Cuộc tổng đình công đe doạ chuỗi cung ứng chip, Samsung ‘xuống nước’
(VNF) - Samsung Electronics đã đồng ý nối lại đàm phán với Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) trong bối cảnh cuộc tổng đình công nguy cơ kéo dài sang tuần thứ ba.
Theo Samsung và đại diện công đoàn, các giám đốc điều hành của công ty lớn nhất Hàn Quốc sẽ họp với các nhà lãnh đạo công đoàn vào ngày 19/7 để thảo luận về khuôn khổ và lịch trình đàm phán tiền lương.
Đại diện Samsung Electronics xác nhận họ đã đề xuất nối lại đối thoại vô điều kiện và hy vọng cuộc đình công sẽ được giải quyết sớm nhất có thể.
Chuỗi các cuộc bãi công và biểu tình trong tháng này đánh dấu các cuộc biểu tình lao động lớn nhất và lan rộng nhất trong lịch sử nửa thế kỷ hoạt động của Samsung.
Công đoàn lớn nhất của Samsung, bao gồm hơn 30.000 thành viên, đã kêu gọi nhân viên đình công tại các nhà máy sản xuất chip nhớ AI tiên tiến cùng với các nhà máy khác xung quanh Seoul. Họ đã thay đổi chiến thuật sau khi chiến dịch đòi tăng lương có dấu hiệu mất đà.
Theo NSEU, hơn 6.540 công nhân đã tham gia vào các cuộc đình công khác nhau. Cho đến nay, những công nhân đình công đã tổ chức các cuộc biểu tình trước cổng nhà máy vào mỗi ngày, nhằm gửi một thông điệp đến “gã khổng lồ” công nghệ đã từ chối lắng nghe công nhân.
Công nhân trực thuộc NSEU lần đầu tiên phát động cuộc đình công vào ngày 8/7 tại nhà máy điện tử Samsung ở Hwaseong, cách Seoul 45km. NSEU phát động cuộc đình công để thúc đẩy yêu cầu tăng ít nhất 5,6% mức lương cơ bản cho tất cả công nhân, cải thiện tính minh bạch trong tiền lương và tiền bồi thường cho các thành viên đã hoặc đang tham gia đình công. Họ cũng yêu cầu một ngày nghỉ phép có lương hàng năm cho tất cả nhân viên vào ngày thành lập.
NSEU đã tham gia đàm phán với ban quản lý Samsung về những yêu cầu này kể từ tháng 1. Họ đã giảm yêu cầu tăng lương từ 6,5% xuống 5,6% để tìm kiếm tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, công ty vẫn giữ nguyên mức tăng lương hàng năm là 5,1% như đã thỏa thuận với một số công nhân trước đó. Một số vòng đàm phán đã được tổ chức trước khi công đoàn cuối cùng quyết định đình công vô thời hạn.
Mối lo ngại là việc đình công kéo dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng và gây tổn hại cho tập đoàn nổi tiếng nhất Hàn Quốc, hoặc gây ra những phản ứng tương tự trên toàn ngành công nghệ và chip đang phục hồi.
Dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu thị trường TrendForce cho thấy Samsung đang chiếm 45,5% thị trường chip DRAM toàn cầu và 36,6% thị trường bộ nhớ NAND Flash. Cả hai đều dẫn đầu trên thị trường nên tác động là không nhỏ.
Theo báo cáo của Chosun Ilbo, nếu cuộc đình công của NSEU kéo dài, ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ chứng kiến sự hỗn loạn về nguồn cung chip bán dẫn lần thứ hai, sau tình trạng thiếu chip xảy ra trong thời kỳ dịch bệnh.
Cho đến nay, Samsung đã phủ nhận rằng loạt cuộc đình công này có bất kỳ tác động nào đến hoạt động sản xuất của công ty, trái ngược với tuyên bố của công đoàn rằng hoạt động sản xuất đã bị gián đoạn.
Trong động thái liên quan, khoảng 60.000 thành viên của Công đoàn Công nhân Kim loại Hàn Quốc (KMWU) trực thuộc Tổng liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU) đã đình công kéo dài 8 giờ vào ngày 10/7, tờ The Korean Times đưa tin.
Cuộc đình công là một phần trong nỗ lực của công đoàn nhằm ủng hộ việc thông qua Đạo luật điều chỉnh Công đoàn và Lao động đang chờ Quốc hội thông qua. Nếu dự luật được thông qua, ban quản lý sẽ khó có thể yêu cầu bồi thường từ người lao động cho các hành động đình công.
Công nhân Samsung tổng đình công: Không chỉ là những ‘cơn nấc cụt’
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.