ĐHĐCĐ Vingroup: VinFast dự kiến có dòng tiền dương từ 2026
(VNF) - Sáng 25/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với kết quả toàn bộ tờ trình được thông qua.
Năm 2023 nhiều dấu ấn
Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo VIC cho hay năm 2023, doanh thu thuần đạt 161.428 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 2.056 tỷ đồng, tương đương năm trước, hoàn thành 85% và 103% kế hoạch đề ra.
Cụ thể, ở mảng xe, năm 2023, công ty con của VIC là VinFast ghi dấu ấn lớn khi niêm yết thành công trên sàn Nasdaq của Mỹ. Công ty cũng đã phát hành thành công các dòng xe chính, từ mini car đến A, B, C, D, E bao gồm VF3, VF5, VF6, VF7, VF8, VF9 và đầu năm 2024 là bán tải VF Wild.
Tại Bắc Mỹ, năm 2023, VinFast khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina với quy mô 733ha, sản xuất xe VF8 và VF9, công suất dự kiến 150.000 xe/năm. Bên cạnh đó, công ty cũng bước đầu xây dựng các mạng lưới đại lý. Đến tháng 3/2024, công ty đã nhận được thư đăng ký hợp tác của 84 nhà phân phối với 148 điểm bán hàng. Trong số đó, công ty đã ký kết hợp tác với 10 nhà phân phối để mở rộng mạng lưới bán hàng và cung cấp dịch vụ hậu mãi đến Bắc Carolina, Kansas, Texas, Florida, Connecticut và New York.
VinFast cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc mở showroom tại các thị trường đã có mặt như châu Âu đồng thời phát triển thêm 9 thị trường quốc tế, đặt mục tiêu hiện diện tối thiểu tại 50 thị trường trong năm 2024 và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất tại Ấn Độ, Indonesia. Cập nhật tới tháng 2/2024, VinFast đã động thổ nhà máy xe điện quy mô 160ha tại Ấn Độ, công suất giai đoạn I là 50.000 xe/năm.
Tính đến hết năm 2023, VinFast đã bàn giao tới người dùng gần 35.000 ô tô điện và hơn 72.000 xe máy điện.
Ở mảng công nghệ, 2 thành viên của VIC là VinAI và Vin BigData cũng có một số sản phẩm tạo được dấu ấn trong năm 2023.
Trong khi đó, ở mảng thương mại – dịch vụ, thành viên trụ cột là Vinhomes đã bàn giao tới 29.000 căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại trong năm 2023 tại các dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3; đạt doanh thu điều chỉnh 121.4 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước; giá trị hợp đồng ký mới trong năm và doanh số chưa bàn giao lần lượt đạt 87 nghìn tỷ đồng và 99,7 nghìn tỷ đồng.
Ở mảng bất động sản cho thuê, thành viên là Vincom Retail kinh doanh hiệu quả với tỷ suất lấp đầy các trung tâm thương mại Vincom đạt 84,8%. Ngoài ra, công ty đã bàn giao các nhà phố thương mại tại các địa phương như Quảng Trị, Điện Biên, Cao Lãnh… ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4.409 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước.
Đối với các thành viên Vinpearl và VinWonders, sự phục hồi được ghi nhận đã tương đương với thời điểm trước dịch Covid-19.
Về nguồn vốn, năm 2023, HĐQT VIC đã duyệt phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, được ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết trái phiếu quốc tế tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Theo đó, VIC đã phát hành và niêm yết thành công 1 đợt trái phiếu quốc tế.
Trong khi đó, phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 5.000 tỷ đồng đã không được thực hiện, do thị trường không thuận lợi.
Mục tiêu lớn 2024
Năm 2024, ban lãnh đạo VIC xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh ở 3 trụ cột chính: công nghệ - công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội.
Ở mảng xe, tập đoàn đặt mục tiêu đẩy mạnh sản lượng xe bàn giao và tối ưu chi phí thông qua sáng kiến về thiết kế, mua hàng và sản xuất; đặt mục tiêu đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm 2024; bàn giao mẫu mới tại thị trường Mỹ, xuất khẩu xe đến châu Âu và bắt đầu phân phối tại Indonesia.
Ở mảng bất động sản, Vinhomes đặt mục tiêu hoàn thiện kênh phân phối và đẩy mạnh mô hình O2O. Cụ thể, công ty xây dựng hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có. Công ty cũng sẽ cải thiện hệ thống kinh doanh online.
VIC đặt mục tiêu doanh thu 2024 khoảng 200.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2024 khoảng 4.500 tỷ đồng.
Có kế hoạch niêm yết nhiều doanh nghiệp
Tại phiên thảo luận, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT VIC, đã trả lời các cổ đông về nhiều vấn đề.
Trong đó, đáng chú ý là ông Vượng cho hay tập đoàn đang làm thủ tục, hi vọng cuối năm nay có thể niêm yết Vinpearl trên thị trường chứng khoán Việt Nam và có kế hoạch để có thể niêm yết công ty GSM (sở hữu thương hiệu taxi điện Xanh SM) trên thị trường quốc tế.
Đối với các lo ngại về VinFast, chủ tịch VIC nêu quan điểm “Tôi không cho rằng xe điện hết thời mà ngược lại, là xu hường bền vững, không thể đảo ngược”.
Theo ông, công nghệ về pin phát triển đã giúp chi phí về pin rẻ đi, dần dần xe điện có chi phí ngang xe xăng. Bên cạnh đó, VinFast lại có chính sách cho thuê pin, tức đã cạnh tranh với xe xăng. Hiện, xe điện VinFast không kèm pin đang bán rẻ hơn xe xăng cùng loại trong khi chất lượng tốt hơn. Nếu thuê pin thì chi phí thuê pin cộng chi phí sạc điện có loại rẻ hơn 40-50% so với chi phí xăng.
“Vậy xe điện của VinFast tại Việt Nam, Indonesia cạnh tranh trực tiếp với xe xăng. Chi phí bảo hành sửa chữa cũng thấp hơn rất nhiều. Có lý gì xe điện không thắng xe xăng”, ông nói.
Ông Vượng cũng nêu thêm lợi ích của xe điện là bảo vệ môi trường và sức khỏe: “GSM có mười mấy nghìn xe, chạy 1 năm tương đương với lượng oxy thoát ra của 2 triệu cây xanh quang hợp. Nếu cả nước đi xe điện thì môi trường sạch thế nào.
“Bắc Kinh mười mấy năm trước cũng ô nhiễm nghiêm trọng. Xe điện góp phần quan trọng khiến Bắc Kinh sạch hơn. Mọi người có thể chưa hình dung điều ấy liên quan trực tiếp bản thân mình, nhưng để ý thì thấy nó liên quan trực tiếp. Giờ dị ứng nhiều hơn, bệnh hô hấp nhiều hơn, ung thư nhiều hơn. Chi phí y tế tăng lên khủng khiếp, cho mỗi cá nhân, chưa nói tới cả xã hội. Vậy nếu ta không làm, thì sau này, đừng nói con cháu mà ngay chúng ta, cũng không có cuộc sống khỏe mạnh và kinh tế tốt, vì có bao nhiêu tiền đi chữa bệnh bấy nhiêu.
“Xe điện là xu thế, là lợi ích. Tôi khẳng định VinFast của chúng tôi cạnh tranh mạnh với xe xăng, chẳng qua công tác truyền thông chưa làm mọi người rõ. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ chi 10.000 tỷ đồng để xây dựng thêm trạm sạc với số lượng gấp 3 lần trạm sạc hiện nay. Trên thực tế, điều ấy để giải quyết vấn đề tâm lý thôi, vì thống kê cho thấy trên 90% người dùng có nhu cầu đi dưới 100km/ngày, vậy sạc ở nhà được rồi, thi thoảng về quê mới dùng đến trạm sạc bên ngoài thôi”.
Bàn rộng ra câu chuyện suy giảm của Tesla, ông Vượng cho rằng điều ấy là bình thường, dễ hiểu. Sự suy giảm của Tesla là vì có những công ty xe điện khác chiếm mất thị phần, trong đó có VinFast. “Vị thế người dẫn đầu luôn căng thẳng và khó giữ, nên câu chuyện cổ phiếu là một phần thôi. Cũng như vì sao cổ phiếu của VIC có lúc giá thấp, sẽ đến lúc người ta hiểu rõ thì sẽ tăng vượt trội”
Đáng chú ý, ông Vượng cho hay, theo kế hoạch, đến năm 2026, VinFast sẽ hòa EBITDA, “Thực ra một số thị trường đã có lãi, nhưng lãi trên nền tảng 3 không: không khấu hao, không lợi nhuận, không chi phí tài chính. Nhưng rồi dần dần từng bước, ta tính các yếu tố đó vào được giá xe mà vẫn hòa và có lãi. Từ 2026, ta sẽ có dòng tiền dương”.
Ông Phạm Nhật Vượng: 'Tôi sẽ thu xếp tài sản để tài trợ cho VinFast tối thiểu 1 tỷ USD nữa'
- ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh thu 2024 dựa vào Ocean Park 2 – 3, Royal Island và các dự án tiềm năng 24/04/2024 11:00
- Bất động sản công nghiệp rộng đường tăng trưởng 01/05/2024 03:05
- Hàng loạt nhà máy sản xuất ô tô chạy xăng thành đống hoang tàn 01/05/2024 10:30
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.