Đầu tư hai bến du thuyền hàng trăm tỷ đồng tại TP. HCM

Trần Lê - 05/09/2022 20:31 (GMT+7)

(VNF) - Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa thông tin về việc đầu tư phát triển, khai thác cảng hành khách trên các sông ở địa bàn, trong đó có 2 bến du thuyền tại Mũi Đèn Đỏ và khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

VNF
Du thuyền trên sông Sài Gòn tại TP. HCM (ảnh minh họa)

Bến du thuyền tại Mũi Đèn Đỏ

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng công trình bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7), khu bến tàu khách quốc tế có chiều dài cầu bến 600m, rộng 22m, cao độ 2,8m. Bến nhô ra ngoài lòng sông kết nối bằng cầu dẫn.

Kết cấu bến được tính toán đảm bảo tiếp nhận tàu khách có trọng tải đến 100.000 GT, là cảng biển cấp I, có diện tích sử dụng đất 2ha. Tổng mức đầu tư là hơn 842,7 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Hiện khó khăn vướng mắc lớn nhất là toàn dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ (trong đó có bến du thuyền) và khu đô thị kèm theo phải thực hiện báo cáo, trình Thủ tướng có văn bản chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án.

Do đó, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP. HCM xem xét, báo cáo, trình Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị quy mô 117ha tại phường Phú Thuận, (quận 7) để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đối với bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP. HCM xem xét, báo cáo, trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị quy mô 117 ha tại quận 7 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Bến du thuyền tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội có cầu cảng bằng bê tông cốt thép kiên cố, đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu nhà hàng, tàu hành khách quốc tế.

Cảng có vị trí thuận lợi, nằm gần khu vực trung tâm TP. HCM, giúp hành khách có thể di chuyển bằng đường bộ vào trung tâm thành phố (khu vực quận 1, quận 3,... ) rất thuận tiện với thời gian ngắn.

Ngoài ra, khu cảng này có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình phát triển của TP. HCM, do đó có sức hút đối với du khách quốc tế, là điểm nhấn du lịch đường thủy tại khu vực trung tâm TP. HCM.

Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4), có tổng chiều dài là 1.800m, chiều rộng cầu cảng trung bình từ 12 đến 25m. Cầu cảng bằng bê tông cốt thép kiên cố, đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu nhà hàng, tàu hành khách quốc tế.

Hiện nay, Công ty Cổ phần cảng Sài Gòn đã di dời toàn bộ thiết bị, cần cẩu trên cảng về khu cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), chỉ còn khai thác đối với tàu chở hàng rời có cần cẩu trên tàu và khai thác một phần 500m cầu cảng phục vụ tàu du lịch biển và tàu nhà hàng du lịch (từ cầu cảng MM1 đến MM4 về phía hạ lưu sông Sài Gòn).

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP. HCM giao Sở Tài nguyên và môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu, trình UBND TP. HCM có ý kiến đối với nội dung dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng sau khi thực hiện khảo sát tình hình triển khai thực hiện công tác di dời cảng Sài Gòn của các đơn vị.

Sau khi dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với nhà đầu tư triển khai phần cầu bến Nhà Rồng - Khánh Hội. Phần cầu cảng này dành cho các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.