Tài chính quốc tế

Điểm danh những tập đoàn gia đình hùng mạnh hàng đầu thế giới

(VNF) - Trong khi có rất nhiều tập đoàn gia đình đã lụi bại vì không tìm được người lãnh đạo xứng tầm thì có những tập đoàn với sự tham gia của các thế hệ cùng nắm giữ các cương vị chủ chốt đã có đóng góp không nhỏ cho kinh tế thế giới.

Samsung

Một cái tên quen thuộc trong số các tập đoàn “cha truyền con nối” là tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc. Thành lập năm 1938, Samsung là “đế chế kinh doanh” của gia tộc họ Lee với giá trị vốn hoá thị trường lên tới 174 tỷ USD.

Tập đoàn Samsung do ông Lee Byung-chul sáng lập năm 1938. Sau đó, người con thứ ba là Lee Kun-hee lên nắm giữ cương vị chủ tịch tập đoàn khi người cha Lee Byung-chul qua đời vào năm 1987.

Ông Lee Byung-chul, Lee Kun-hee và Lee Jae-yong.

Năm 2020, khi ông Lee Kun-hee qua đời, con trai duy nhất của ông là Lee Jae-yong (sinh năm 1968) đã kế nhiệm và trở thành chủ tịch thế hệ thứ 3 của tập đoàn điện tử hùng mạnh này.

Dù có tài năng nhưng ông Lee Jae-yong đã phải ngồi tù nhiều năm vì liên quan tới các vụ án hối lộ, thao túng giá cổ phiếu...

Tất cả những điều này có thể xem là những “phép thử” cho người lãnh đạo trong tương lai của Samsung và ông đã chứng tỏ khả năng vượt qua “bão tố” khi tiếp tục đưa tập đoàn gia đình phát triển. 

Walmart

Nhắc tới các tập đoàn gia đình, thật thiếu sót khi không nhắc tới Walmart. Là một “ông trùm” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Walmart có vốn hoá thị trường lên tới hơn 200 tỷ USD. Hiện nay, gia tộc Walton sở hữu khoảng một nửa giá trị của Walmart thông qua công ty Walton Enterprises.

Từ cuối thế kỷ 20, gia tộc Walton đã nổi lên với cái tên Samuel Moore (Sam) Walton, được mệnh danh là “ông vua bán lẻ ở Mỹ”. Ông cũng là người thành lập tập đoàn bán lẻ Walmart và được lịch sử ghi dấu như một trong những người giàu nhất thế giới cho đến đầu thế kỷ 21.

Cựu chủ tịch Walmart, ông Rob Walton, bà Alice Walton, và ông Sam Walton trong một cuộc họp cổ đông thường niên của công ty.

Tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, anh em Rob Walton và Jim Walton hiện đang ngồi trong ban giám đốc của công ty với khối tài sản lên tới hơn 30 tỷ USD.

Kể từ năm 2014, con rể của ông Rob Walton là ông Gregory đã kế nhiệm chức chủ tịch Walmart và đại diện điều hành tập đoàn này cho đến nay.

Volkswagen

Tập đoàn Volkswagen, với vốn hoá thị trường khoảng 120 tỷ USD, cũng là một cái tên trứ danh khi có rất nhiều thành viên trong gia tộc Piech-Porsche nắm giữ phần lớn cổ phần và vị trí lãnh đạo trong đế chế này.

Ông Ferdinand Piech (phải) và ông ngoại Ferdinand Porsche.

Dù Porsche và Volkswagen được biết đến như hai hãng xe ô tô riêng biệt. Tuy nhiên, công ty đa quốc gia Porsche Automobile Holding sở hữu hai hãng xe trên lại nằm dưới trướng của một của gia tộc với người đứng đầu là cố chủ tịch Ferdinand Piech, cháu ngoại của người sáng lập dòng siêu xe Porsche, ông Ferdinand Porsche.

Sau khi ông qua đời, một người ngoại tộc đã kế thừa vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, song vẫn có ít nhất 5 thành viên của gia tộc Porsche có tên trong hội đồng điều hành tập đoàn Volkswagen.

Sun Hung Kai

Được thành lập năm 1963, tập đoàn Sun Hung Kai là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Hong Kong (Trung Quốc) với tổng trị giá tài sản khoảng gần 40 tỷ USD. Tập đoàn được gây dựng bởi cố Chủ tịch Kwok Tak Seng.

Nhờ mối quan hệ rộng rãi và khả năng lãnh đạo tài ba, chỉ sau vài năm thành lập, ông Kwok cùng công ty Sun Hung Kai đã gặt hái được thành công vang dội trong giới kinh doanh bất động sản. Tập đoàn này cũng là chủ sở hữu của những trung tâm mua sắm đông đúc nhất tại Hong Kong. 

3 anh em nhà Kwok gồm Raymond (trái), Walter và Thomas.

Năm 1990, ông Kwok Tak Seng đột ngột qua đời vì bệnh tim, hưởng thọ tuổi 79 tuổi. Người con trai cả là ông Walter Kwok đã thay cha ngồi vào ghế chủ tịch hội đồng quản trị với sự giúp đỡ của hai người em ruột là ông Thomas Kwok và Raymond Kwok.

Cả 3 người thừa kế đều tích cực tham gia công việc quản lý kinh doanh và tiếp tục thành công của Sun Hung Kai. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố gia tộc, cả ba người con của ông Kwok đều rời khỏi công ty.

Tuy nhiên, từ năm 2018, truyền thống “cha truyền con nối” vẫn được tiếp tục khi đế chế bất động sản trị giá 38 tỷ USD thuộc về ông Geoffrey Kwok, con trai của ông Walter Kwok. 

LVMH

LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE, được biết đến với cái tên ngắn gọn LVMH, có trụ sở tại Paris, Pháp, là gã khổng lồ trong làng thời trang thế giới. Đế chế này sở hữu hơn 70 thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tập đoàn là tỷ phú Bernard Arnault, tên không hề xa lạ trong giới siêu giàu khi sở hữu khối tài sản lên tới hơn 190 tỷ USD.

Tỷ phú Bernard Arnault và con trai Alexandre Arnault.

Vừa qua hãng trang sức thời trang Mỹ nổi tiếng Tiffany & Co. cũng đã được LVMH mua lại. Không những vậy, hồi đầu năm nay, việc ông Bernard bổ nhiệm con trai thứ ba, ông Alexandre Arnault vào vị trí phó chủ tịch của Tiffany đã cho thấy LVMH đang chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực nội bộ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, những người con của doanh nhân Bernard đã sớm được ông chuẩn bị để sẵn sàng kế vị đế chế khổng lồ do ông gây dựng. 

Xem thêm >> Toshiba phế truất chủ tịch Nagayama sau nhiều bê bối tranh cãi

Tin mới lên