Công nghiệp hàng không và điểm nhấn Long Thành

Yến Thanh - 17/11/2019 16:03 (GMT+7)

(VNF) - Sẽ chẳng thể có được một nền công nghiệp hàng không phát triển nếu không có hạ tầng hàng không hiện đại. Giờ đây, khi cuộc đua giữa các hàng hàng không đang được đốt nóng, vấn đề đầu tư hạ tầng hàng không cũng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết với điểm nhấn là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

VNF
Công nghiệp hàng không và điểm nhấn Long Thành.

Vì sao chọn ACV?

Đến dự họp Quốc hội kỳ này, trong “hành lý” của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể là bản báo cáo mới nhất về tình hình triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một trong những dự án hạ tầng quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13, Dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư các hạng mục chính bằng vốn của doanh nghiệp là có thể xem xét chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Do vậy, việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua.

Về tổng mức đầu tư, dự kiến cần nguồn vốn 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là 4,782 tỷ USD). Theo Bộ trưởng Thể, dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Dự án.

Về phương án huy động vốn, theo tính toán, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng. Trong đó, về vốn chủ sở hữu, đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019 - 2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Số vốn còn lại, ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD. Vừa qua, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính quan tâm đến Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 để thu xếp phần vốn huy động. Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5 - 5,5%/năm. Bên cạnh đó, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. “Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của Dự án“, ông Thể nói.

Ngoài ACV, một số hạng mục khác sẽ do Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) huy động là 3.225 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của VATM đã cân đối được khoảng 2.125 tỷ đồng; vốn vay thương mại của ngân hàng trong nước khoảng 1.100 tỷ đồng, với lãi suất tính toán dự kiến là 11%/năm.

Với các lý do trên, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình duyệt, trong đó quan trọng nhất là chấp thuận hình thức đầu tư CHKQT Long Thành với vai trò chủ đạo là của ACV.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Mặc dù Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể rất tự tin với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại đang tỏ ra lo lắng. Theo báo cáo Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án,

Ủy ban Kinh tế cho rằng, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 4,779 tỷ USD, tương đương 111.689 tỷ đồng, tuy nhiên nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư Dự án. HĐTĐ cũng đề xuất, do Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, HĐTĐ sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Dự án. Như vậy, tính chính xác của tổng mức đầu tư dự án chưa thể được bảo đảm.

Ủy ban cho biết, cũng có ý kiến cho rằng, cơ cấu tổng mức đầu tư cần tính toán đầy đủ các hạng mục của dự án để thuận lợi cho quá trình thanh quyết toán dự án, tuy nhiên, hạng mục 4b của Dự án là các công trình dịch vụ theo quy hoạch được đầu tư để hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động tại cảng nhưng chưa được đưa vào tổng mức đầu tư, do vậy, sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện và thanh quyết toán sau này.

Trong khi đó, về hình thức đầu tư, hiện giai đoạn 1 được phân thành 4 nhóm hạng mục đầu tư. Theo đề nghị của Chính phủ, đối với các hạng mục trên, chủ yếu giao các doanh nghiệp gồm ACV và VATM thực hiện. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự án Cảng HKQT Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Về phương án huy động vốn, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ; nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này không để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công. Mặt khác, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước. Đối với nguồn vốn của VATM cũng cần làm rõ hơn năng lực tài chính để thực hiện. Trong trường hợp sử dụng vốn của ACV và VATM, cần có ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về việc bố trí vốn của doanh nghiệp để thực hiện dự án này.

Cùng chuyên mục
Tin khác