Đề xuất gia hạn ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến hết năm 2027
(VNF) - Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô đến ngày 31/12/2027, để góp phần nâng cao năng lực sản xuất và tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định số 26/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Bộ Tài chính cho rằng cần thiết gia hạn Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô để đảm bảo thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ.
Bên cạnh đó, chính sách này đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô thay cho việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN với mức thuế nhập khẩu 0%, từ đó tạo động lực lan tỏa đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho ngành ô tô như sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng... Đồng thời, cũng tạo cơ sở hạ tầng quan trọng trong việc phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện (như Vinfast, Công ty TMT).
Do đó, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ quyết định việc tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô với thời gian tương đương Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô (đến 31/12/2027) để đảm bảo đồng bộ, thống nhất về chính sách hỗ trợ và góp phần nâng cao năng lực sản xuất và tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô.
Theo Bộ Công thương, các chính sách ưu đãi thuế nói chung và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển trong những năm gần đây.
Bộ Công thương cũng cho biết hiện nay đã có 38 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/2017 và có khoảng 410 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô với 1.229 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô đã được chế tạo.
Số liệu cho thấy tính đến ngày 31/5/2024, các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô đã sản xuất khoảng hơn 3,3 triệu sản phẩm, với sô thuế đã hoàn là 116,8 tỷ đồng.
Trong đó, số thuế đã hoàn trong năm 2021 là 2,44 tỷ đồng; số thuế đã hoàn trong năm 2022 là 66,56 tỷ đồng; số thuế đã hoàn trong năm 2023 là 36,98 tỷ đồng và số thuế đã hoàn trong 5 tháng đầu năm 2024 là 10,86 tỷ đồng. Số thuế được hoàn trung bình là khoảng 39 tỷ đồng/năm.
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong số 410 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô, hiện có 17 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô tại 6 cục hải quan quan tỉnh, thành phố là: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Hà Nam Ninh, Bình Phước. Tổng cục Hải quan đã thực hiện được 7 kỳ ưu đãi.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), các doanh nghiệp thành viên ghi nhận những hiệu quả nhất định mà chương trình mang lại thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất, lắp ráp sản phẩm CNHT.
“Đây là cơ sở để các doanh nghiệp an tâm ổn định sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị mới, công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới”, VAMI nhận định.
Đề xuất trả lãi 10%/năm cho người nộp thuế bị chậm hoàn thuế
- ‘Ông chủ’ nhà máy động cơ 260 triệu USD: Từ vận tải đến công nghiệp ô tô 24/10/2024 11:00
- Công nghiệp ô tô Đức có thể mất 186.000 việc làm vì xe điện 03/11/2024 09:45
- Công nghiệp ô tô phương Tây mắc kẹt trong ‘cuộc chiến sống còn’ với Trung Quốc 08/10/2024 08:45
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.