Tài chính

Cổ phiếu phân bón: Sóng tăng chưa dứt?

(VNF) - Các doanh nghiệp phân bón được dự báo sẽ đón nhận nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực trong năm 2021.

Cổ phiếu phân bón: Sóng tăng chưa dứt?

Cổ phiếu phân bón: Sóng tăng chưa dứt?

2020 là một năm đáng nhớ với cổ phiếu ngành phân bón. Trong khi cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (sở hữu thương hiệu Đạm Phú Mỹ) tăng 58% thì cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (sở hữu thương hiệu Đạm Cà Mau) tăng 126%. Cổ phiếu BFC của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 70%.

Đối với cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, dù tình hình kinh doanh kém khả quan nhưng thị giá cổ phiếu vẫn ghi nhận mức tăng 17%.

Bên cạnh yếu tố "nước lên thuyền lên" khi dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, kết quả kinh doanh là yếu tố cốt lõi tạo ra "sóng tăng" mạnh mẽ của cổ phiếu phân bón trong năm 2020.

Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành phân bón đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 9 tháng năm 2020 do hưởng lợi từ các yếu tố trong nước và thế giới.

Theo đó, hai doanh nghiệp đầu ngành DPM và DCM được hưởng lợi trực tiếp từ diễn biến giá dầu FO thế giới năm 2020. Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại doanh nghiệp tốt cũng góp phần đẩy mạnh doanh thu tiêu thụ sản phẩm Urê tại thị trường nội địa (đối với DPM, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái), duy trì thị phần trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu phân Urê hạt đục (đối với DCM, tăng 7,3%).

BFC là doanh nghiệp hưởng lợi gián tiếp thông qua sự giảm giá các loại phân đơn đầu vào năm 2020. Biên lợi nhuận gộp của BFC cũng được cải thiện đáng kể, mang lại lợi nhuận kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh gay gắt trong mảng phân NPK do có sự gia nhập của các đối thủ lớn như DPM và DCM đã khiến doanh thu tiêu thụ sản phẩm của BFC giảm 13,3% trong năm 2020.

Đối với LAS, tình hình kinh doanh kém khả quan cùng với chi phí cố định không thể tiết giảm đã ăn mòn hết lợi nhuận trong 9 tháng năm 2020. Do chất lượng sản phẩm không cao, LAS gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các loại sản phẩm NPK chất lượng cao khi ngày càng có nhiều đối thủ tham gia phân khúc NPK tại khu vực miền Bắc - thị trường chủ lực của LAS. Cùng với đó, phần chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không thể tiết giảm đã ăn mòn hết lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp này, khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2020 bị âm (-4,7 tỷ đồng).

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) trong báo cáo cập nhật ngành phân bón công bố mới đây, các doanh nghiệp phân bón được dự báo sẽ đón nhận nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực trong năm 2021.

Đầu tiên là yếu tố thời tiết được dự báo thuận lợi hơn, thúc đẩy canh tác nông nghiệp năm 2021.

Theo FPTS, hiện tượng khí hậu ENSO (El Nino Southern Oscillation) hiện đang ở giai đoạn La Nina. Chu kỳ La Nina đã bắt đầu duy trì tại khu vực Nino 3.4 từ giữa năm 2020 và mạnh dần về cuối năm.

La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh đi bất thường, dòng biển lạnh làm giảm nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua, gây mưa nhiều hơn. Hiện tượng La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng ba đến tháng sáu hằng năm và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau.

Dự báo hiện tượng La Nina năm nay sẽ duy trì trong những tháng cuối năm 2020 và kéo dài cho đến tháng 4-5/2021. Đây cũng là thời điểm diễn ra mùa khô tại các vùng miền trên cả nước, hiện tượng La Nina xuất hiện sẽ gây mưa nhiều hơn, giảm tác động của hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực phía Nam Việt Nam.

Từ tháng 5-6/2021, trạng thái trung tính được dự báo duy trì trở lại với xác xuất từ 65% - 66% và có khả năng kéo dài đến tháng 9-10/2021, sau khi cường độ La Nina yếu dần. Trạng thái trung tính kỳ vọng mang lại thời tiết thuận lợi cho hầu hết các khu vực canh tác nông nghiệp trên cả nước.

Với dự báo trên, diện tích canh tác nông nghiệp kỳ vọng gia tăng, thúc đẩy nhu cầu chăm bón cho cây trồng. Nhu cầu phân bón niên vụ 2020/2021 kỳ vọng cải thiện so với cùng kỳ năm trước, khi hiện tượng El Nino gây ra hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long trong niên vụ 2019/2020.

Yếu tố thuận lợi thứ hai là giá nông sản ở mức cao, tạo điều kiện thúc đẩy canh tác và nhu cầu chăm bón cho cây trồng

Năm 2020, giá các loại nông sản thế giới tăng mạnh, cho thấy nhu cầu tích trữ lương thực trong dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tính đến tháng 11/2020, giá lúa gạo thế giới đã tăng 33% so với tháng 1/2016 và tăng 16% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, ngô và đậu tương là loại ngũ cốc tăng giá mạnh nhất trong năm 2020, lần lượt tăng 14,5% và 33,1%.

Xu hướng tăng cường tích trữ lương thực trong dịch Covid-19 trên thế giới diễn ra ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco,… Trong khi đó, một số quốc gia xuất khẩu lương thực lớn tạm dừng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản: Ấn Độ (lúa gạo), Kazakhstan (lúa mì), Campuchia (lúa gạo),... Theo đó, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng lợi, đặc biệt là lúa gạo.

Giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất 5 năm trở lại đây. Tính đến đầu tháng 12/2020, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu đã tăng mạnh lên mức 516,25 USD/tấn, tăng 45,4% sau một năm và cao hơn 26,2% so với trung bình 5 năm gần nhất. Mức giá gạo hiện tại đang cao hơn so với mức giá 450 - 490 USD/tấn sản phẩm cùng loại của Thái Lan và 376 - 382 USD/tấn gạo đồ của Ấn Độ.

Giá gạo Việt Nam tăng cao là do triển vọng các đơn hàng mới từ Philippines, Trung Quốc và Malaysia, trong khi nhu cầu giảm khiến giá gạo Thái Lan giảm 7 tuần liên tiếp.

Theo Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa - tháng 11/2020 của World Bank, giá gạo thế giới năm 2021 dự kiến đạt mức trung bình 498 USD/tấn, cao hơn 21,8% so với mức trung bình 5 năm từ 2016 - 2020.

Lúa gạo là loại cây trồng có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu phân bón Việt Nam. Giá gạo ở mức cao giúp bà con nông dân có điều kiện gia tăng sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng. Với tình hình thời tiết năm 2021 dự báo thuận lợi sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.

Với những yếu tố thuận lợi nêu trên, cùng với tác động của dịch Covid-19 dần giảm bớt, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 được dự báo hồi phục trở lại. Theo AgroMonitor, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón trong năm 2021 dự kiến đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng đáng kể, đặc biệt là phân DAP (tăng 12%), phân lân (tăng 8,7%) và phân NPK (tăng 4,6%). Tiêu thụ phân Urê dự báo ổn định (tăng 0,5%), phân Kali (tăng 2,4%) và phân bón khác (tăng 10,3%).

Năm 2021, dự kiến tổng nhu cầu phân bón tại Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ hồi phục 4,6% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK và các chủng loại khác như phân lân, phân bón hữu cơ...

Nhu cầu phân bón dự kiến sẽ tăng trong năm 2021

Một yếu tố nữa cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngành phân bón là thay đổi về chính sách thuế.

Từ năm 2015 đến nay, phân bón được chuyển từ diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang không chịu thuế GTGT theo Luật 71/2014/QH13 đã tạo ra những khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Việc thay đổi chính sách thuế này khiến các doanh nghiệp sản xuất nội địa không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất. Điều này đã tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam với lợi thế cạnh tranh cao hơn sản phẩm nội địa.

Ngày 28/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 159/NQ-CP thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón. Theo đó, mặt hàng phân bón có thể được chuyển từ diện không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Nghị quyết nếu được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, trong kỳ họp thứ 10 diễn ra trong tháng 11/2020, Quốc hội khóa 14 vẫn chưa thông qua Nghị quyết này do có ý kiến cho rằng việc chuyển mặt hàng phân bón sang diện chịu thuế GTGT 5% sẽ gây thêm khó khăn cho người nông dân trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn chưa được dập tắt.

Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa tiếp tục phảivtính phần thuế GTGT đầu vào vào giá thành sản xuất, cho đến khi Nghị quyết trên được Quốc hội thông qua. Theo nhận định của FPTS, vẫn có nhiều khả năng Nghị quyết về thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón tiếp tục được trình Quốc hội vào các kỳ họp tới trong năm 2021.

Tin mới lên