Tài chính

Doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vì 'mức nộp quá cao'

(VNF) - Bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng sở dĩ rất nhiều doanh nghiệp vi phạm về chế độ bảo hiểm, nộp bảo hiểm xã hội không đúng thực tế, chỉ nộp theo lương tối thiểu là do mức nộp bảo hiểm xã hội hiện quá cao.

Doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vì 'mức nộp quá cao'

Hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp tổ chức sáng 10/5

Sáng nay (10/5), Tạp chí Tài chính doanh nghiệp đã phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) tổ chức Hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vì mức nộp quá cao

Phát biểu tại hội thảo, Nguyễn Thị Cúc, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch VTCA cho hay theo cơ chế hiện nay, doanh nghiệp phải tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm số liệu kê khai, cơ quan thuế không thực hiện quyết toán thuế hằng năm mà chỉ tiến hành tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế nợ thuế.

"Nếu tự quyết toán mà không quyết toán đúng thì cơ quan thuế khi thanh tra, kiểm tra sẽ truy thu thuế, còn nếu như trốn, lậu thuế, hóa đơn bất hợp pháp thì nghiêm trọng có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Điều đó rất rủi ro", bà Cúc nói.

Bà lấy ví dụ: "Khi tôi đi khảo sát thì gần 100% doanh nghiệp đều vi phạm về chế độ bảo hiểm, nộp bảo hiểm không đúng thu nhập thực tế mà chỉ nộp theo lương tối thiểu. Chỉ có 1 doanh nghiệp duy nhất ở Khu công nghiệp Hậu Giang là nộp đúng bảo hiểm xã hội".

Tại sao vậy? Bà Cúc cho rằng mức nộp bảo hiểm xã hội quá cao, 32,5%, chưa kể 2% kinh phí công đoàn. "Nên người ta nếu nộp thì sẽ không chịu được", nguyên lãnh đạo ngành thuế cho hay.

Bà Cúc thông tin, năm 2018, Chính phủ đã chấp nhận kiến nghị của VTCA và có nghị quyết yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cùng với tất cả bộ ngành xem xét lại chế độ bảo hiểm cho phù hợp, để xây dựng lại chế độ bảo hiểm.

Hiện nay, trong lúc chưa thay đổi, Nghị định 143 hướng dẫn luật bảo hiểm xã hội bắt đầu từ 1/2/2018 quy định, đối với doanh nghiệp Việt Nam, người sử dụng lao động nộp 21,5%, người lao động nộp 10,5% bảo hiểm xã hội. Người nước ngoài cũng phải nộp bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, bà Cúc cũng nhận định rằng hiện nay chúng ta chưa quản lý được luồng tiền, luồng hàng. Điều này cũng gây rủi ro cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không biết nên vẫn dẫn đến gian lận, chẳng hạn như trường hợp vẫn thanh toán qua đơn hàng, vẫn có hóa đơn chứng từ nhưng hàng hóa hoàn toàn là mua ngoài, mua hàng lậu, hàng giá rẻ.

"Vừa rồi có một doanh nghiệp của Hải Phòng, bán doanh thu "ma" 976 tỷ cho 52 doanh nghiệp, nghĩa là có 52 doanh nghiệp mua gần 1.000 tỷ khống. Nhà nước mất thuế GTGT 10%, mất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%... Vụ án này đã được đưa ra xét xử", bà Cúc dẫn ví dụ thực tế.

Đề xuất đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất để doanh nghiệp thuận lợi vay vốn ngân hàng

Tham luận tại hội thảo, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Thứ nhất, công tác cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tại một số địa phương chưa đạt được hiệu quả cao, phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp.

Cùng với đó, công tác xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi khách hàng không trả được nợ vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục liên quan đến khởi kiện, thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn bất cập dẫn đến tâm lý thận trọng hơn trong cho vay của các TCTD.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đối ứng; dự án, phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, sản xuất tự phát, khả năng hoàn vốn thấp, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi đó lại thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Trên cơ sở những vướng mắc này, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị các bộ ngành triển khai đồng bộ các quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và các văn hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Bên canh đó, quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi hành án và quá trình xử lý tài sản đảm bảo đối với các tài sản đã có quyết định thi hành án, hỗ trợ các TCTD trong việc thu hồi vốn.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai Chương trình kết nối – ngân hàng doanh nghiệp để kịp thời xử lý các khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng.

Tin mới lên