'Chưa trả hết món nợ hạ tầng và nhân lực, đừng ảo tưởng đi ngay vào kinh tế số'
Kỳ Thư -
01/11/2023 23:02 (GMT+7)
(VNF) - Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Khi nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu”.
Phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2023, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. HCM) nhấn mạnh thực trạng yếu kém cơ sở hạ tầng và nhân lực, cần phải đột phá mới có thể đi đến nền kinh tế số.
Theo ông Nghĩa, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về thực hiện Nghị quyết 31 những nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai trên thực tế trong giai đoạn 2021-2023 chưa nhiều, do đó chưa mang lại những thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng.
“Việt Nam phải thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, gia công với lao động giá rẻ và có thứ hạng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, ông Nghĩa bày tỏ lo ngại, trong nỗ lực đồng hành với thế giới về nền kinh tế số và xã hội số, 3 lĩnh vực thể chế, hạ tầng và nhân lực có nhiều nội dung, nhiều bộ phận của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0 chúng ta vẫn chưa có.
“Chúng ta vẫn chưa có thể chế hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa, bởi vì chúng ta chưa hoàn thành công nghiệp hóa đất nước, ngay cả ở những đô thị lớn của đất nước. Chúng ta còn phải thanh toán những món nợ của cuộc cách mạng công nghiệp 2.0, còn cách mạng 3.0 diễn ra trên thế giới từ nửa thế kỷ nay thì chúng ta cũng vừa mới bắt đầu 10 năm nay”, ông Nghĩa nêu.
Và trong 'nỗ lực xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số và xã hội công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải thanh toán những món nợ về thể chế, hạ tầng và nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu. Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta dự định xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0 mà bỏ qua những bước phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của một quốc gia công nghiệp hóa”.
Sự thiếu vắng, yếu kém và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế hạ tầng và nhân lực của những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ cản trở, làm chậm bước và thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội 4.0.
Vì thế, “nếu không có chuyển biến đột phá và đồng bộ trong công cuộc đổi mới... e rằng tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng và khát vọng vẫn mãi là khát vọng mà thôi”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.