Ngược chiều trên HoSE: Người vui mừng đến, kẻ ngậm ngùi rời đi

Hải Đường - 03/10/2024 11:30 (GMT+7)

(VNF) - Sàn HoSE dự kiến đón thêm loạt tân binh, ngôi sao sáng đổ bộ trong thời gian tới như DSC, MCH, BSR. Tuy nhiên, HoSE cũng phải chia tay với những doanh nghiệp lớn như POM, HNG, HBC.

Loạt doanh nghiệp đổ bộ HoSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) kể từ đầu năm trở lại đây đã liên tục đón những tân binh chào sàn, từ nhà băng tới các doanh nghiệp lớn nhỏ như Ngân hàng TMCP Nam Á (HoSE: NAB), Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (HoSE: VTP), Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công (HoSE: TCI), Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (HoSE: MCM),…

Cho tới nay, làn sóng niêm yết, chuyển sàn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC là doanh nghiệp mới đây nhất được HoSE chấp thuận niêm yết, chuyển sàn từ UPCoM.

DSC đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết mới cho HoSE từ ngày 1/3/2024 và được phê duyệt sau hơn nửa năm. Đây cũng là công ty chứng khoán thứ 18 niêm yết tại sàn HoSE, sau khi Công ty Chứng khoán DNSE (HoSE: DSE) chào sàn vào ngày 1/7 vừa qua. Như vậy từ đầu năm đến nay, HoSE đã đón tổng cộng 3 công ty chứng khoán niêm yết mới.

Được biết, DSC đã lên kế hoạch chuyển sàn từ đầu năm 2023, khi tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc niêm yết HoSE. Công ty đã tốn khoảng 1 năm rưỡi kể từ khi công bố tới khi được chính thức chấp thuận chuyển sàn.

Tại sàn UPCoM, DSC đang giao dịch với mức giá 23.300 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 3/10). Với hơn 204,8 triệu cổ phiếu, vốn hoá của công ty đạt khoảng hơn 4.700 tỷ đồng.

Bên cạnh DSC, 2 ngôi sao sáng của UPCoM là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH) và Công ty Cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng rộn ràng hơn bao giờ hết với kế hoạch chuyển sàn sang HoSE.

Tại Masan Consumer, HĐQT công ty mới đây đã thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ UPCoM sang niêm yết tại HoSE. Kế hoạch này đã được ban lãnh đạo công ty thường xuyên đề cập tới trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), khi đề về kế hoạch huy động vốn trong năm nay đã cho rằng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 6 - 7 năm qua của Masan Consumer, “đã đến lúc phải xem xét thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng”.

Tại UPCoM, MCH là một những cổ phiếu đắt đỏ nhất giao dịch tại hệ thống này. Giá mở cửa phiên 3/10 đạt 197.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hoá hơn 143.000 tỷ đồng.

Masan Consumer hiện đang niêm yết hơn 735 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm hơn 10,9 triệu cổ phiếu quỹ, cổ đông lớn là Công ty TNHH Masan Consumer Holdings nắm giữ hơn 671 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 92,65%).

Số lượng cổ phiếu thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ là hơn 53 triệu đơn vị còn lại. Đây không phải một con số nhỏ, tuy nhiên lại khá chênh lệch so với mức thanh khoản của cổ phiếu MCH. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình của MCH trong 3 tháng trở lại đây đạt 98.230 đơn vị (theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI), trong 10 phiên gần đây đạt 124.590 đơn vị.

Các chuyên gia của HSBC cho rằng việc chuyển sang niêm yết trên HOSE có thể giúp cổ phiếu MCH cải thiện tính thanh khoản, phù hợp năng lực vượt trội mà công ty đạt được trong nhiều năm qua.

Tại BSR, công ty đã nộp hồ sơ niêm yết tại HoSE từ ngày 21/8 vừa qua, đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 31,004 tỷ đồng. BSR đã chuẩn bị cho việc niêm yết HoSE từ khá lâu, tuy nhiên trong giai đoạn 2020-2023 lại chưa thể thực hiện do mới đáp ứng đủ 8/9 tiêu chí (vốn điều lệ; được ĐHĐCĐ chấp thuận thông qua; thời gian niêm yết trên sàn UPCoM tối thiểu 2 năm; Kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi và ROE năm gần nhất trên 5%; có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ; cam kết của cổ đông nội bộ về nắm giữ cổ phiếu; không bị xử lý vi phạm trong thời gian 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết).

Mới đây, công ty đã giải quyết được tiêu chí cuối cùng sau khi xử lý được các khoản nợ quá hạn, liên quan đến công ty con là Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF).

Theo báo cáo tài chính, BSR đã tiến hành trích lập dự phòng toàn bộ đối với các khoản công nợ nêu trên đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các rủi ro đối với tình hình tài chính của công ty.

Giới phân tích cho rằng việc cổ phiếu BSR được niêm yết HoSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của công ty, tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn (cả trong và ngoài nước). Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng BSR đã đáp ứng các tiêu chí để được vào rổ chỉ số VN30 như điều kiện về tỷ lệ free – float, thanh khoản, khối lượng và giá trị giao dịch. Việc được niêm yết HoSE có thể hiện thực hoá việc này.

Nhiều doanh nghiệp lớn ngậm ngùi rời sàn

Bên cạnh niềm vui đón những tân binh, những ngôi sao mới, nhiều doanh nghiệp lớn, vang bóng 1 thời cũng phải ngậm ngùi nói lời chia tay với HoSE khi bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Nhiều cái tên quen thuộc như Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD), Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG), Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC),… đều phải nhận quyết định huỷ niêm yết bắt buộc và chuyển giao dịch sang hệ thống UPCoM.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc kinh doanh sa sút, thua lỗ liên tiếp 3 năm hoặc có tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Đối với Nước giải khát Chương Dương, Thép Pomina, HAGL Agrico, việc bị huỷ niêm yết dường như đã nằm trong dự liệu của ban lãnh đạo và cổ đông, khi kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên. Các công ty này hiện đang trong quá trình tái cơ cấu để vực dậy tình hình kinh doanh, tuy nhiên kết quả của quá trình không thể đến ngay.

Đại diện một công ty kiểm toán lớn cho biết, đối với một số doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu như HAGL Agrico, cổ đông cần có cái nhìn dài hạn, phải chấp nhận việc huỷ niêm yết vì câu chuyện đầu tư về nông nghiệp không thể trong một sớm một chiều, lợi nhuận không thể ghi nhận ngay.

Còn đối với HBC, việc công ty phải rời sàn gây khá nhiều bất ngờ với cổ đông và với chính ban lãnh đạo. Nguyên nhân huỷ niêm yết được đưa ra do HBC có tổng lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.

Trước quyết định này của HoSE, HBC từng không đồng ý với các căn cứ mà HoSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của công ty này và đưa ra những cơ sở mong HoSE xem xét và cân nhắc.

Dẫu vậy, HBC vẫn không tránh được việc phải đưa cổ phiếu xuống giao dịch tại hệ thống UPCoM. Ban lãnh đạo cũng đưa ra cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi giao dịch tại UPCoM, tính minh bạch của công ty sẽ ít hơn khi các công ty đại chúng giao dịch trên UPCoM sẽ ít có trách nhiệm theo quy định phải báo cáo và công bố thông tin hơn trên các sàn HoSE và HNX.

Các nhà đầu tư lớn đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức hay định chế tài chính sẽ hạn chế giao dịch cổ phiếu ở UPCoM, kể cả những công ty tốt và tiềm năng. Điều này sẽ hạn chế việc tiếp cận với dòng tiền lớn. Bên cạnh đó, biên độ giao dịch 15% và tính thanh khoản thấp trên UPCoM sẽ đem đến nhiều rủi ro hơn là lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Masan Consumer chuẩn bị ‘chuyển nhà’ sang HoSE

Masan Consumer chuẩn bị ‘chuyển nhà’ sang HoSE

Tài chính
(VNF) - Ngày 2/10, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH) công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ sàn UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Cùng chuyên mục
Tin khác