‘Nâng hạng là gia vị thêm vào TTCK, không phải món chính’

Thu An - 17/10/2024 11:30 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia đánh giá giai đoạn 6 tháng cho tới 1 năm trước khi được nâng hạng là thời điểm "vàng" cho tất cả thành viên trên thị trường. Tuy nhiên, nâng hạng chỉ là gia vị thêm vào thị trường, món chính vẫn là sự phát triển vĩ mô, chất lượng doanh nghiệp, chất lượng quản trị và sự đa dạng của sản phẩm.

Thời điểm “vàng” cho tất cả thành viên thị trường

Trong kỳ đánh giá tháng 10/2024 vừa qua, FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng, kèm theo đánh giá rằng việc duy trì tốc độ cải thiện là điều cần thiết nếu Việt Nam muốn được nâng hạng vào năm 2025. Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhận định kết quả này không gây nhiều bất ngờ cho giới đầu tư.

"Mặc dù Việt Nam chưa được đưa vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, nhưng những đánh giá ngắn gọn từ FTSE cho thấy họ đã ghi nhận sự cải thiện, đặc biệt là nỗ lực của các nhà quản lý trong việc điều chỉnh chính sách để khắc phục những điểm mà FTSE đã nhấn mạnh trước đó. Chúng tôi cho rằng kỳ đánh giá vào tháng 3/2025, và quan trọng hơn là tháng 9/2025, sẽ là cơ hội lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam để được nâng hạng thành thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE," ông Long chia sẻ.

Ông Trần Thăng Long và ông Nguyễn Duy Anh tại Talkshow Phố Tài chính

Như vậy, từ nay đến kỳ đánh giá tiếp theo của FTSE, Việt Nam có khoảng 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị. Ông Trần Thăng Long gọi đây là thời điểm “vàng” cho tất cả các thành viên trên thị trường nắm bắt cơ hội sắp tới. Đối với cơ quan quản lý, đây là thời gian để đánh giá và điều chỉnh các chính sách theo hướng minh bạch hơn, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài như công bằng trong việc tiếp cận thông tin và chính sách.

Với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường như công ty chứng khoán hay quản lý quỹ, giai đoạn sắp tới được dự báo sẽ rất quan trọng khi thị trường có khả năng bùng nổ về quy mô. Ông Long cho rằng các tổ chức này cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nền tảng kỹ thuật và vốn để đáp ứng nhu cầu và cạnh tranh trong thời gian tới.

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, đây sẽ là cơ hội quý giá khi quốc gia được nâng hạng. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội thu hút cổ đông chất lượng hơn và gia tăng khả năng huy động vốn. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân, ông Long nhấn mạnh sự cần thiết trong việc theo dõi sát sao các biến động của thị trường qua chỉ số và thanh khoản để tìm kiếm cơ hội đầu tư trước khi dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), cũng nhận định rằng đây là giai đoạn “vàng” để đầu tư, đón trước dòng vốn mới trước khi cổ phiếu được định giá ở một mức khác.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức, ông Duy Anh cho biết VCBF không cần phải chuẩn bị quá nhiều vì mục tiêu của họ luôn là tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt, mua và nắm giữ, một nguyên tắc mà công ty này đã thực hiện từ lâu. Ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân không nên giao dịch quá nhiều, mà nên tập trung vào việc nắm giữ cổ phiếu tốt, chờ đợi chúng tăng trưởng.

Nâng hạng là gia vị, không phải món chính

Dù việc chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán đang được thúc đẩy đối với tất cả các thành viên, đại diện BSC cho rằng “nâng hạng chỉ là gia vị thêm vào thị trường; món chính vẫn là sự phát triển vĩ mô, chất lượng doanh nghiệp, chất lượng quản trị và sự đa dạng của sản phẩm trên thị trường.”

Tuy nhiên, khi một quốc gia được nâng hạng theo hệ thống của FTSE hay MSCI, sẽ có hai thay đổi chính mà thị trường có thể nhận thấy ngay. Thứ nhất, các quỹ ETF và quỹ đầu tư thụ động theo chỉ số FTSE sẽ bắt đầu phân bổ vốn, bao gồm cả vào thị trường Việt Nam. Phần lớn các chỉ số này bao gồm những cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản cao, thường nằm trong danh sách VN30.

Thứ hai, các ngành có tiềm năng tăng trưởng dài hạn như chứng khoán, ngân hàng, công nghệ thông tin, tiêu dùng bán lẻ, logistics và khu công nghiệp sẽ thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mức độ quan tâm này dự kiến sẽ tăng mạnh khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.

Tuy vậy, đại diện BSC lưu ý rằng việc nâng hạng chỉ là nửa đầu của câu chuyện. Nửa còn lại là thị trường sẽ phản ứng thế nào sau khi nâng hạng. "Có những quốc gia sau khi được nâng hạng một thời gian lại không duy trì được các tiêu chí của thị trường mới nổi và bị giáng hạng xuống cận biên, hoặc thậm chí bị loại khỏi hệ thống, gây ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực liên tục từ tất cả các thành viên của thị trường, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến các tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán sau khi được nâng hạng," ông Trần Thăng Long nhấn mạnh.

VinaCapital: TTCK Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng vào năm 2026

VinaCapital: TTCK Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng vào năm 2026

Tài chính
(VNF) - Chuyên gia VinaCapital cho rằng Việt Nam sẽ được FTSE và MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi lần lượt vào năm 2025 và 2026.
Cùng chuyên mục
Tin khác