Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/11): NKG, VRE và NLG

Tân Mai - 16/11/2021 07:29 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 16/11, bao gồm NKG, VRE và NLG.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/11): NKG, VRE và NLG

Yuanta: Khuyến nghị quan sát đối với NKG

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, doanh thu thuần tăng 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái lên hơn 7.530 tỷ đồng.

Kết thúc quý III, "đại gia" ngành thép báo lãi trước thuế gần 706 tỷ đồng, cao hơn 7,7 lần con số đạt được năm ngoái. Khấu trừ thuế, lợi nhuận ròng mang về là 606 tỷ đồng, tăng 7,3 lần.

NKG cho biết doanh thu tăng là do doanh nghiệp đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Còn lợi nhuận tăng là nhờ sản lượng sản xuất cao hơn cùng kỳ, giúp chi phí sản xuất giảm và làm tăng biên lợi nhuận gộp.

Lũy kế 9 tháng, NKG ghi nhận doanh thu đạt 19.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.773 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,3 lần và 12,5 lần cùng giai đoạn năm trước. Với kết quả này, NKG đã vượt 21% kế hoạch doanh thu và vượt 195% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong quý III, NKG đã tăng mạnh sản lượng xuất khẩu (tăng 128% lên 224.000 tấn) do nhu cầu ở thị trường nội địa sụt giảm trước ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong tháng 7 và tháng 8. Thay vào đó, châu Âu và Bắc Mỹ trở thành thị trường trọng điểm của NKG, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng bán hàng.

Định giá cổ phiếu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) vừa duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu NKG do mức stock rating đang ở mức 95 điểm.

Đồng thời, đồ thị giá của NKG đóng cửa tăng 5,3% với khối lượng giao dịch vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Trong khi đó, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực và xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm cho nên Yuanta đánh giá đây chỉ là nhịp hồi phục ngắn hạn khi đồ thị giá chạm ngưỡng hỗ trợ 48.000 đồng/cổ phiếu.

Chính vì vậy, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn quan sát cổ phiếu NKG.

ACBS: Khuyến nghị mua VRE, giá mục tiêu 36.661 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, quý III vừa qua, Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) đã chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sóng Covid-19 thứ tư dài nhất và nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, dẫn đến việc giải ngân 925 tỷ đồng dưới hình thức miễn giảm tiền thuê để hỗ trợ khách thuê trong giai đoạn giãn cách xã hội và tạm thời đóng cửa các trung tâm thương mại (TTTM) trên toàn quốc kể từ cuối tháng 5. Trong đó, gồm 13 TTTM tại TP.HCM, 11 TTTM tại Hà Nội và một số TTTM ở các tỉnh thành khác.

Do đó, biên lợi nhuận gộp trong quý này giảm đáng kể xuống còn 17% so với 48% trong quý III/2020. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm xuống còn 787 tỷ đồng (giảm 55% cùng kỳ) và 24 tỷ đồng (giảm 96% cùng kỳ).

Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 11% cùng kỳ, còn hơn 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 15% cùng kỳ, xuống còn 1.200 tỷ đồng, tương đương khoảng một nửa kế hoạch công ty đề ra chủ yếu do gói hỗ trợ 1.349 tỷ đồng dưới hình thức miễn giảm tiền thuê so với mức 820 tỷ đồng chi trong 9 tháng đầu năm 2020.

ACBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của VRE lần lượt đạt 7.151 tỷ đồng và 1.855 tỷ đồng, giảm 14% và 22% so với năm ngoái, tương ứng với 79% và 74% kế hoạch.

ACBS kỳ vọng sự phục hồi trở lại vào năm 2022 nhờ VMM Smart City mở cửa toàn bộ, 2 VCP nói trên đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy bình quân tăng lên trên 85% với doanh thu ước tính đạt khoảng 8.800 tỷ đồng (tăng 23% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.748 tỷ đồng (tăng 48%).

Công ty chứng khoán này đưa ra giá mục tiêu vào cuối năm 2022 là 36.661 đồng/cổ phiếu và lặp lại khuyến nghị mua dành cho VRE với giả định doanh nghiệp sẽ tiếp tục đứng vững trong đại dịch với sức mạnh nội tại (thị phần dẫn đầu, tình hình tài chính tốt, sự hỗ trợ từ hệ sinh thái Vingroup) và các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng (thị trường bán lẻ trong nước phục hồi, sự mở rộng liên tục của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam và tỷ lệ tiêm chủng tăng lên).

BSC: Khuyến nghị khả quan dành cho NLG

Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) đã công bố kết quả kinh doanh quý III không đồng nhất. Trong khi doanh thu thuần giảm 76% so với cùng kỳ xuống 151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 815% cùng kỳ lên 295 tỷ đồng.

NLG cho biết, doanh thu giảm chủ yếu do giãn cách xã hội dẫn đến dự án Akari bản giao chậm tiến độ và không thể ghi nhận 1.549 tỷ đồng doanh thu trong quý III. Trong khi đó, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 562 tỷ đồng từ đánh giá lại dự án Southgate sau khi hợp nhất.

Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 787 tỷ đồng (giảm 59% cùng kỳ) do chậm bản giao dự án; lợi nhuận sau thuế đạt 709 tỷ đồng (tăng 241% cùng kỳ) chủ yếu nhờ hợp nhất dự án Southgate và lzumi.

Quý III, NLG đã bán tổng cộng 285 căn từ dự án Cần Thơ 45 và dự án Ehome Southgate với tổng giá trị hợp đồng gần 600 tỷ đồng. Việc mở bán Flora Mizuki MP9-10 sẽ dời lại sang quý IV/2021 do giãn cách xã hội ở TP. HCM.

9 tháng, NLG bán được 1.555 căn với tổng giá trị hơn 5.000 tỷ đồng. Dự kiến quý IV, NLG mở bán thêm các căn tại phân khu Southgate Rivera 2 và Aquaria, bên cạnh dự án mới lzumi City và Flora Mizuki MP9-10 như đã đề cập.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu NLG và cho rằng việc mặt bằng giá bán của các dự án tương lại tăng mạnh đã phản ánh phần nào vào giá cổ phiếu. Do đó, mức giá mục tiêu mà BSC đặt ra là 66.500 đồng/cổ phiếu, xấp xỉ thị giá ngày 15/11.

Năm 2021, BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của NLG lần lượt là 2.675 tỷ đồng và 1.027 tỷ đồng, tương ứng tăng 18% và 23% so với cùng kỳ. EPS dự phóng năm 2021 ở mức 2.975 tỷ đồng, P/E là 21,7 lần.

BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của NLG lần lượt ước đạt 4.422 tỷ đồng (tăng 68,5% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.227 tỷ đồng (tăng 20%).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.