Tài chính

'Điểm danh' những doanh nghiệp lớn có P/E nhỏ

(VNF) - Mặc dù P/E bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khoảng 15 lần và thông thường, những cổ phiếu của doanh nghiệp lớn thường được định giá cao hơn mức bình quân, nhưng trên thị trường vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp lớn có P/E rất thấp.

'Điểm danh' những doanh nghiệp lớn có P/E nhỏ

'Điểm danh' những doanh nghiệp lớn có P/E nhỏ

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG)

Giá chốt phiên 15/5: 32.400 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa: 68.800 tỷ đồng

Thống trị ngành thép nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát chỉ đang được giao dịch ở mức P/E hơn 8 lần.

Diễn biến thiếu khả quan của giá quặng sắt thế giới là nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận quý I/2019 của Hòa Phát giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến giảm 22% cho cả năm 2019. Điều này tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu HPG trong ngắn hạn.

Dù vậy, nhiều công ty chứng khoán vẫn khá lạc quan với cổ phiếu HPG, nhất là trong trung và dài hạn.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự báo doanh thu thuần năm 2019 của Hòa Phát đạt 70.570 tỷ đồng (tăng trưởng 26,4%) và lợi nhuận sau thuế đạt 8.981 tỷ đồng (tăng trưởng 4,4%), một phần nhờ đóng góp từ nhà máy Dung Quất.

Trong năm 2020, HSC dự báo doanh thu thuần của Hòa Phát sẽ đạt 92.321 tỷ đồng (tăng trưởng 30,8%) và lợi nhuận sau thuế đạt 10.534 tỷ đồng (tăng trưởng 17,3%) nhờ đóng góp lớn hơn từ nhà máy Dung Quất.

Cho giai đoạn 2019-2022, HSC dự báo doanh thu thuần sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 21,4% và lợi nhuận sau thuế là 17,9%. Động lực tăng trưởng chính sẽ là các sản phẩm mới, gồm thép dài chất lượng cao, thép dự ứng lực thanh PC và HRC (tất cả đều sản xuất tại nhà máy Dung Quất).

"Chúng tôi dự báo giá trị hợp lý năm 2019 của HPG là 40.800 đồng, tương đương P/E dự phóng năm 2019 là 10 lần", HSC nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh rằng quá trình tái cơ cấu ngành sẽ tiếp tục diễn ra và Hòa Phát là nhà sản xuất có quy mô lớn nhất với mức chi phí sản xuất thấp nhất.

HSC đánh giá Hòa Phát đã thành công trong việc duy trì lợi thế của mình thông qua chiến lược mở rộng công suất liên tục, cho phép công ty hiện đại hóa các cơ sở sản xuất và duy trì lợi thế về quy mô, từ đó giúp công ty tiết kiệm chi phí đáng kể.

"Công ty cũng sở hữu hệ chuỗi giá trị toàn diện. Sản phẩm thép dài chất lượng cao và thép dự ứng lực chất lượng cao hướng tới thay thế cho xuất khẩu sẽ là động lực cho Hòa Phát trong dài hạn. Đồng thời, cơ sở sản xuất HRC của công ty sẽ giúp giảm nhu cầu nhập khẩu HRC. Tiếp đó, ưu đãi thuế dành cho Khu kinh tế Dung Quất sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế và bù đắp phần nào cho sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận", HSC đánh giá về lợi thế và triển vọng của Hòa Phát..

Về định giá, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Công ty Chứng khoán SSI thậm chí còn đánh giá cao hơn khi khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu lần lượt là 44.000 đồng và 43.500 đồng.

Triển vọng của Hòa Phát được đánh giá cao trong trung và dài hạn

Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB)

Giá chốt phiên 15/5: 21.450 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa: 46.300 tỷ đồng

Xét theo chỉ số P/E, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là một trong những cổ phiếu lớn thuộc hàng "rẻ" nhất sàn chứng khoán, chỉ ở mức khoảng trên 7 lần, thấp thứ nhì trong rổ VN30 (chỉ cao hơn REE) và thấp hơn rất nhiều mức P/E bình quân ngành (khoảng 13 lần) cũng như mức P/E bình quân thị trường (khoảng 15 lần).

Định giá "rẻ" này trong bối cảnh MB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thực tế thuộc hàng thấp nhất, trong khi tăng trưởng lợi nhuận thuộc hàng cao nhất hệ thống (quý I/2019 tăng trưởng 26%, dự kiến lợi nhuận giai đoạn 2019 - 2024 tăng trưởng bình quân 20%/năm).

Theo ước tính của công ty chứng khoán HSC, giá trị hợp lý của cổ phiếu MBB là 35.000 đồng.

"Chúng tôi tin rằng MB sẽ tiếp tục tăng trưởng trên mức bình quân nhờ cơ cấu tài sản ưu việt và bộ máy lãnh đạo năng động. Ngân hàng có thế mạnh trong cho vay khách hàng cá nhân và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ từ nguồn huy động chi chi phí thấp nhờ tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao nhất trong ngành, khoảng 40%", HSC nêu quan điểm.

Công ty chứng khoán này nhấn mạnh thêm, MB vẫn luôn nghiêm ngặt trong các quy trình cho vay và xử lý nợ xấu khá nhanh. Do đó, các hệ số an toàn của ngân hàng luôn được đảm bảo, tạo điều kiện cho tín dụng tăng mạnh hơn so với hầu hết các ngân hàng đối thủ. Với chi phí dự phòng của ngân hàng mẹ sẽ không tăng mạnh và thậm chí có thể giảm, thì tăng trưởng tín dụng sẽ chuyển thành tăng trưởng lợi nhuận.

Đối với hai mảng kinh doanh mới là tài chính tiêu dùng (Mcredit) và bảo hiểm nhân thọ (MBAL), mặc dù bắt đầu phát triển muộn hơn nhưng theo HSC, MB có lợi thế khi sở hữu nguồn khách hàng trung thành và do đó cùng với ngân hàng mẹ, hai mảng kinh doanh này sẽ tiếp tục phát triển tốt.

Bên cạnh kết quả kinh doanh, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong nửa cuối năm nay cũng được các công ty chứng khoán kỳ vọng sẽ là yếu tố tác động tích cực đến cổ phiếu MBB.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, sau vài năm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 20%, MB dự kiến sẽ mở nốt 10% còn lại để phục vụ cho việc phát hành riêng lẻ vào cuối năm. Ngân hàng kỳ vọng rằng sau khi sở hữu nước ngoài được nới thêm thì việc phát hành riêng lẻ có thể được thực hiện ở mức giá cao (gấp ba hoặc gấp bốn lần mệnh giá).

"Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để MB có thể tiếp cận với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và thậm chí không loại trừ khả năng sẽ tìm được nhà đầu tư sẵn lòng tham gia vào quá trình quản trị để nâng cao năng lực của ngân hàng", VDSC đánh giá.

Công ty chứng khoán này đưa ra mức giá mục tiêu cho mỗi cổ phiếu MBB là 30.500 đồng.

Trong khi đó, công ty chứng khoán SSI cho rằng mức giá mục tiêu một năm là 32.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch phát hành cổ phiếu mới với định giá cao hơn là một tín hiệu tích cực.

Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB)

Giá chốt phiên 15/5: 29.500 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa: 36.800 tỷ đồng

Năm 2019, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên đến 7.279 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018 bất chấp năm qua, ngân hàng này ghi nhận lượng lớn lợi nhuận đột biến từ hoàn nhập dự phòng. Đây là một tín hiệu cho thấy ACB đang rất tự tin với triển vọng kinh doanh.

Dù vậy, cổ phiếu ACB hiện vẫn đang giao dịch ở mức định giá thấp với P/E chỉ khoảng 7 lần.

Công ty chứng khoán HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu ACB hiện là 45.000 đồng. Theo HSC, ACB là một trong những ngân hàng tư nhân tốt nhất tại Việt Nam, có khả năng duy trì kết quả lợi nhuận cao và bền vững. Những điểm cộng khác có thể kể đến như chính sách quản trị rủi ro hiệu quả, hoạt động quản trị doanh nghiệp minh bạch và không có rủi ro cho vay tập trung.

Mặc dù cũng đánh giá cao ACB nhưng các công ty chứng khoán khác như VCSC hay SSI đưa ra mức định giá thấp hơn, lần lượt là 35.500 đồng/cổ phiếu và 38.600 đồng/cổ phiếu, vẫn cao hơn từ 20% đến 30% so với giá hiện tại.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB)

Giá chốt phiên 15/5: 18.900 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa: 46.400 tỷ đồng

Năm 2019, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế  tăng trưởng 3,28% đạt 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng 13,8%.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2019 không được khả quan với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.782 tỷ đồng (giảm 31,92% so với cùng kỳ năm ngoái). Dù vậy, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thực tế tăng 0,77% so với cùng kỳ, hoàn thành được 18,8% kế hoạch đề ra cho cả năm.

Những tín hiệu kém tích cực này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu VPB của VPBank đang được định giá ở mức P/E thấp, dưới 7 lần.

Công ty chứng khoán HSC cho rằng giá trị hợp lý của cổ phiếu VPB đang ở mức 21.000 đồng, trên cơ sở dự báo lợi nhuận trước thuế năm nay của VPBank ở mức 8.525 tỷ đồng (giảm 7,31%) với ngân hàng mẹ đóng góp 5.052 tỷ đồng (giảm 0,5%) và FE Credit đóng góp 3.445 tỷ đồng (giảm 16,32%).

Mức dự báo này thấp hơn khoảng 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch mà ban lãnh đạo VPBank đề ra.

Nêu thêm hạn chế, HSC cho hay phần lớn ngân hàng đều đã xóa toàn bộ trái phiếu VAMC hoặc chỉ có giá trị trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng không đáng kể. Trong khi đó, VPBank vẫn còn 1.883 tỷ đồng trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng (tương đương 1,08% tổng dư nợ).

Có phần lạc quan hơn, công ty chứng khoán VDSC khuyến nghị giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu VPB là 24.800 đồng, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay dự kiến khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, VDSC cũng cảnh báo về một số quy định vĩ mô mới sẽ tác động đáng kể đến FE Credit.

Cụ thể, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo thông tư về cho vay tiêu dùng, trong đó đặt ra các quy định chặt chẽ hơn về giải ngân trực tiếp cho người vay.

Thứ nhất, người vay phải có lịch sử tín dụng tốt với công ty và không có nợ xấu đối với trung tâm thông tin tín dụng CIC tại thời điểm giải ngân. Thứ hai, việc cho vay trực tiếp cho khách hàng không được vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng của công ty.

"Nếu thông tư dự thảo được phê duyệt, chúng tôi tin rằng các công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ cho vay tiền mặt cao như FE Credit hoặc Mcredit, cũng như nhiều công ty tổ chức tín dụng mới gia nhập ngành khác sẽ bị ảnh hưởng mạnh cao nhất", VDSC nêu quan điểm.

Cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn đang có mức P/E thấp

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC)

Giá chốt phiên 15/5: 93.700 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa: 8.700 tỷ đồng

Dù được mệnh danh là "nữ hoàng cá tra", dẫn đầu ngành nhưng cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn được định giá ở mức rất thấp, với P/E chỉ dưới 6 lần.

Công ty chứng khoán HSC cho rằng giá trị hợp lý của cổ phiếu VHC phải là 122.968 đồng, tương đương P/E dự phóng là 7,2 lần.

Kết quả kinh doanh quý I/2019 của Vĩnh Hoàn rất khả quan với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 nhờ giá bán bình quân tăng.

Nhờ vị thế vững mạnh của công ty tại thị trường Mỹ, nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc và dự kiến giảm thuế xuất khẩu sang thị trường EU, HSC lạc quan về triển vọng lợi nhuận trong 2 năm tới.

Cho năm 2019, HSC dự báo lãi ròng của Vĩnh Hoàn tăng trưởng 10,3%. Cho năm 2020, mức lãi ròng được dự báo tăng trưởng 6,4%.

Một trong những ưu thế cạnh tranh nổi bật nhất của Vĩnh Hoàn là việc được hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg vào thị trường Mỹ theo POR 14, trong khi các đối thủ lớn bị áp thuế khá cao, thậm chí là rất cao như trường hợp của Hùng Vương - "vua cá tra" một thời.

Trong khi đó, mức giá mục tiêu mà công ty chứng khoán VCSC đưa ra là 117.600 đồng/cổ phiếu. Theo VCSC, có 2 rủi ro lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Vĩnh Hoàn gồm: nguồn cung tăng ngoài dự kiến ảnh hưởng đến giá bán trung bình và các rào cản thương mại mới từ các nước nhập khẩu.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC)

Giá chốt phiên 15/5: 42.400 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa: 5.800 tỷ đồng

Trên thị trường, cổ phiếu MPC của "vua tôm" Minh Phú đang được định giá ở mức P/E hơn 8 lần.

Nhỉnh hơn một chút, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mức định giá hợp lý của cổ phiếu MPC là 59.500 đồng, tương đương P/E mục tiêu năm nay là 9 lần.

BVSC cho rằng ngành tôm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa thật sự thuận lợi trong năm nay, nhưng sẽ không có biến động quá xấu. Động lực tăng trưởng chính của Minh Phú trong tương lai không chỉ đến từ việc tăng công suất nhà máy, qua đó tăng trưởng về mặt sản lượng xuất khẩu, mà còn ở triển vọng giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, qua đó cải thiện tích cực biên lợi nhuận gộp trong tương lai.

"Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đầu ngành, với kim ngạch xuất khẩu đứng đầu thế giới. Công ty hiện đang có những dự án khả thi để hỗ trợ cho tăng trưởng của công ty trong trung và dài hạn. Ngoài ra, trong ngắn hạn hạn, với những lợi thế cạnh tranh và vị thế vốn có của mình, chúng tôi cho rằng những triển vọng tích cực của Minh Phú sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019", BVSC nêu góc nhìn.

Có phần trái ngược, công ty chứng khoán VDSC cho rằng trong ngắn hạn, khi mức độ tự chủ về nguyên liệu còn thấp, đầu vào của Minh Phú vẫn sẽ chịu rủi ro về biến động giá tôm nguyên liệu trên thị trường. Về đầu ra, do sản lượng chưa tăng mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh lớn với các nước khác, giá xuất khẩu của Minh Phú vẫn sẽ phụ thuộc vào giá thế giới.

Cổ phiếu ngành thủy sản có mức P/E thuộc hàng thấp nhất thị trường

Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE)

Giá chốt phiên 15/5: 33.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa: 10.200 tỷ đồng

Với P/E chỉ ở mức gần 6 lần, cổ phiếu REE của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh là cổ phiếu có P/E thấp nhất trong rổ VN30.

Công ty chứng khoán HSC nhận định giá trị hợp lý của cổ phiếu REE là 41.200 đồng, tương đương P/E dự phóng là 8 lần.

HSC cho rằng mảng cơ điện (M&E) của REE sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay nhờ giá trị hợp đồng đã ký lớn và mảng cho thuê văn phòng cũng tăng trưởng tốt nhờ có 2 tòa nhà mới đi vào hoạt động.

Tuy vậy, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết sẽ giảm do mảng thủy điện sẽ không khả quan bằng năm ngoái trước tác động của hiện tượng El Nino.

Khác với HSC, công ty chứng khoán VCSC cho hay REE hiện đang là cổ phiếu được công ty này đánh giá cao nhất trong ngành điện. Giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 50.200 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, công ty chứng khoán VDSC đánh giá cao tính bền vững trong hoạt động kinh doanh của REE, qua đó giúp công ty tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn. VDSC khuyến nghị mua cổ phiếu REE với mức giá 48.400 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên