Bất động sản

Công ty SDI sai phạm gì tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An?

(VNF) - Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận các vấn đề sai phạm tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI) làm chủ đầu tư.

Công ty SDI sai phạm gì tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An?

Bị Thanh tra Chính phủ 'điểm mặt', Công ty SDI sai phạm gì tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An?

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đôi với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. HCM.

Trong đó, nổi cộm lên là các vấn đề sai phạm tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI) làm chủ đầu tư.

Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. HCM có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khi chưa có văn bản chấp thuận độ cao tĩnh không, không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe cho khối nhà ở, nhà ở kết hợp chung cư kết hợp thương mại dịch vụ, để Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn chậm thực hiện việc ký quỹ.

Cùng với đó là chậm xử lý các tồn tại của dự án như đã nêu trong kết luận thanh tra, dẫn đến, chậm tính để thu tiền sử dụng đất theo quy định và chậm tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng,…

Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, sai phạm tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An là chủ đầu tư - Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI).

“Trách nhiệm để xảy ra những tồn  tại, khuyết điểm, sai phạm đối với khu đô thị thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án, các sở, ngành liên quan, UBND quận Bình Tân, quận 7 và UBND thành phố”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chi ra nhiều tồn tại, sai phạm tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An

Về kiến nghị xử lý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để về kinh tế, thu hồi các khoản thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm về trách nhiệm theo quy định của pháp luật liên quan đến các vi phạm trong việc quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng (như: khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện theo quy định, chậm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước,…) đã được nêu trong kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố kiểm tra, rà soát việc xác định giá đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, việc điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, khởi công công trình khi chưa được chấp thuận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước,...

Dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An từng nằm "bất động" hơn 2 thập kỷ 

Dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An được quy hoạch trên tổng diện tích 117 ha, được chia thành 2 khu vực, gồm: khu nhà ở 22 ha với 193 nền biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 block chung cư với 132 căn hộ cao cấp, 8 căn penthouse; khu liên hợp sân golf rộng 92 ha với các công trình khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ,…

Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư. An Phong Construction và Tường Việt là nhà thầu thi công dự án.

Theo tìm hiểu, khu đô thị Sài Gòn Bình An được UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Thương mại xây dựng sản xuất Thiên Hải cùng các công ty liên doanh khác để thực hiện dự án trên khu đất có tổng diện tích 120 ha nằm trên địa bàn phường An Phú vào tháng 1/1999.

Sau đó, dự án được các cơ quan chức năng chấp thuận thêm phần tiện ích sân golf An Phú dẫn đến phần diện tích dự án tăng lên 137 ha vào năm 2000.

Trên cơ sở này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất cho SDI Corp để thực hiện dự án tại Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 12/1/2001.

Thời điểm này, khu đô thị Sài Gòn Bình An có tên gọi là Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences).

Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tổng diện tích khu đất chỉ còn khoảng 117 ha theo Quyết định số 6296/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 30/11/2015.

Đến tháng 3/2021, sau hơn 20 năm triển khai, dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được khởi công.

Tiềm lực của chủ đầu tư thế nào?

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn được thành lập vào tháng 4/1999. Trụ sở chính tại số nhà A3, đường số 5, khu dân cư 10 ha, khu phố 3, phường An Phú, quận 2, TP. HCM.

Người đại diện theo pháp luật là Bùi Đức Khoa. Hoạt động chính của công ty này là đầu tư, xây dựng nhà các loại bao gồm sân golf, dịch vụ thể dục thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí, công viên nước, công viên cây xanh... Ngoài ra, công ty còn kinh doanh phát triển nhà ở.

Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn được thành lập năm 1999

Ngoài ra, ông Bùi Đức Khoa còn đại diện cho 5 doanh nghiệp, cụ thể: Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông, Công ty Cổ phần kinh doanh bất động sản Long Giang, Công ty Cổ phần Star Hill, Công ty Cổ phần Supreme Power và Công ty Cổ phần Natural Land.

Theo tài liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn không ghi nhuận doanh thu thuần. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2017 là 674 triệu đồng, năm 2018 lỗ 1,252 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, công ty lỗ 36,157 tỷ đồng.

Tháng 10/2019, Cục Thuế TP. HCM công bố danh sách công khai các doanh nghiệp nợ thuế có 1.159 doanh nghiệp với tổng số nợ trên 2.750 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu nợ thuế là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn nợ hơn 455,5 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất trên địa bàn, chiếm 16,5% tổng số nợ trên địa bàn đến kỳ này.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, tổng tài sản của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn năm 2016 là 18.062 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 3.843,2 tỷ đồng và nợ phải trả là 14.219 tỷ đồng.

Đến năm 2017, tổng tài sản của công ty là 24.007 tỷ đồng, tăng thêm 5.945 tỷ đồng. Mặc dù thời điểm này, công ty có vốn chủ sở hữu không có nhiều biến động (3.843,9 tỷ đồng) nhưng nợ phải trả của công ty tăng vọt lên 20.163 tỷ đồng (tăng 5.944 tỷ đồng).

Sang năm 2018, tổng tài sản của công ty 21.254 tỷ đồng và năm 2019 là 17.886 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu trong năm 2018 là 3.842,7 tỷ đồng và năm 2019 là 3.806,5 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty trong năm 2018 và 2019 lần lượt là 17.411 tỷ đồng và 14.079 tỷ đồng.

Cũng theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn còn có hệ sinh thái (công ty con và liên kết) là Công ty Cổ phần câu lạc bộ Gôn Sài Gòn. Công ty này bắt đầu thành lập vào ngày 9/4/2011, địa chỉ nằm tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.

Người đại diện theo phép luật là Nguyễn Thanh Hoàng. Đồng thời cũng là chủ tịch HĐQT của công ty. Ngành nghề kinh doanh chính là cho thuê thiết bị thể thao, vui chơi giải trí.

Cơ cấu chủ sở hữu, Nguyễn Việt Chi chiếm 0,17% (cá nhân), Công ty cổ phân đầu tư và phát triển Sài Gòn chiếm 99,5% (doanh nghiệp) và khác chiếm 0,33%.

Xem thêm: Bị truy thu thuế 138 tỷ, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam làm ăn thế nào?

Tin mới lên