'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Trong quý III, sản lượng bán hàng của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đạt khoảng 275.000 tấn sản phẩm, sản lượng xuất khẩu đạt 224.000 tấn, lần lượt tăng 32% và 128% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng xuất khẩu tăng là do nhu cầu ở thị trường nội địa sụt giảm trước ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong tháng 7 và tháng 8. Cuối quý III, châu Âu và Bắc Mỹ trở thành thị trường trọng điểm của NKG, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng bán hàng.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lợi nhuận của NKG ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ tăng trong quý IV nhờ biến động giá thép và năng lượng có lợi. Chi phí sản xuất thép ở châu Âu đang tăng lên do giá năng lượng cao vì thiếu khí đốt. Điều này khiến các nhà sản xuất thép châu Âu như ArcelorMittal và British Steel áp mức phụ phí năng lượng tạm thời lần lượt là 58 USD và 34 USD cho mỗi tấn thép.
Cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ tiếp tục ở khu vực này do nhu cầu thường tăng vào mùa đông. Trong khi đó, giá HRC tại Bắc Mỹ vẫn giữ xu hướng tăng so với tháng trước, trong khi giá giảm nhẹ tại Việt Nam. Điều này khiến chênh lệch giá HRC giữa khu vực này và Việt Nam tăng từ 1.020 USD vào đầu tháng 7 lên 1.285 USD/tấn vào đầu tháng 10.
Với chi phí sản xuất cạnh tranh, NKG có thể đạt biên lợi nhuận gộp cao tại các thị trường này trong 2 - 3 quý tới.
Doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung vào thị trường nước ngoài trong quý IV do xuất khẩu mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn so với thị trường trong nước và cho phép NKG giảm thiểu rủi ro nợ khó đòi và giảm thời gian phải thu.
NKG sẽ duy trì tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng bán hàng ở mức 75 - 80% trong quý cuối năm 2021.
Trong khi đó, nhu cầu tôn mạ và ống thép trong nước được VDSC dự báo có thể phục hồi trong quý IV khi hoạt động xây dựng được phép tiếp tục trong tháng 10 tại miền Nam.
VDSC kỳ vọng sự phục hồi của doanh thu nội địa, vốn đã bắt đầu từ tháng 9, tiếp tục duy trì và sản lượng tiêu thụ nội địa có thể đạt 82.000 tấn trong quý IV, tăng 60% so với mức thấp điểm trong quý liền trước. Tổng sản lượng tiêu thụ trong quý IV dự kiến đạt 330.000 tấn, tăng 19 so với quý III.
Do đó, VDSC dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của NKG là 2.890 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận cao và dòng tiền dồi dào, công ty chứng khoán này kỳ vọng NKG có thể nâng mức chi trả cổ tức tiền mặt lên 1.000 đồng/cổ phiếu vào năm tới.
Sử dụng phương pháp định giá FCFF và PER, VDSC khuyến nghị mua đối với NKG, giá mục tiêu 62.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời 30% so với giá đóng cửa ngày 13/10.
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III khá tích cực với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.100 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và 398 tỷ đồng (tăng 42%).
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của QNS đạt 5.800 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) và 1.000 tỷ đồng (tăng 24%), tương ứng hoàn thành 72% và 91% kế hoạch cả năm.
Hai mảng kinh doanh chính của QNS là sữa đậu nành và sản phẩm từ đường đều ghi nhận tăng trưởng tốt, tuy nhiên mảng điện sinh khối vẫn gặp khó khi tiếp tục chịu ảnh hưởng từ Covid-19.
Cụ thể, mảng sữa đậu nành có sản lượng tiêu thụ đạt 210 triệu lít trong 9 tháng đầu năm, tăng 8% so với cùng giai đoạn năm ngoái. Trong đó, riêng quý III có mức tăng trưởng 12% so với cùng kỳ nhưng cũng cần lưu ý rằng quý III/2020 là mức nền so sánh khá thấp.
Nhìn lại năm trước, các hoạt động giãn cách xã hội tại miền Trung trong tháng 8-9 đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh số sữa đậu nành của QNS. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đã có các giải pháp thúc đẩy hiệu quả, năm nay, doanh thu và tỷ trọng thị phần của QNS đã cải thiện rõ rệt. Ước tính hiện thị phần của doanh nghiệp ngành đường này đã tăng lên 91% trong tháng 8/2021, trong khi tại thời điểm cuối năm 2020 là 87%.
Gộp 3 quý đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế mảng sữa đậu nành đạt 3.240 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và 700 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ).
Đối với mảng sản phẩm từ đường, sản lượng tiêu thụ đạt 84.000 tấn trong 9 tháng, tăng trưởng 17% cùng kỳ. Đồng thời, giá bán trung bình cũng khá lạc quan với mức tăng 38% so với năm trước và tăng 18% so với quý liền kề.
Mới đây, nhà máy đường RE đã đi vào hoạt động trong tháng 7, nhưng sản lượng trong quý III của QNS vẫn ở mức thấp so với đường RS. Với sự có mặt của nhà máy mới, QNS đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 20.000 tấn đường thô từ Úc để sản xuất đường RE trong tháng 12.
9 tháng, mảng đường đem về doanh thu thuần 1.320 tỷ đồng, tăng trưởng 62% cùng kỳ; đặc biệt đã có lãi trước thuế 230 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ 67 tỷ đồng năm ngoái.
Mảng điện sinh khối tiếp tục thua lỗ trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên mức lỗ đã giảm bớt (từ 38 tỷ đồng còn 25 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh thu các sản phẩm khác (bánh kẹo, bia và nước khoáng) tiếp tục giảm từ 5 - 10% tại quý III do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI (SSI), lợi nhuận năm 2021 của QNS đạt 1.330 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang năm 2022, công ty chứng khoán này ước tính doanh thu của QNS đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.660 tỷ đồng, tăng trưởng 25%.
Trên thị trường, hiện cổ phiếu QNS đang giao dịch với hệ số P/E dự phóng 2021 - 2022 lần lượt là 11,4 lần và 9,1 lần. Áp dụng P/E mục tiêu là 9 lần cho mảng đường và 12 lần cho các mảng khác, và chuyển sang sử dụng EPS dự kiến năm 2022 để định giá, SSI đưa ra giá mục tiêu là 60.800 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 17% so với giá đóng cửa ngày 13/10) dành cho QNS cùng với khuyến nghị mua.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, năm 2021, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HoSE: HDC) đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 320 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.
Doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức ở mức 15 - 20% bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, HDC cũng sẽ phát hành ESOP với tỷ lệ 5% số cổ phiếu đang lưu hành.
Trong diễn biến mới đây, HDC đã thông qua việc chuyển nhượng một phần dự án Đại Dương cho đối tác. Đây là dự án có quy mô 20 ha nằm cạnh bãi biển Vũng Tàu. HDC dự kiến chuyển nhượng 11 ha đất của dự án cho đối tác, trong khi doanh nghiệp giữ lại phần còn lại của dự án để tự phát triển.
Yuanta ước tính, việc chuyển nhượng sẽ mang lại khoản lợi nhuận đột biến cho HDC, khoảng 600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đối với dự án Sea Village, HDC đang thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 cho dự án và có thể xem xét chuyển nhượng dự án trong năm 2021. Còn ở dự án The Light City, trong quý I/2021 HDC đã nhận đặt cọc cho 250 sản phẩm (cuối năm 2020 đã nhận đặt cọc cho 150 sản phẩm), doanh nghiệp dự kiến sẽ mở bán chính thức dự án trong nửa cuối năm 2021.
Yuanta đánh giá tích cực triển vọng tăng trưởng của HDC năm 2021, cũng như các năm kế tiếp khi HDC sở hữu quỹ đất lớn tại thành phố Vũng Tàu và giá vốn các dự án của HDC rất rẻ do doanh nghiệp đã tích lũy được từ nhiều năm trước.
Yuanta cho rằng, thị trường bất động sản của thành phố Vũng Tàu sẽ được hưởng lợi nhờ các dự án hạ tầng đang/sắp được triển khai như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hay cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Công ty chứng khoán này dự phóng lợi nhuận sau thuế của HDC năm 2021 sẽ đạt 450 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 95% cùng kỳ.
Trên thị trường, mức Stock Rating của HDC ở mức 94 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của HDC đóng cửa tăng 6,5% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá đang rơi vào trạng thái quá mua cho thấy nhịp điều chỉnh có thể sẽ liên tục xuất hiện.
Ngoài ra, sức mạnh giá của HDC ở mức 96 điểm cho thấy rủi ro ngắn hạn của cổ phiếu này vẫn ở mức thấp và đà tăng ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư nắm giữ đối với cổ phiếu này.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.