Còn 91 doanh nghiệp nợ cổ phần hóa trong năm 2020

Thùy Dương - 17/01/2021 20:34 (GMT+7)

Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016-2020, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

VNF
Giai đoạn 2016-2020, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho rằng để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước thì cần tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách hiện hành để kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập, nhằm kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới doanh nghiệp, cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước...

Theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, việc ban hành Nghị định số 150/2020/NĐ-CP về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai trong các năm tới.

Nghị định số 150/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành với nhiều điểm mới, quy định rõ về nhiều vấn đề quan trọng như xử lý tài chính, xác định giá trị, quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi... sẽ gỡ vướng cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình chuyển đổi.

Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016-2020, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 là 128 doanh nghiệp. Lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng.

Nhưng trong 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Riêng trong năm 2020, còn 91 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa. Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp còn chậm.

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là Hà Nội 13 doanh nghiệp, TP HCM 38 doanh nghiệp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 6 doanh nghiệp, Bộ Công Thương 4 doanh nghiệp…

Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa còn chậm là do một số cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo đầy đủ thủ tục, cơ sở pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn, do đó việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.

Bên cạnh đó, qua thực tế triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho thấy đa số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước không chủ động triển khai các chính sách của nhà nước, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ.

Trong tổ chức thực hiện, phát sinh việc đơn vị triển khai không kịp thời theo tiến độ đề ra nhưng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa chậm, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn chưa được quan tâm nghiêm túc.

Theo Bnews
Cùng chuyên mục
Tin khác