Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 15/6: PLX, STB và TPB

Minh Tuệ - 15/06/2023 06:03 (GMT+7)

(VNF) - Dựa trên các yếu tố trên và những diễn biến gần đây, SSI chuyển cơ sở định giá sang giữa năm 2024 và nâng giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu TPB lên 24.300 đồng/cổ phiếu (từ 22.800 đồng), tương đương với P/B mục tiêu là 1,0x.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 15/6: PLX, STB và TPB.

PLX: VNDirect khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 45.600 đồng/cổ phiếu

Doanh thu quý I/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đi ngang so với cùng kỳ, đạt 67.432 tỷ đồng (tăng 0,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận gộp quý I/2023 tăng mạnh 28,1% so với cùng kỳ lên 3.559 tỷ đồng nhờ nguồn cung trong nước ổn định trở lại khi nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn hoạt động hết công suất, giúp PLX giảm thiểu các khoản chi phí đột biến liên quan đến việc tăng nguồn hàng nhập khẩu như trong quý I/2022.

Trong quý I/2023, chi phí bán hàng tăng 22,2% so với cùng kỳ lên 2.808 tỷ đồng do chi phí nhân viên cao hơn (tăng 27% so với cùng kỳ) và lợi nhuận tài chính thuần tăng 520% so với cùng kỳ lên 131 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tỷ giá cao hơn. Kết quả, PLX ghi nhận lợi nhuận ròng quý I/2023 đạt 620 tỷ đồng, tăng trưởng 154,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 17% dự phóng cả năm của Công ty chứng khoán VNDirect.

Vào ngày 7/4 vừa qua, PLX đã bán đấu giá toàn bộ 120 triệu cổ phần PGBank (PGB), tương đương 40% tổng cổ phần của ngân hàng với giá 21.400 đồng/cổ phiếu. Thương vụ thành công đồng nghĩa với việc PLX đã thoái vốn hoàn toàn khỏi PGB và thu về 2.568 tỷ đồng. VNDirect ước tính PLX ghi nhận xấp xỉ 680 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý II/2023, tương đương khoảng 14% lợi nhuận trước thuế của PLX trong năm 2023.

Công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng PLX sẽ phục hồi mạnh mẽ từ trong giai đoạn 2023-2025 với mức tăng trưởng kép lợi nhuận ròng đạt 46,1% nhờ: thị trường xăng dầu trong nước ổn định trở lại từ năm 2023 nhờ việc NMLD Nghi Sơn vận hành hết công suất và việc điều chỉnh phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý, giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như đã phát sinh trong năm 2022, và tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt tăng trưởng kép là 3% trong năm 2023-2025.

VNDirect tăng nhẹ dự phóng EPS năm 2023 lên 2,4%, nhưng hạ dự phóng EPS của PLX năm 2024-2025 xuống 4,4%/4,2% do: tăng lợi nhuận tài chính năm 2023 nhờ khoản lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn PGB và giảm dự phóng lợi nhuận từ liên doanh liên kết năm 2023-25 do không còn đóng góp của PGB kể từ quý II/2023.

Theo đó, giá mục tiêu theo phương pháp DCF của VNDirect giữ nguyên ở mức 45.600 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán cũng duy trì khuyến nghị khả quan với PLX. Động lực tăng giá là sản lượng tiêu thụ xăng dầu cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá chủ yếu đến từ sự gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong nước do sự cố có thể tái diễn tại NMLD Nghi Sơn.

STB: SSI từ khả quan lên mua, giá mục tiêu 1 năm là 34.500 đồng/cổ phiếu

Tiếp nối sự bùng nổ trong các quý trước, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) đạt lợi nhuận trước thuế gần 2,4 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ), nhờ thu nhập lãi ròng (NII) tăng 113% so với cùng kỳ trong quý I/2023 mặc dù tăng trưởng tín dụng yếu (tăng 2,2% so với đầu năm). NIM tăng lên 4,38% (tăng 210 điểm cơ bản so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong quý I của các hoạt động khác đều kém khả quan, bao gồm thu nhập phí (giảm 57,1% so với cùng kỳ), thu nhập từ kinh doanh ngoại hối (giảm 13,3% so với cùng kỳ) và thu nhập khác (giảm 94,6% so với cùng kỳ). Nợ xấu tăng (tăng 24,2 so với đầu năm), đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 1,19% trong quý I/2023. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân khác và Công ty chứng khoán SSI cho rằng tỷ lệ nợ xấu của STB vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo đánh giá của SSI, điều khiến STB khác biệt so với các ngân hàng tư nhân khác là tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm 23% so với đầu năm (tương đương 1,26 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, nợ xấu đã tăng 24,2% so với đầu năm lên 5,3 nghìn tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,19% từ 0,98% trong quý IV/2022. Mặc dù nợ xấu tăng mạnh nhưng ngân hàng không trích lập dự phòng tương ứng trong quý I/2023.

SSI cho rằng tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất huy động trong quý IV/2022 sẽ vẫn ảnh hưởng đến chi phí vốn của STB (nhưng không nhiều như quý I/2023). Lãi suất cho vay có thể sẽ giảm sau khi NHNN cắt giảm lãi suất điều hành và điều này được kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng trong thời gian tới.

SSI ước tính rằng 76,6% tổng tiền gửi của khách hàng trong quý IV/2022 sẽ được định lại lãi suất trong nửa cuối năm 2023 với mức lãi suất thấp hơn. Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng NIM của STB sẽ duy trì ổn định trong nửa cuối năm 2023.

Trong năm 2023, SSI điều chỉnh giảm 9,2% ước tính lợi nhuận trước thuế của STB xuống 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ) so với ước tính trước đây.

Sau khi trích lập hết khoản dự phòng VAMC (8,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và 6,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2023), SSI kỳ vọng LNTT của STB sẽ đạt 16 nghìn tỷ đồng (tăng 68,3% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng NII và NFI lần lượt là 14,1% và 8% so với cùng kỳ trong 2024.

Công ty không đưa ra bất kỳ ước tính nào về khoản lợi nhuận bất thường có thể xảy ra liên quan đến việc chuyển giao số lượng cổ phần này vào mô hình định giá đồng thời chuyển cơ sở định giá đến giữa năm 2024 và đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 34.500 đồng/cổ phiếu (từ 29.000 đồng/cổ phiếu), do áp dụng P/B mục tiêu là 1,3x (tăng từ 1,2x). SSI cũng nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu STB từ khả quan lên mua.

TPB: SSI khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu 1 năm 24.300 đồng/cổ phiếu

Trong quý I/2023, mặc dù tăng trưởng tín dụng khá tốt (5,8% so với cùng kỳ), tăng trưởng thu nhập phí thuần (NFI) cao (36,1% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm (-58,3% so với cùng kỳ) nhưng tăng trưởng LNTT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank; HoSE: TPB) chỉ đạt 8,7% so với cùng kỳ – đạt gần 1,77 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng hạn chế này là do NIM thu hẹp (giảm 20 điểm cơ bản so với quý trước), lãi suất huy động trung bình tăng mạnh (tăng 125 điểm cơ bản so với quý trước). Đáng chú ý, chất lượng tài sản suy yếu nhanh với nợ quá hạn tăng vọt lên 112% so với đầu năm. Riêng nợ Nhóm 2 và nợ xấu tăng lần lượt là 124,6% và 84% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,44% trong quý I/2023 (so với mức 0,84% trong quý IV/2022).

Mặc dù nhu cầu tín dụng chậm lại, TPB vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn kỳ vọng là 5,8% trong quý I/2023, đạt 193,3 nghìn tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ LDR thuần tăng lên 87,8% trong quý I/2023 (so với mức 85% trong quý IV/2022), với tổng mức huy động là 220 nghìn tỷ đồng (tăng 2,2% so với đầu năm). Trong quý I/2023, cho vay doanh nghiệp là động lực tăng trưởng tín dụng (+11,3% so với đầu năm lên 75 nghìn tỷ đồng).

Quý này, cho vay bán lẻ của TPB tăng trưởng chậm lại (tăng 4,4% so với đầu năm đạt 98 nghìn tỷ đồng), do lãi suất cho vay mua nhà vẫn neo ở mức cao làm cho nhu cầu vay vốn giảm. Bên cạnh đó, số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ 5,3% so với đầu năm xuống còn 20,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 10,6 % tổng tín dụng trong quý I/2023. Trái phiếu của các ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo chiếm lần lượt chiếm 46%, 19% và 13,4% tổng số dư trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý I/2023.

SSI không loại trừ khả năng ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu nợ theo TT 02 trong thời gian tới, việc này sẽ hỗ trợ TPB một phần trong việc giảm tỷ lệ hình thành nợ nhóm 2, trì hoãn sự tỷ lệ nợ xấu và giảm gánh nặng trích lập dự phòng cho năm 2023. Tuy nhiên, SSI cho rằng ngân hàng hiện sẽ cẩn trọng hơn trong việc phân loại nhóm khách hàng đủ điều kiện để tái cơ cấu trong thời gian tới nếu không thì việc trích lập dự phòng là lựa chọn tối ưu nhất đối với ngân hàng.

Trong năm 2023, TPB dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 8,2 nghìn tỷ đồng (tăng 4,8% so với cùng kỳ). SSI cho rằng NIM giảm (giảm 30 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và gánh nặng trích lập dự phòng (tăng 22% so với cùng kỳ) sẽ là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận cốt lõi năm 2023 của TPB giảm tốc. Sang năm 2024, với mức nền LNTT thấp, SSI dự phóng lợi nhuận trước thuế của TPB sẽ đạt 9 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng NII và NFI khá tốt lần lượt là 11,9% và 24,4% so với cùng kỳ trong đó phí dịch vụ thanh toán và thu nhập từ bancassurance được kỳ vọng sẽ phục hồi.

Dựa trên các yếu tố trên và những diễn biến gần đây, SSI chuyển cơ sở định giá sang giữa năm 2024 và nâng giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu TPB lên 24.300 đồng/cổ phiếu (từ 22.800 đồng), tương đương với P/B mục tiêu là 1,0x.

Do tỷ trọng cho vay cao đối với chủ đầu tư bất động sản (12%), cho vay mua nhà (18%) và trái phiếu doanh nghiệp (10,7%), SSI vẫn lo ngại chất lượng tài sản tiếp tục sụt giảm có thể kéo dài hơn dự kiến và gây cản trở việc phục hồi NIM. Vì vậy, SSI cho rằng TPB sẽ cân nhắc việc trích lập thêm dự phòng. Theo đó, SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TPB.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Cập nhật tiến độ tăng vốn của nhóm Big4 ngân hàng

Cập nhật tiến độ tăng vốn của nhóm Big4 ngân hàng

(VNF) - Chính phủ vừa cập nhật tiến độ tăng vốn điều lệ của nhóm Big4. Việc tăng vốn điều lệ của nhóm này so với nhóm tư nhân lại diễn ra với tốc độ tương đối chậm.

Trung Quốc bơm 42 tỷ USD giải cứu bất động sản, vẫn không ăn thua?

Trung Quốc bơm 42 tỷ USD giải cứu bất động sản, vẫn không ăn thua?

(VNF) - Gói giải cứu lớn chưa từng thấy lên tới gần 42 tỷ USD được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa đủ để có thể vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn đã khủng hoảng trong gần 3 năm.

Bốn trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán tại ngân hàng

Bốn trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán tại ngân hàng

(VNF) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó quy định rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán.

ĐBQH đề xuất đổi tên cao tốc 2 làn xe thành 'đường tốc độ cao'

ĐBQH đề xuất đổi tên cao tốc 2 làn xe thành 'đường tốc độ cao'

(VNF) - Để đảm bảo an toàn giao thông, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng phải đổi tên cao tốc phân kỳ nhằm tách biệt cách thức quản lý, tổ chức giao thông so với cao tốc đạt chuẩn.

Horizon của 'đại gia' Nguyễn Quốc Hiển: Lỗ triền miên, chậm trả nợ trái phiếu

Horizon của 'đại gia' Nguyễn Quốc Hiển: Lỗ triền miên, chậm trả nợ trái phiếu

(VNF) - 3 năm gần nhất, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Horizon liên tục báo lỗ, với số lỗ ngày một nghiêm trọng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: 11 chiếc đồng hồ của Trương Huệ Vân bị tạm giữ

Vụ Vạn Thịnh Phát: 11 chiếc đồng hồ của Trương Huệ Vân bị tạm giữ

(VNF) - Phần lớn các tài sản bị kê biên, phong tỏa, tạm giữ đều nhằm đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho các bị cáo ở giai đoạn 1 vụ án.

Đề nghị miễn, giảm phí nhân Ngày tiền mặt 2024

Đề nghị miễn, giảm phí nhân Ngày tiền mặt 2024

(VNF) - Để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị miễn, giảm phí dịch vụ, tặng quà, hoàn tiền… cho khách hàng khi mở thẻ, tài khoản thanh toán dịp Ngày không tiền mặt 2024.

Nợ chất cao, lãi nhỏ nhoi, Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện

Nợ chất cao, lãi nhỏ nhoi, Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện

(VNF) - Quyết định chuyển nhượng 2 nhà máy thuỷ điện được Quốc Cường Gia Lai đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa và doanh nghiệp vẫn đang dính líu nợ nần liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.

'Đùn đẩy trách nhiệm, vừa làm vừa nghe ngóng'... xác định giá đất bị tắc nghẽn

'Đùn đẩy trách nhiệm, vừa làm vừa nghe ngóng'... xác định giá đất bị tắc nghẽn

(VNF) - TP. HCM có gần 80.000 nền đất và căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận do cơ quan chức năng khó mời đơn vị tư vấn, thẩm định giá đất, gây ách tắc trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thất thu ngân sách và kéo theo nhiều hệ lụy.

Thù lao 1,4 tỷ/năm, vì sao Hoa hậu Ngọc Hân quyết rời ghế lãnh đạo Ninh Vân Bay?

Thù lao 1,4 tỷ/năm, vì sao Hoa hậu Ngọc Hân quyết rời ghế lãnh đạo Ninh Vân Bay?

(VNF) - Tại đơn từ nhiệm, bà Đặng Thị Ngọc Hân (Hoa hậu Ngọc Hân) cho biết, cô rời vị trí Phó tổng giám đốc Ninh Vân Bay để tập trung vào mục tiêu cá nhân khác.

Hoang lạnh khu biệt thự gần 400 tỷ cạnh bãi biển Hà Tĩnh

Hoang lạnh khu biệt thự gần 400 tỷ cạnh bãi biển Hà Tĩnh

(VNF) - Được đầu tư hơn 370 tỷ đồng trên diện tích đất cấp hơn 3,5 ha cạnh bãi biển Xuân Hải (Hà Tĩnh). Sau gần 5 năm triển khai, dự án Tổ hợp du lịch, khách sạn, nhà hàng và khu vui chơi giải trí biển Lộc Hà (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn chưa thể hoàn thành mà trở nên ngổn ngang, nhếch nhác bên bãi biển.