Tài chính quốc tế

Cổ phiếu công nghệ: Còn đâu ánh hào quang?

(VNF) - Với mức tăng tính bằng lần, không khoa trương khi nói cổ phiếu công nghệ là những “đứa con cưng” của đại dịch Covid-19. Nhưng đến năm 2022, thị trường bất ổn đã khiến cổ phiếu nhóm ngành này đối mặt với sự sụt giá thê thảm, mất dần đi ánh hào quang và vị thế từng có.

Cổ phiếu công nghệ: Còn đâu ánh hào quang?

Toả sáng rực rỡ

Kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2019, trong khi hầu hết các nền kinh tế và thị trường chứng khoán trở nên ảm đạm, nhóm cổ phiếu công nghệ bỗng trở thành điểm sáng nhờ nhu cầu về thiết bị kết nối mạng và dịch vụ điện toán đám mây bùng nổ, đặc biệt trong năm 2021.

Theo CNBC, 6 công ty công nghệ lớn nhất thế giới có vốn hoá hơn 1.000 tỷ USD, bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Tesla, Meta, đã ghi nhận những mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Cả Apple và Microsoft đều tiến gần tới mức vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD, trong khi Tesla và công ty mẹ của Facebook là Meta đều lần đầu tiên đạt mốc 1.000 tỷ USD.

Trong năm phát triển đỉnh điểm này, cổ phiếu của Alphabet tăng tới 65%, của Microsoft tăng vọt 50%, của công ty xe điện Tesla tăng 46%, trong khi “táo khuyết” Apple cũng chứng kiến mức tăng tới 30%.

Về vốn hoá thị trường trong năm 2021, tính đến ngày 23/12, tổng mức tăng vốn hoá của Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Tesla và Meta là gần 3.000 tỷ USD, theo dữ liệu FactSet tổng hợp. Trong đó, Microsoft chứng kiến thị giá tăng “thần tốc” 50% giá trị, tương đương 800 tỷ USD, bằng với mức tăng vốn hoá của Alphabet. Apple cũng có tổng vốn hoá tăng 700 tỷ USD trong năm ngoái nhờ cổ phiếu công nghệ phát triển mạnh.

Bên cạnh những tên tuổi “cộm cán” trong làng công nghệ vốn hóa lớn, nhiều công ty có quy mô nhỏ hơn như công ty khởi nghiệp về ứng dụng công nghệ vào các loại máy tập thể dục tại nhà Peloton, nhà bán lẻ hàng gia dụng trực tuyến Wayfair, Shopify, Zoom hay Netflix đều có những mức tăng trưởng mạnh mẽ và đạt được những thành công ngoài sức tưởng tượng trong vài năm qua. Đặc biệt với nhà cung cấp ứng dụng nhóm họp trực tuyến Zoom, doanh thu công ty đã tăng 326% vào năm 2020 lên 2,6 tỷ USD, trong khi lợi nhuận cũng tăng vọt 672 triệu USD, từ mức chỉ 22 triệu USD vào năm 2019.

Sao đổi ngôi

Vị thế tưởng chừng như “bất khả chiến bại” của các cổ phiếu nhóm ngành công nghệ cuối cùng đã bị phá vỡ vào năm 2022, khi nền kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn hơn bao giờ hết do nhiều yếu tố như chiến sự tại Ukraine, lạm phát tăng cao, việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các thị trường lớn… khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang và dẫn tới nhiều đợt bán tháo.

Thực chất, các nhà đầu tư đã bán phá giá cổ phiếu công nghệ kể từ cuối năm 2021 do tỷ lệ lạm phát tăng khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất, tác động tới các công ty phát triển mạnh trong thời kỳ bùng nổ. Quả thực, tính từ đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2022, Fed đã thực hiện 5 lần tăng tỷ lệ lãi suất liên tiếp, lần gần nhất là vào tháng 9 với mức tăng 0,75%, đưa lãi suất liên bang lên phạm vi 3 – 3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Lãi suất tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên cao và đồng USD cũng mạnh hơn, khiến các sản phẩm của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn ở các quốc gia khác, làm tổn hại đến các công ty công nghệ nặng về xuất khẩu.

Ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của Cresset Capital, chia sẻ với CNBC: “Đây là một đòn giáng có một không hai cho công nghệ. Đồng USD mạnh và lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cao không giúp ích gì cho ngành công nghệ”.

Từ đầu năm đến hết ngày 13/6, vốn hoá thị trường của Microsoft và nhóm cổ phiếu FAANG (từ viết tắt đại diện cho 5 cổ phiếu công nghệ phổ biến nhất và hoạt động tốt nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ, bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google Alphabet) đã giảm tổng cộng 3.328 tỷ USD.

Trong đó, nhà sản xuất iPhone, với mức sụt giảm 778 tỷ USD (tương đương 25,7% thị giá), là công ty thua lỗ nhiều nhất, theo sau là Microsoft với mức sụt giảm 713 tỷ USD (tương đương 28% thị giá). Tương tự, Amazon và Alphabet đã đạt được mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD vào đầu năm, nhưng nhanh chóng trượt khỏi cột mốc này với các mức giảm lần lượt là 636,22 tỷ USD và 517,63 tỷ USD.

Con số hơn 3.300 tỷ USD chiếm 1/3 trong tổng số 9.000 tỷ USD sụt giảm thị giá trong vòng chưa đầy 6 tháng đầu năm tại thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới. Khoản lỗ này cũng tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một số nền kinh tế hàng đầu, ví dụ như Anh (GDP là 3.188 tỷ USD vào năm 2021), Ấn Độ (GDP đạt 3.174 tỷ USD)

Tính tới hết quý III/2022, cổ phiếu của Apple giảm tới 24%, Amazon và Alphabet cùng giảm 33%, Microsoft giảm 30%, riêng cổ phiếu Meta ghi nhận mức giảm 59% và Netflix giảm gần 61%.

Tính tới hết quý III/2022, cổ phiếu của Apple giảm tới 24%

Với tình trạng cổ phiếu và kết quả kinh doanh không mấy khả quan, nhiều công ty công nghệ đã chuyển qua giai đoạn cắt giảm chi phí hoặc đóng băng tuyển dụng như Tesla, Alphabet, Meta hay Amazon.

Không chỉ bị “vùi dập” bởi tình hình kinh tế ảm đạm, các vấn đề về nguồn cung chip bán dẫn, tác động từ chiến sự Ukraine và chính sách “zero-Covid” (không Covid) của Trung Quốc, một trong những thị trường công nghệ hàng đầu thế giới, cũng khiến triển vọng sản xuất và kinh doanh của các công ty công nghệ tối đi đáng kể. Mới đây nhất, sau khi Mỹ công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhằm “bỏ rơi” Bắc Kinh trên chặng đua tiến bộ kỹ thuật, thị trường cổ phiếu công nghệ lại tiếp tục chứng kiến thêm một đợt bán tháo từ các nhà đầu tư.

Còn đâu ánh hào quang?

Nhìn chung, nếu chỉ xem xét sự phát triển của cổ phiếu công nghệ kể từ năm 2019, nhà đầu tư sẽ dễ dàng nản chí khi thấy thị trường công nghệ “đỏ lửa” sau quãng thời gian cao đỉnh điểm. Tuy nhiên, khi xem xét cả quá trình dài từ trước sự phát triển bùng nổ trong đại dịch, có thể nhận thấy các cổ phiếu trong ngành hầu hết vẫn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung. Chỉ số chứng khoán công nghệ vẫn tăng 72% trong ba năm qua và truyền thông tăng 21%, trong khi thị trường nhìn chung tăng 40%.

Sau 3 quý liên tiếp với nhiều đợt bán tháo, nhiều chuyên gia dự báo quý IV/2022 sẽ không thể “cứu vãn” một năm tệ hại với nhóm ngành công nghệ. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường này sẽ tiếp tục ảm đạm ít nhất là cho đến hết năm nay, mặc dù vẫn sẽ có một số điểm sáng sau khi các công ty công bố báo cáo tình hình kinh doanh quý III.

Sự sụt giảm đột ngột đối với các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao, thường được coi là được định giá quá cao ở mức đỉnh thị trường vào cuối năm 2021, cũng khiến một số nhà bình luận lo ngại về một sự cố tương tự như thảm hoạ “bong bóng Dotcom” xảy ra năm 1999 – 2000, khi hàng loạt cổ phiếu của các công ty công nghệ cao bị đầu cơ quá mức dẫn đến sụp đổ.

Tuy nhiên, theo CEO Ralph Hamers của UBS và Chủ tịch Axel Lehmann của ngân hàng Credit Suisse, mặc dù thị trường hiện tại có điểm tương đồng với bong bóng Dotcom hơn 20 năm trước, nhưng thực chất, các công ty trong lĩnh vực này vẫn giữ được sự ổn định và có lợi nhuận, chứ không dễ bị sụp đổ như trước kia.

“Nhiều công ty có thể sẽ biến mất, nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng xu hướng phát triển của công nghệ cũng không còn, bởi công nghệ và số hóa là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt trong các mô hình kinh doanh mới. Đây là những chủ đề chính mà với tư cách là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tất cả chúng ta cần phải hết sức lưu tâm”, Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann nói về động lực tăng trưởng của các công ty công nghệ và cổ phiếu nhóm ngành này trong tương lai.

Tin mới lên