoán về bản chất là nơi để doanh nghiệp huy động vốn với chi phí thấp nhất, nhưng sự phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân sẽ tạo rào cản huy động vốn, khiến các doanh nghiệp tốt không có nhu cầu niêm yết”, ông Minh nhấn mạnh.
Chứng khoán Việt Nam lại lỡ 'chuyến tàu' nâng hạng, phải chờ năm 2025
- ‘Nâng hạng là gia vị thêm vào TTCK, không phải món chính’ 17/10/2024 11:30
- VinaCapital: TTCK Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng vào năm 2026 09/10/2024 01:41
- Nâng hạng chứng khoán Việt Nam trong tháng 10/2024: 'Khả năng chưa cao' 02/10/2024 05:00
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.